Thứ Năm, 23/11/2023, 10:51 (GMT+7)
.

Tội phạm giết người - từ đâu nên nỗi?

Câu chuyện nghi can Nguyễn Văn Nhu phóng hỏa làm thiệt mạng một phụ nữ và hai cháu bé tại quận 8 (TPHCM) hôm 21-11 làm rúng động cộng đồng và mối lo cho xã hội.

Công an phong tỏa hiện trường vụ giết người tại quận 8 hôm 22-11.
Công an phong tỏa hiện trường vụ giết người tại quận 8 hôm 22-11.

Trước đó, tại một số địa phương cũng xảy ra vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng, như vụ bắt cóc và giết bé gái ở TP Hà Nội để đòi tiền chuộc 1,5 tỷ đồng; vụ cô gái 17 tuổi bị sát hại, phân mảnh thi thể phi tang ở sông Hồng; vụ sát hại bạn gái tại cửa hàng thời trang ở Bắc Ninh rồi tự tử; trẻ em giết người… Bộ Công an xác định tội phạm giết người ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự, sự bình yên cuộc sống của nhân dân và Bộ đặc biệt quan tâm triển khai các biện pháp phòng ngừa.

Ngoài những yếu tố thuộc về cá nhân người phạm tội giết người như đặc điểm nhân cách, thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc và hành vi, lạm dụng chất kích thích, có các rối loạn tâm thần thì các yếu tố thuộc về môi trường xã hội đang ngày càng trở thành vấn đề được quan tâm. Các yếu tố này thường là yếu tố thúc đẩy, ảnh hưởng và khi gặp một cá nhân có nhân cách thích ứng kém, thiếu sự ổn định và tích cực thì thường dẫn tới các hành vi lệch chuẩn xã hội, trong đó có hành vi giết người. Các yếu tố xã hội ngày nay có thể bao gồm sự khủng hoảng và khó khăn về tài chính, áp lực từ nhóm và xã hội hay nghề nghiệp, học tập, hình ảnh tiêu cực từ mạng xã hội hay trò chơi trực tuyến, tình trạng thất nghiệp…

Việc giải quyết một tình trạng xã hội như tội phạm giết người đòi hỏi phải có các giải pháp mang tính tổng thể, với ba trụ cột quan trọng trong phát triển nhân cách cá nhân.

Trụ cột thứ nhất chính là nền tảng hạnh phúc và gắn kết trong gia đình. Một đứa trẻ được sinh ra trong một môi trường gia đình hạnh phúc, yêu thương, được giáo dục tích cực và được yêu thương, đứa trẻ ấy sẽ học được những giá trị và kỹ năng tốt cho cuộc sống sau này. Vì thế, trách nhiệm giáo dục và yêu thương của cha mẹ trong gia đình là rất quan trọng để giảm thiểu các nguy cơ ở trẻ em và thanh thiếu niên. Mọi hành vi tiêu cực của một cá nhân đều bắt đầu từ nền tảng gia đình.

Trụ cột thứ hai chính là giáo dục nhà trường. Cần phải xác định mục tiêu giáo dục chính là làm cho đứa trẻ hạnh phúc. Đã từng có trường hợp đứa trẻ có nhiều khủng hoảng và lo âu kéo dài vì nó không thể nào đáp ứng được kỳ vọng về thành tích của cha mẹ và thầy cô. Điều này làm cho trẻ không tin vào bản thân, mất đi động lực, sau đó chán, bỏ học đi bụi. Giúp trẻ cảm thấy hạnh phúc ở trường học là rất cần thiết để giảm đi các hành vi và cảm xúc tiêu cực mà trẻ không đáng phải có.

Trụ cột thứ ba chính là môi trường xã hội. Càng giảm các yếu tố nguy cơ như truyền thông bạo lực, khó khăn về kinh tế - xã hội thì sẽ càng giảm nguy cơ của các hành vi tiêu cực như trộm cướp, giết người hoặc bạo lực.

Nghi phạm Nguyễn Văn Nhu mặc áo Grab đứng ở đầu hẻm trước khi gây án.
Nghi phạm Nguyễn Văn Nhu mặc áo Grab đứng ở đầu hẻm trước khi gây án.

Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại với nhiều khủng hoảng, cần phải đề cao việc giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, đồng thời thiết lập hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần một cách có hiệu quả. Công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần cần phải được hiểu như một hệ thống nhiều cấp bậc dịch vụ bao gồm cả việc huấn luyện các kỹ năng ứng phó khủng hoảng ở trường học, bệnh viện, tổ chức, đến việc sàng lọc tình trạng sức khỏe tâm thần thường xuyên. Các chiến lược giúp con người khỏe mạnh, an lạc (well-being) chính là nền tảng làm cho con người hạnh phúc, giảm đi nguy cơ của các hành vi lệch chuẩn, trong đó có hành động giết người.

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.