.

Đừng tự đánh mất quyền sống khỏe, sống đẹp!

Cập nhật: 09:25, 27/10/2023 (GMT+7)

Vấn đề ở đây là sự mập mờ, đánh tráo khái niệm, và khi có sự cố xảy ra thì khách hàng vẫn luôn là người thiệt thòi. Những câu nói kiểu “Tiền mất tật mang” hay “Mất bò mới lo làm chuồng” là quá đúng và đủ cho câu chuyện này.

Khi cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ ID Korea (265-267 Hùng Vương, quận Thanh Khê) - vừa bị bắt quả tang có bác sĩ dỏm, chỉ mới có bằng cấp 3 - đã từng ký cam kết tuân thủ các quy định pháp luật trong hoạt động dịch vụ thẩm mỹ, ngày 26-10-2023, ông Nguyễn Hữu Công, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng khẳng định: “Với những cơ sở bị phát hiện sai phạm thì đây sẽ dịp để răn đe các cơ sở khác. Chúng tôi muốn các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ biết rằng địa phương đang làm rất cương quyết nên cơ sở nào hoạt động chui thì phải đóng cửa”.

Trước đó, ngày 29-3-2023, Thanh tra Sở Y tế phối hợp Phòng Y tế tiến hành kiểm tra Công ty Wonjin vì đã vi phạm quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động khám bệnh hoặc chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, quyết định xử phạt hành chính 60 triệu đồng và tạm giữ bản chính chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Theo quy định, hiện có 2 hình thức dịch vụ thẩm mỹ là cơ sở y tế được cấp phép khám chữa bệnh, thực hiện danh mục kỹ thuật có phạm vi thẩm mỹ (đòi hỏi có cán bộ y tế) và dịch vụ thẩm mỹ (không yêu cầu cán bộ y tế cấp phép mà được thực hiện bộ hồ sơ tự công bố các dịch vụ thẩm mỹ).

Quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng kiểm tra liên ngành thường xuyên để phát hiện cơ sở thẩm mỹ hoạt động sai phép, trái quy định. (Ảnh: Công an quận Thanh Khê)
Quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng kiểm tra liên ngành thường xuyên để phát hiện cơ sở thẩm mỹ hoạt động sai phép, trái quy định. (Ảnh: Công an quận Thanh Khê)

Phẫu thuật thẩm mỹ là một lĩnh vực y tế thông qua việc sử dụng các kỹ thuật phẫu thuật bao gồm tiểu phẫu và đại phẫu, giúp cải thiện các vấn đề về ngoại hình của khách hàng, từ những điều nhỏ nhặt như sự thay đổi kích thước mũi đến những thay đổi lớn như thay đổi hình dáng toàn bộ khuôn mặt.

Đây là một ngành nghề đầy thách thức và yêu cầu sự tập trung và cẩn trọng tuyệt đối. Bên cạnh việc học tập nghiêm túc các khối kiến thức như Giải phẫu học, Vật lý, Hóa học, Sinh lý học, Điều dưỡng, Kỹ thuật phẫu thuật, còn phải tham gia các chương trình tập trung và có kinh nghiệm làm việc tại các phòng mổ thẩm mỹ, có thể mất thêm 1-2 năm hoặc nhiều hơn để đạt được chứng nhận và đăng ký với các tổ chức quản lý chất lượng cho phép thực hiện các phẫu thuật thẩm mỹ.

Ở Việt Nam, các cơ sở đào tạo ngành phẫu thuật thẩm mỹ chính quy và chuyên nghiệp có thể kể ra như Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược TP HCM, Đại học Y Dược Thái Nguyên.

Vẻ đẹp từ bên trong luôn là điều mà mọi người coi trọng. Phẫu thuật thẩm mỹ không chỉ có quả ngọt. Phía sau đó là vô số câu chuyện bi hài về tai nạn, biến chứng ít được chia sẻ vì ai cũng muốn “tốt khoe, xấu che”.

Cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, nghề thẩm mỹ ở Việt Nam đang tương đối “cởi mở”, nhu cầu khách hàng nhiều, và biên độ chi phí cũng thượng vàng hạ cám. Nhiều cơ sở đào tạo "tay ngang", nhiều spa nhỏ cũng bơm ngực, làm mũi, thậm chí mổ đặt túi ngực giá rẻ gây biến chứng, sửa mũi trong điều kiện không vô trùng.

Có chút kiến thức về thẩm mỹ tự nhận là “bác sĩ”, vô tư tư vấn, thậm chí tiến hành thủ thuật cho những người có nhu cầu. Họ không tiếc chi phí “chạy quảng cáo” trên các nền tảng mạng xã hội với những mỹ từ như độc quyền, có một không hai, không đúng hoàn tiền, đâu hỏng cứ tới là đẹp….

Không ít cơ sở y tế thời gian qua đã tiếp nhận các ca biến chứng phẫu thuật thẩm mỹ do nâng mũi, bơm ngực ở những cơ sở không bảo đảm. Tổn thương, biến chứng, hoại tử, thậm chí quá khó điều trị… là những tính từ mà nhân viên y tế đau xót chẩn đoán, nhận định khi tiếp nhận các nạn nhân của một thứ gọi là hậu phẫu thuật thẩm mỹ.

Bị biến chứng, đã đâm lao lại phải theo lao, đành cắn răng xoay xở đủ kiểu chi phí khắc phục (kể cả đi vay mượn), thậm chí có người đã phải trả giá bằng cả tính mạng.

Chắc hẳn nhiều người chưa quên cách đây 10 năm (ngày 19-10-2013), vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường ở Hà Nội rúng động xã hội khi một khách hàng đến cơ sở để phẫu thuật làm đẹp đã tử vong, sau đó bị phi tang và vứt xác xuống sông Hồng.

Mới đây nhất, ngày 18-4-2023, Thanh tra Sở Y tế TP HCM cho biết đã tiếp nhận thông tin từ Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai về bệnh nhân L.S.B. (45 tuổi), người Đài Loan, được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, đã tử vong. Bà B. phẫu thuật thẩm mỹ tại Bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ Korean Star - Sao Hàn, địa chỉ số 781/C9 Lê Hồng Phong, phường 12, quận 10.

Chẳng cứ phụ nữ, từ bao đời nay, làm đẹp là quyền của tất cả mọi người. Thế nhưng đừng vì nó mà tự đánh mất quyền được sống khỏe, sống đẹp.

Nếu muốn, hãy tới những nơi được phép và tự mình đánh giá tính an toàn. Tự cứu mình trước khi trời cứu/.

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
.