Thứ Bảy, 25/11/2023, 16:03 (GMT+7)
.

Tháo gỡ bất cập

Thông tư mới ban hành bảo đảm số lượng vị trí việc làm và định mức số người làm việc trong cơ sở giáo dục, phù hợp đặc thù cấp học...

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Năm 2015, Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập.

Năm 2017, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số người làm việc trong cơ sở giáo dục phổ thông công lập.

Sau một số năm triển khai thực hiện, cả 2 Thông tư bộc lộ bất cập, khó khăn, vướng mắc cần điều chỉnh để phù hợp với điều kiện thực tế. Đơn cử, định mức giáo viên/lớp được quy định tại các Thông tư là mức “tối đa”. Khi cơ quan thẩm quyền một số địa phương giao biên chế không đủ định mức này, dẫn đến không đủ giáo viên đứng lớp.

Cùng đó, định mức giáo viên được tính trên đơn vị lớp học, không tính vùng miền, khu vực và số lượng học sinh/lớp. Quy định về số học sinh/lớp, định mức giáo viên/lớp chưa phân biệt giữa đô thị và nông thôn, đồng bằng - miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Có định mức được ban hành trước khi Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 ra đời, đến nay không còn phù hợp thực tiễn.

Các vị trí việc làm được quy định cụ thể và chốt cứng dẫn đến tình trạng vừa thừa, vừa thiếu. Chẳng hạn, với nhóm vị trí việc làm gắn với công việc lãnh đạo, quản lý, điều hành thì thiếu vị trí Chủ tịch Hội đồng trường. Nhóm vị trí việc làm gắn với hoạt động nghề nghiệp chưa được quy định theo hạng chức danh nghề nghiệp.

Cần có vị trí việc làm phát sinh từ nhu cầu thực tiễn mà một số địa phương, cơ sở giáo dục đủ điều kiện, cơ chế để thực hiện nhưng danh mục vị trí việc làm chưa có nên không thể thực hiện (giám thị trường học, tư vấn học đường, công tác xã hội…).

Trước nhiều bất cập phát sinh, Bộ GD&ĐT đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng 2 Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, định mức số lượng người làm việc trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Theo đó, Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT thay thế Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV; Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT thay thế Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT. Việc xây dựng Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm nhằm thực hiện Nghị định số 106/2020/NĐ-CP của Chính phủ, cũng như làm căn cứ để địa phương triển khai xây dựng Đề án vị trí việc làm; từ đó, làm cơ sở cho việc thực hiện chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Bên cạnh nội dung kế thừa quy định cũ, 2 Thông tư có nhiều điểm mới. Ví dụ, vị trí việc làm giáo vụ, thư viện, thiết bị thí nghiệm, hỗ trợ giáo dục người khuyết tật điều chỉnh từ nhóm vị trí việc làm gắn với công việc hỗ trợ, phục vụ sang nhóm vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành. Vị trí việc làm công nghệ thông tin được thay bằng vị trí việc làm quản trị công sở.

Đặc biệt, Thông tư bổ sung vị trí việc làm tư vấn học sinh. Bên cạnh đó, vị trí việc làm “giáo vụ” cũng được xác định ở cấp tiểu học, THCS thay vì chỉ có ở cấp THPT và trường chuyên biệt, nhằm giảm áp lực một số công việc quản lý hành chính đối với học sinh của giáo viên các cấp học này.

Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, định mức số lượng người làm việc trong cơ sở giáo dục phổ thông quy định về chia vùng để tính định mức giáo viên. Cùng đó, quy định số lượng học sinh/lớp theo vùng để làm căn cứ giao hoặc phê duyệt số lượng người làm việc trong cơ sở giáo dục phổ thông công lập.

Có thể nói, Thông tư mới ban hành bảo đảm số lượng vị trí việc làm và định mức số người làm việc trong cơ sở giáo dục, phù hợp đặc thù cấp học, đồng bộ các giải pháp để thực hiện tinh giản biên chế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Triển khai Thông tư góp phần khắc phục khó khăn về đội ngũ đang là bài toán khó giải ở nhiều địa phương, từ đó giúp triển khai tốt hơn đổi mới giáo dục.

(Theo giaoducthoidai.vn)

.
.
.