Thứ Bảy, 28/10/2023, 09:42 (GMT+7)
.

Không nương nhẹ với những hành vi lệch chuẩn

Trong tuần qua, Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố, bắt tạm giam 3 tháng bị can Trần Thị Ngọc Trinh (người mẫu, diễn viên Ngọc Trinh) về tội "Gây rối trật tự công cộng".

Trước thông tin này, cộng đồng xã hội đều lên tiếng phản đối những hành vi quá đà của Ngọc Trinh và ủng hộ quan điểm phải xử lý nghiêm minh đối với Ngọc Trinh nói riêng cũng như người của công chúng nói chung vi phạm các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, có hành vi ứng xử lệch chuẩn, gây phản cảm, tác động tiêu cực đến xã hội.

b

Ngọc Trinh bị cơ quan Công an thi hành lệnh tạm giam do gây rối trật tự công cộng.

Văn nghệ sĩ hay nói rộng hơn là người nổi tiếng là những người có tác động, ảnh hưởng lớn tới đời sống xã hội. Nguy hiểm hơn, đó lại là "thần tượng" của một bộ phận thanh, thiếu niên mà với họ, những phát ngôn, những hành động của "thần tượng" mặc dù vượt quá những chuẩn mực đạo đức, những quy định pháp luật thì vẫn  được các fan hâm mộ coi là cá tính, là “đẳng cấp” mà họ cần phải bắt kịp và có xu hướng muốn bắt chước làm theo. Mỗi hành vi lệch chuẩn có thể chỉ là một giọt nước, nhưng nhiều giọt nước có thể hóa thành cơn lũ về tình trạng xuống cấp đạo đức, suy thoái về văn hóa. Như vậy có thể nhận thấy các đoạn video, các buổi livestream với những phát ngôn "ngông cuồng", thể hiện lối sống lập dị, buông thả gây rối loạn xã hội đã có ảnh hưởng xấu, có tác động tiêu cực đến tâm lý của giới trẻ và tiềm ẩn nguy cơ khuyến khích các fan hâm mộ thực hiện theo. Từ đó đe dọa đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Làm cho công chúng luôn mến mộ và nhớ tới mình chính là câu chuyện xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa văn nghệ sĩ với công chúng trên nền tảng thông tin hai chiều, truyền đi những thông điệp khẳng định hình ảnh và trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, tài năng, niềm đam mê, sự cống hiến của mỗi người với xã hội. Qua đó nhận lại được sự thấu hiểu, chia sẻ, ủng hộ của công chúng. Tiếc thay, không nhiều văn nghệ sĩ trẻ ý thức được việc tự quảng cáo về mình như thế nào cho văn hóa, cho hiệu quả, cho mình đẹp hơn lên trong mắt công chúng, mà ngược lại theo chiều hướng tiêu cực ngày càng phổ biến trong làng giải trí Việt Nam. Họ tự do thể hiện, tự do bóc mẽ và lăng xê "hở hang"  không chút ngại ngần, không để ý xem sau những phút nổi tiếng bất ngờ, đem lại cho họ những lợi ích tức thời, thì sau đó họ còn lại những gì, dư luận đánh giá họ ra sao… hay chỉ làm những người đã từng yêu mến họ cảm thấy buồn lòng, bị tổn thương và nhiều ấn tượng tốt đẹp của họ tạo ra trước đó trong lòng công chúng bị xóa đi vì cách ứng xử thiếu văn hóa.

Khi nói tới nguyên nhân sự suy thoái văn hóa, các chuẩn mực đạo đức truyền thống, chúng ta thường vin vào sự thay đổi của quá trình hội nhập, của mặt trái kinh tế thị trường. Nhưng thực ra, điều quan trọng nhất, nguyên nhân sâu xa nhất, đó chính là vai trò của văn hóa. Có những giai đoạn chúng ta rơi vào khủng hoảng, cực kỳ khó khăn về kinh tế như thời kỳ chiến tranh, trong quá trình chuyển đổi từ cơ chế quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường, nhưng vì sao các mối quan hệ xã hội vẫn còn những yếu tố tích cực, thậm chí rất trong sáng. Có nhiều nghệ sĩ sống bình dị, lặng lẽ, say mê với nghề đã cho ra đời nhiều tác phẩm mang tầm thời đại, những tác phẩm văn học, tác phẩm điện ảnh, sân khấu và biết bao bài ca vẫn đi cùng năm tháng.

Phần lớn những nghệ sĩ chân chính, họ nổi tiếng bằng sự lao động miệt mài để có được những tác phẩm bất hủ. Những tác phẩm nghệ thuật đó làm nức lòng khán giả, làm cho người dân thấy thích thú mà quên đi sự mệt nhọc, xua tan đi những lo lắng đời thường, lạc quan hơn trong cuộc sống. Cũng nhờ những tác phẩm để đời đó mà nghệ sĩ nổi tiếng và được công chúng nhớ tới. Còn ở đây, một số người muốn đánh bóng bản thân bằng những hình ảnh, hành động phản cảm, trái luật. Họ phải bị xử lý đúng mực. Một hành động cổ vũ hàng ngàn người tất nhiên sẽ bị xử lý nặng hơn khi cũng hành động đó cổ vũ ít người.

Hình ảnh Ngọc Trinh bất ngờ, sửng sốt khi phải tra tay vào còng số 8 là hồi chuông cảnh tỉnh cho những "giang hồ mạng", cho những văn nghệ sĩ trẻ đừng ảo tưởng quyền lực, đừng bao giờ nghĩ rằng, tôi là người nổi tiếng thì pháp luật không thể hoặc không muốn đụng tới mình, không thể sờ gáy mình. Chỉ cần bước qua lằn ranh pháp luật, thì sẽ không còn là vùng đất cấm, không một ai có thể là ngoại lệ.

Vì vậy, cơ quan chức năng cần xử lý mạnh tay hơn nữa đối với những người nổi tiếng có hành vi ứng xử gây nhiễu loạn, gây hại cho xã hội và cho người hâm mộ. Làm việc gì cũng cần phương pháp, cần nghệ thuật, nhưng "nghệ thuật" đánh bóng tên tuổi bằng các chiêu, trò nhố nhăng, trái đạo đức nghề nghiệp, vượt quá quy định mà pháp luật cho phép thì xin dẹp đi cho!

Theo Báo điện tử Công An Nhân Dân

.
.
.