Thứ Hai, 23/10/2023, 10:55 (GMT+7)
.

Góc nhìn giáo dục: Bài học bổ ích từ... mớ rau

Một hôm, cháu Linh, con chị Hằng, học sinh Trường Tiểu học Nam Thành Công (Đống Đa, Hà Nội) mang một mớ rau về, giọng phụng phịu: “Con mất cả tháng cố gắng để giành hoa điểm tốt, cuối cùng cô lại dùng để đổi rau”. Thứ mà bé Linh thường được đổi trước kia là miếng hình dán xinh xinh khoe bạn, cục tẩy, cây bút chì, quyển truyện... Cháu nghĩ rau là thứ không thiết thực với mình. Rất may, bố Linh cầm mớ rau, tấm tắc: “Con hôm nay đã biết đóng góp cho gia đình rồi”. Nghe bố bảo vậy, Linh dường như hiểu ra, vui hẳn. Bằng sự cố gắng trong học tập, rèn luyện ở trường, con đã góp được cho bố mẹ, gia đình một nồi canh ngon. Cả nhà ai cũng vui.

Học sinh trường Tiểu học Nam Thành Công vui thích trong ngày Hội chợ
Học sinh trường Tiểu học Nam Thành Công vui thích trong ngày Hội chợ "Đổi quà nông sản". Ảnh: tieuhocnamthanhcong.edu.vn

Chuyện là từ đầu năm học tới giờ, ở lớp Linh, cô giáo dành cho những bạn chăm phát biểu, có ý thức xây dựng lớp, có tiến bộ... những bông hoa nhỏ xinh màu đỏ để các con dán trang trí vào riêng một quyển vở. Thế là ngày nào các con cũng tích cực, cố gắng không chỉ trong việc học mà còn trong ý thức và rèn luyện. Càng đến ngày chuẩn bị đổi hoa, con càng tích cực hơn để thi đua với các bạn. Ngày đổi quà, cô tổ chức Hội chợ "Đổi quà nông sản" với một bàn đầy rau sạch, quả ngon. Thú vị ở chỗ, rau mồng tơi, rau muống, su su, dưa chuột, chuối... có khá nhiều nhưng ngô chỉ có 3 bắp, trong khi bạn nào cũng thích. Chỉ những bạn nhiều hoa nhất mới đổi được ngô. Vậy là Linh hiểu rằng tháng sau phải cố gắng nhiều hơn mới đổi được thứ mình thích nhất.

Có thể thấy, qua Hội chợ "Đổi quà nông sản", học sinh học hỏi được nhiều điều. Trước tiên, hội chợ làm không khí lớp trở nên sôi động, vui vẻ, học sinh hào hứng tham gia. Mỗi bạn lựa chọn một vài món mình thích và tùy thuộc vào lượng hoa điểm tốt tích cóp được từ trước. Sự tham gia tích cực của học sinh làm tăng hiệu quả giáo dục của chương trình. Quan trọng hơn, hoạt động này còn giúp học sinh tiếp cận sát với định hướng rèn luyện, phát triển phẩm chất và năng lực của người học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Không chỉ động viên tinh thần học tập và rèn luyện ý thức, hoạt động trải nghiệm này còn dạy học sinh biết giá trị của đồng tiền, cách tính toán thu-chi. Chương trình cũng bổ sung cho các em có thêm kiến thức về các loại rau, củ, quả ăn hằng ngày. Học sinh học được cả cách quan tâm tới bố mẹ, gia đình. Mớ rau, quả chanh, quả chuối... không mang nặng giá trị vật chất nhưng đong đầy trong đó những cố gắng, phấn đấu mỗi ngày của các con. Trên hết, đó là tình yêu thương con dành tặng những người mà con yêu quý. Một bữa cơm nho nhỏ được nấu từ những nguyên liệu tự tay các con mang về chắc chắn sẽ là bữa cơm đọng mãi dư vị ngọt ngào. Con nhận thấy ý nghĩa của cuộc sống hằng ngày, mong muốn đóng góp cùng bố mẹ xây dựng gia đình bằng nỗ lực của mình. Đây cũng là niềm hạnh phúc lớn của cha mẹ khi thấy ý thức của con mình lớn dần lên, con học hỏi được nhiều hơn mỗi ngày.

Có thể thấy từ mớ rau, củ, quả, thầy, cô giáo có thể dạy học sinh được rất nhiều bài học bổ ích. Những thứ tưởng đơn giản, rẻ tiền vẫn có thể rèn luyện cho học sinh phẩm chất và tư duy phong phú về cuộc sống. Điều quan trọng là mỗi trường, lớp, thầy cô hãy sáng tạo, yêu thương học trò và để tâm chăm chút những bài học dành cho học sinh của mình.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.