Thứ Hai, 16/10/2023, 10:56 (GMT+7)
.

Xem xét "cấm diễn", "cấm sóng" đối với nghệ sĩ vi phạm pháp luật, đạo đức

Nhằm thanh lọc môi trường nghệ thuật, tạo điều kiện để các nghệ sĩ đích thực có thêm cơ hội được làm nghề, được tỏa sáng, nên chăng cần "cấm diễn", "cấm sóng" những nghệ sĩ vi phạm pháp luật và đạo đức, quảng cáo sai sự thật, trục lợi từ niềm tin của công chúng?

a
Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) Ninh Thị Thu Hương nói về dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi.

Trước thực trạng ngày càng nhiều nghệ sĩ lợi dụng sự nổi tiếng của mình, bất chấp uy tín, danh dự, lừa dối công chúng, người tiêu dùng bằng những quảng cáo sai sự thật, vi phạm đạo đức, quy tắc ứng xử, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) xây dựng quy trình xử lý, kiểm soát đối với các trường hợp nghệ sĩ vi phạm chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử trong lĩnh vực nghệ thuật, quảng cáo.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL) Nguyễn Thanh Sơn, những nghệ sĩ, người có ảnh hưởng vi phạm bộ quy tắc ứng xử trong lĩnh vực nghệ thuật, không trung thực trong quảng cáo, cung cấp sai thông tin tới công chúng… thì ngoài xử lý theo quy định pháp luật, Bộ VHTTDL và Bộ TT&TT sẽ đưa vào diện xem xét kiểm soát, hạn chế hình ảnh, hoạt động.

Quy trình xử lý sẽ là Bộ TT&TT lập một danh sách nghệ sĩ vi phạm, Bộ VHTTDL dựa trên danh sách này và mức độ vi phạm chuẩn mực đạo đức, vi phạm quy định trong bộ quy tắc ứng xử dành cho người hoạt động nghệ thuật, sẽ có hình thức thông tin, phối hợp với các cơ quan liên quan, các cơ quan báo chí, truyền hình để kiểm soát sự hiện diện của những nghệ sĩ này, từ sự xuất hiện trên phương tiện thông tin đại chúng đến các hoạt động xã hội.

Hiện nay nội dung quy trình đã được hai Bộ xây dựng hoàn tất, lấy ý kiến của Bộ Công an, Bộ Tư pháp và cơ quan liên quan, báo cáo các cấp có thẩm quyền. Bộ VHTTDL hy vọng cùng với các quy định xử phạt vi phạm hành chính, quy trình xử lý vi phạm này sẽ tạo ra ý thức trách nhiệm của các nghệ sĩ khi tham gia quảng cáo hay phát ngôn trên mạng xã hội.

Cùng với việc phối hợp với Bộ TT&TT xây dựng quy trình xử lý, kiểm soát đối với các trường hợp nghệ sĩ vi phạm, hiện Bộ VHTTDL cũng đang xây dựng dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi có quy định nội dung các quảng cáo phải trung thực, chính xác.

Dự thảo được xây dựng lần này có chế tài để kiểm soát về mặt nội dung, hình thức quảng cáo, đảm bảo quảng cáo đến với công chúng được trung thực. Dự thảo cũng đưa ra quy định về quyền và trách nhiệm của người truyền tải sản phẩm quảng cáo có uy tín để kiểm soát nội dung quảng cáo, đặc biệt là trên mạng xã hội. Dự thảo luật không chỉ hướng tới kiểm soát hoạt động quảng cáo của nghệ sĩ mà mở rộng đối tượng tới những người có uy tín, có tầm ảnh hưởng xã hội.

a
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL) Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ về quy trình xử lý, kiểm soát đối với các trường hợp nghệ sĩ vi phạm.

Như vậy với quyết tâm thanh lọc môi trường nghệ thuật, chấn hưng văn hóa, với tư cách là cơ quan quản lý, Bộ VHTTDL đã rất quyết liệt trong việc phối hợp xây dựng các chế tài xử phạt, quản lý nghệ sĩ. Đây là việc làm cấp thiết cần triển khai ngay, góp phần làm cho môi trường nghệ thuật được "sạch hóa". Những nghệ sĩ đích thực, sống và cống hiến hết mình cho văn hóa nước nhà có thêm cơ hội được làm nghề, được tỏa sáng. Ngược lại những nghệ sĩ “xấu xí" sẽ bị loại bỏ hoàn toàn khỏi "thế giới của người hâm mộ".

Không phải bây giờ Bộ VHTTDL mới có động thái thanh lọc môi trường nghệ thuật mà trước đây Bộ đã tiến hành xây dựng quy tắc ứng xử của nghệ sĩ, qua thời gian kiểm nghiệm dường như bộ quy tắc này chưa đủ sức răn đe, tình trạng nghệ sĩ vi phạm, đặc biệt là ở lĩnh vực quảng cáo vẫn tiếp diễn. Một số nghệ sĩ vi phạm bị lên án, rồi lên sóng “thút thít” xin lỗi là xong, khiến cho nạn “quảng cáo bẩn” vẫn tiếp diễn. Lùm xùm này lắng xuống, sự vụ khác lại nổi lên, không biết đến bao giờ mới chấm dứt?

Cùng với quy tắc ứng xử, Bộ VHTTDL phối hợp với Bộ TT&TT xây dựng quy trình xử lý, kiểm soát đối với các trường hợp nghệ sĩ vi phạm chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử trong lĩnh vực nghệ thuật; quảng cáo… với những biện pháp mạnh, không chỉ hạn chế hình ảnh, nặng sẽ loại bỏ ra khỏi đời sống biểu diễn nghệ thuật. Với việc làm quyết liệt này, không chỉ góp phần hạn chế những sản phẩm quảng cáo kém chất lượng, không rõ nguồn gốc thông qua con đường livestream bán hàng của các diễn viên, nghệ sĩ, người có tầm ảnh hưởng (KOLs), tạo ra thị trường cạnh tranh công bằng đối với những sản phẩm chất lượng; mà đây còn là hồi chuông cảnh báo về vai trò cũng như tư cách nghệ sĩ của họ đối với xã hội. Từ đó khiến chính những nghệ sĩ đã và đang quảng cáo một cách bất chấp phải tự soi, tự sửa mình, để họ có cơ hội tìm lại được tư cách nghệ sĩ trong mắt công chúng.

Ngoài ra, với việc lập “danh sách đen” các nghệ sĩ vi phạm, công chúng sẽ được tham gia trực tiếp vào quá trình đánh giá vai trò xã hội của người nghệ sĩ. Có như vậy thì tình trạng "thương mại hóa hình ảnh nghệ sĩ" mới được kiểm soát, chấm dứt tình trạng "trục lợi trên niềm tin của công chúng" như những gì đã diễn ra suốt thời gian qua./.

Theo dangcongsan.vn

 

.
.
.