.

Thu hút nhân tài - lương cao liệu đã đủ?

Cập nhật: 14:19, 09/09/2023 (GMT+7)

Lịch sử dạy cho chúng ta những bài học quý giá, từ bài học đó, chúng ta có sự lựa chọn, định hướng đúng đắn cho tương lai đất nước.

a
Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội đoạt giải trong các cuộc thi tài năng, khởi nghiệp (Nguồn: sggp.org.vn)

Đi qua tháng năm chiến tranh vệ quốc với nhiều đau thương mất mát, Việt Nam đang tạo dựng được vị thế mới về kinh tế, chính trị, văn hoá sau gần 40 năm thực hiện chính sách Đổi mới mở cửa.

Nhưng xét về tính bền vững thì kinh tế Việt Nam vẫn là nền kinh tế phụ thuộc khi chưa tự chủ được công nghệ dây chuyền sản xuất mà phần lớn vẫn là gia công, lắp ráp rồi xuất khẩu theo kiểu “lấy công làm lãi”.

Trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, nếu không nhanh chóng bắt kịp làm chủ khoa học, công nghệ, có phát minh, sáng tạo mới thì Việt Nam không tận dụng được cơ hội bằng vàng ở thời điểm hiện tại, sẽ vẫn mãi là cái xưởng gia công của quốc gia khác.

Muốn phát triển ổn định và thành công, Việt Nam cần có sự quy tụ, góp sức từ trí tuệ của tầng lớp nhân sĩ, trí thức những bậc hiền tài của 100 triệu người dân Việt Nam ở trong nước và cả ở nước ngoài. Bất kì triều đại hay đất nước nào muốn hùng cường, thịnh vượng thì đều phải trọng dụng nhân tài, vì như tiến sĩ  Thân Nhân Trung viết trên văn bia tiến sĩ đặt tại Văn Miếu: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”.

Các bậc tiền nhân từng đúc kết "Phi nông bất ổn, Phi công bất phú, Phi thương bất hoạt, Phi trí bất hưng", tạm hiểu là "không có nông nghiệp thì đất nước không ổn định, không có công nghiệp thì đất nước không thể giàu, không có thương mại thì xã hội không hoạt động, không có trí thức thì đất nước không hưng thịnh".

Nay Việt Nam về nông nghiệp là nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, về buôn bán giao thương đã kết nối các quốc gia lớn mạnh trên khắp địa cầu, vị thế, sức mạnh có sự tiến bộ cao nhất từ trước tới nay. Nếu Việt Nam không để bị chảy máu chất xám mà quy tụ, tập hợp được trí tuệ của người Việt Nam ở nước ngoài đem về quê hương, xây dựng đất nước, phát huy tối đa khả năng sáng tạo của nhân tài trong nước thì sẽ thật trọn vẹn.

Ngày 31/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 899/QĐ-Ttg phê duyệt chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Gần đây thông tin từ bà quyền trưởng phòng Quản lý Khoa học thuộc Sở Khoa học - Công nghệ TP HCM cho biết tại cuộc họp báo ngày 17/8,2023, rằng TP HCM đang lập đề án về chế độ lương, đãi ngộ cho lãnh đạo, người nghiên cứu khoa học. Theo dự thảo đề án, người đứng đầu tổ chức khoa học hưởng lương từ 60- 120 triệu đồng/người/ tháng, cấp phó sẽ có mức lương 50- 100 triệu đồng/người/tháng. Trưởng, phó các phòng ban chuyên môn, người chủ nhiệm các đề tài, nhiệm vụ khoa học – công nghệ cũng có mức lương rất cao tương xứng từ 30- 80 triệu đồng/người/tháng.

Đây thực sự là điều vui mừng vì đó là chính sách đúng đắn về sử dụng nhân tài. Với mức lương cao hơn nhiều so với các ngạch, bậc, hệ số, thâm niên... đóng khung trong các ngành nghề của công chức, viên chức…, thì đây là mức lương người được hưởng có thể đảm bảo cuộc sống ổn định cho bản thân và gia đình, có tích luỹ để sở hữu mua nhà, mua xe ô tô ở tầm trung.

Vấn đề đặt ra, nếu chỉ mức lương tốt thôi liệu đã đủ? Nhân tài cần có đất để dụng võ, môi trường để phát huy tối đa khả năng, năng lực của mình. Cổ nhân từng dạy “Ba quân dễ kiếm, một tướng khó tìm”, nếu không phải là Lưu Bị “tam cố thảo lư” tới mời Khổng Minh xuống núi thì liệu có thế thiên hạ chia ba thời Tam quốc.

Nhân tài bên cạnh khả năng, năng lực thì họ có cá tính rất mạnh, lòng tự trọng, tự ái rất cao, nên điều họ cần nhất đó là thái độ tôn trọng họ. Nếu được tôn trọng và tạo điều kiện, họ sẽ làm việc cống hiến hết mình. Lòng tự trọng sẽ không cho phép họ hưởng lương cao mà không có đóng góp gì, họ cần được làm việc để chứng minh bản thân chứ không thích “việc nhẹ lương cao” hay “ngồi mát ăn bát vàng”.

“Anh hùng trọng anh hùng”, người đứng đầu tổ chức quy tụ nhân tài trước hết phải là người tài năng, đức độ. Họ cần có tố chất như nam châm thu hút tất cả mọi người đi theo cùng một hướng, kích thích, phát huy khả năng sáng tạo của nhân tài, kể cả những người cá tính mạnh kiểu “ngựa hay thường có tật”. Nếu đã “tâm phục, khẩu phục” thì năng suất, chất lượng về công việc của họ không cần ai giám sát thúc đẩy, bản thân họ sẽ cháy sáng hết mình.

Nếu môi trường làm việc vẫn còn kiểu 5 C (con cháu các cụ cả ), nhất quan hệ, nhì tiền tệ, ba mới đến trí tuệ, chưa kể việc bị “đì”, bị Lý Thông cướp công Thạch Sanh, kèm tư tưởng “giàu thì bị ghét, đói rét thì khinh, thông minh thì tìm cách tiêu diệt” thì nhân tài sớm muộn cũng ra đi, còn không sẽ “mũ ni che tai” giả ngu để yên phận.

Các công ty nước ngoài họ đang sử dụng không ít nhân tài của Việt Nam, họ trọng dụng, có phần thưởng xứng đáng với các sáng kiến, cải tiến đem lại lợi nhuận của các cấp quản lý, nhân viên. Chỉ cần được phát hiện là nhân tài, họ sẽ chú trọng đầu tư, tạo điều kiện cho việc học tập, rèn luyện và phát huy năng lực.

Chẳng cần đâu xa, việc sử dụng nhân tài nên học tập ngay Trung Quốc láng giềng, họ cử sinh viên, học sinh ưu tú đi học những gì tiến bộ của Mỹ - Châu Âu rồi về cống hiến, phục vụ xây dựng đất nước. Hàn Quốc cũng vậy ,những lớp thành đạt ở nước ngoài sẽ mang về nước những thứ quý hơn cả tiền - đó là những kĩ thuật, công nghệ tiên tiến nhất của thế giới giúp cho khoa học, công nghệ Hàn Quốc tiến bộ vượt bậc.

Tập đoàn Vingroup có sự chuyển dịch táo bạo, bước tiến mạnh mẽ là nhờ họ dám và sử dụng đúng nhân tài. Hạt giống nhân tài được gieo vào mảnh đất màu mỡ, được chăm bón chu đáo sẽ thành hoa thơm quả ngọt.

Mong sao chính sách đúng đắn của Chính phủ sẽ đi vào cuộc sống, làm nên cuộc cách mạng về con người, giúp Việt Nam ngày càng thịnh vượng.

Theo diendandoanhnghiep.vn

.
.
.