Thứ Hai, 14/08/2023, 11:35 (GMT+7)
.

Gian nan chủ trương phân hạng giáo viên

Những ngày qua, kiến nghị về thăng hạng giáo viên làm nóng nhiều diễn đàn truyền thông, xã hội. Sự việc hàng nghìn giáo viên đề đạt nguyện vọng chuyển đổi hình thức, giảm điều kiện thăng hạng cho thấy có thể cơ quan ban hành không lường hết tất cả tình huống thực tiễn khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.

Không thể phân hạng tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp

Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) lên tiếng giải đáp những thắc mắc trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT (Thông tư 08) về bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương giáo viên, đồng thời hứa “trong quá trình hướng dẫn và tổ chức thực hiện, nếu có tình huống phát sinh, không hợp lý, chúng tôi tiếp tục xin ý kiến để điều chỉnh”, cộng đồng giáo viên cả nước đều bày tỏ vui mừng khi tâm tư đè nặng lên họ nhiều năm qua đã được trút bỏ phần nào.

Tháng 9-2015, Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ có chùm thông tư liên tịch về quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, có hiệu lực từ tháng 11-2015. Chùm thông tư ban hành có quá nhiều bất cập, không thực tế nên đã bị thay thế bởi chùm thông tư do Bộ GD-ĐT ban hành ngày 2-2-2021, có hiệu lực từ ngày 20-3-2021.

Một tiết học của cô và trò Trường THPT Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Khánh Hà
Một tiết học của cô và trò Trường THPT Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Khánh Hà

Tuy nhiên, chùm thông tư này một lần nữa lại bị dư luận phản ứng gay gắt vì bất hợp lý. Thế nên, mặc dù chưa tới ngày chùm thông tư có hiệu lực, Bộ GD-ĐT đã cho dừng thực hiện. Ngày 14-4-2023, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 08 sửa đổi, bổ sung một số điều của chùm thông tư năm 2021, có hiệu lực từ ngày 30-5-2023. Như vậy, Thông tư 08 có được đã phải trải qua một thời gian dài hơn hai năm lấy ý kiến góp ý rộng rãi trong cả nước.

Một trong những bất cập lớn nhất của Thông tư 08 là việc quy định tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp nhà giáo khác nhau cho từng hạng chức danh. Điều này là không hợp lý, bởi đạo đức nghề nghiệp là một phẩm chất chung của nhà giáo, không phụ thuộc vào hạng chức danh. Việc phân hạng tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp như vậy sẽ gây tâm lý bất bình cho giáo viên.

Các hạng khác nhau và các cấp học, ngành học khác nhau sẽ có tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp tương ứng khác nhau là hiểu không đúng về khái niệm đạo đức nghề nghiệp nhà giáo. Sửa đổi để có quy định tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp chung là rất xác đáng.

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có quy định mục tiêu giáo dục các bậc học, cấp học để phù hợp với trình độ đào tạo. Như vậy đòi hỏi giáo viên cấp tiểu học và trung học cơ sở ở hạng I có trình độ đào tạo sau đại học là không cần thiết so với quy định của Luật Giáo dục chỉ là trình độ đại học.

Thực tế khẳng định, trình độ đào tạo chỉ là một phần của hiệu quả dạy học, còn trình độ chuyên môn nghiệp vụ tới mức nghệ thuật dạy học mới là quyết định, nhất là dạy học cho học sinh nhỏ tuổi giai đoạn giáo dục cơ bản. Giáo viên có trình độ đào tạo cao hơn Luật Giáo dục quy định chỉ nên là khuyến khích hay xét thưởng chứ không nên trở thành tiêu chuẩn xếp hạng giáo viên.

“Giấy phép con” gây bao hệ lụy

Mỗi khi được lên hạng là giáo viên phải tham gia bồi dưỡng để đạt chứng chỉ lên hạng. Thực chất, đó là “giấy phép con” đã để lại bao hệ lụy tiêu cực trong xã hội và trong ngành giáo dục. Chất lượng chứng chỉ, chất lượng giáo dục chưa thấy đâu nhưng đã thấy xuất hiện vấn nạn mua bán chứng chỉ tràn lan, tốn kém thời gian, tiền bạc của các nhà giáo, để lại tiếng xấu trong môi trường văn hóa học đường.

Khi thực hiện bổ nhiệm từ hạng chức danh nghề nghiệp cũ sang hạng chức danh nghề nghiệp mới, một số địa phương yêu cầu giáo viên phải có đủ minh chứng đã thực hiện nhiệm vụ của hạng dẫn đến việc giáo viên không thể cung cấp đủ minh chứng nên chưa được bổ nhiệm hạng tương ứng. Để khắc phục tình trạng này, một số địa phương đã quy định khi bổ nhiệm sang hạng tương ứng, không yêu cầu giáo viên phải có minh chứng về việc đã thực hiện được nhiệm vụ của hạng.

Quy định về thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III là 9 năm. Tuy nhiên, chênh lệch hệ số lương giữa hạng III (theo bảng lương của viên chức loại A0 với hệ số lương khởi điểm là 2,10) và hạng II (theo bảng lương của viên chức loại A1 với hệ số lương khởi điểm là 2,34) không nhiều, nếu yêu cầu thời gian giữ hạng 9 năm sẽ bất lợi, làm giảm động lực phấn đấu của giáo viên mầm non.

Do đó, tại Thông tư 08, Bộ GD-ĐT điều chỉnh thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III từ 9 năm xuống còn 3 năm để thống nhất với các ngành, lĩnh vực khác và giảm khó khăn cho đội ngũ giáo viên mầm non, vốn là bậc học vất vả nhất nhưng đãi ngộ của Nhà nước vẫn chưa tương xứng.

Nội dung thắc mắc, gây tranh cãi, ồn ào nhất là việc chuyển hạng xếp hạng giáo viên vì nó đồng nghĩa với xếp hạng bậc lương, đụng chạm tới chính sách tiền lương, vốn gắn với cơm, áo, gạo, tiền và đời sống của giáo viên.

Trong Nghị định số 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ: “Thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp”. Bộ Nội vụ đang xin ý kiến UBND các tỉnh, thành phố và các ban, bộ, ngành sửa đổi nghị định theo hướng xét thăng hạng, bỏ thi. Tuy nhiên, do chưa có văn bản sửa đổi nên hiện nay, Nghị định số 115/2020/NĐ-CP vẫn đang còn hiệu lực thi hành, dẫn tới mỗi nơi thực hiện một khác.

Hy vọng rằng, Bộ GD-ĐT sẽ sớm xem xét, giải quyết những kiến nghị của giáo viên và các cơ sở giáo dục để Thông tư 08 được thực thi một cách công bằng, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
 

(Theo qdnd.vn)

.
.
.