Thứ Năm, 21/12/2023, 23:03 (GMT+7)
.

Đừng để tiền mất, tật mang!

Nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng (TPCN) nhằm tăng cường sức khỏe, làm đẹp... của người dân đang có xu hướng tăng nhanh. Điều này đã khiến kẻ xấu lợi dụng để trà trộn, sản xuất, bán những sản phẩm giả, kém chất lượng, thậm chí còn dán mác nhập ngoại hòng lừa đảo, trục lợi. Người tiêu dùng cần thận trọng, hãy là những người tiêu dùng thông minh, tránh để tiền mất tật mang.

Cẩn trọng
Cẩn trọng "tiền mất, tật mang" vì thực phẩm chức năng.

Ngày 17-12, Công an huyện Tân Yên phối hợp cùng nhiều đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Bắc Giang đã triệt phá ổ nhóm mạo danh bác sĩ lừa bán thực phẩm chức năng. Theo đó, giá nhập thực phẩm chức năng của doanh nghiệp và nhóm đối tượng lừa đảo này chỉ 30.000-40.000 đồng/hộp nhưng bán cho người bệnh với giá từ 1-3 triệu đồng/hộp tùy theo loại bệnh.

Chỉ từ tháng 10-2022 đến ngày 15-12-2023, nhóm đối tượng này đã bán khoảng 80.000 đơn hàng thực phẩm chức năng giả cho hơn 20.000 bị hại ở khắp cả nước, thu lợi bất chính gần 75 tỷ đồng. Hiện cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tân Yên đang tạm giữ 22 đối tượng để điều tra, xử lý.

Trước đó, vào ngày 25-10, Công an TP Thanh Hóa cũng bắt giữ bốn nghi phạm, thu hơn 4.000 thùng thực phẩm chức năng giả, với hơn 100 mã hàng, hơn 60.000 sản phẩm và hàng nghìn vỏ bao bì giả với tổng tiền hàng hóa ước tính hơn 10 tỉ đồng.

Đáng chú ý là những đối tượng này đã khai nhận do nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng tìm mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe như: thực phẩm giảm cân, thực phẩm bổ não, thực phẩm làm đẹp dành cho phụ nữ, thực phẩm bổ mắt dành cho trẻ em, sữa uống dành cho người già, thực phẩm hỗ trợ điều trị bệnh dạ dày, nên đã thành lập nhà máy sản xuất, gia công thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng bán ra thị trường nhằm trục lợi. Với thủ đoạn tinh vi là thành lập công ty sản xuất, công ty chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm nhưng không có hoạt động kinh doanh tại địa chỉ, không treo biển công ty nhằm che mắt cơ quan chức năng.

Sau khi hàng hóa được sản xuất, các nghi phạm tiếp cận nhà thuốc, phòng khám và đại lý tân dược để bán thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng đến tay người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, các nghi phạm còn bán thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng trên mạng xã hội Facebook, Zalo… để dễ dàng xóa dấu vết phạm tội, trốn tránh sự truy xét của cơ quan chức năng.

Đây là hai trong số rất nhiều vụ án về sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng vừa được lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ. Trước đó cũng đã có rất nhiều vi phạm đã được lực lượng chức năng xử lý…

Theo thống kê của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, thuốc, TPCN giả được phát hiện ở nước ta bao gồm cả tân dược và đông dược, sản xuất ở trong nước và nhập khẩu. Trên thực tế, thuốc giả được sản xuất khá tinh vi và người bệnh khó có thể phát hiện được điểm khác nhau so với thuốc thật. Nếu sử dụng phải thuốc và TPCN giả sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khoẻ, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng con người, gây nhiều tác dụng không mong muốn. Câu hỏi đặt ra: Làm sao để ngăn chặn tình trạng nguy hiểm trên để bảo vệ lợi ích và sức khỏe cho người tiêu dùng?

Bốn nghi phạm (hàng trên) và tang vật vụ án vừa bị công an bắt giữ hồi tháng 10- Ảnh: Công an tỉnh Thanh Hóa cung cấp.
Bốn nghi phạm (hàng trên) và tang vật vụ án vừa bị công an bắt giữ hồi tháng 10-2023. Ảnh: Công an tỉnh Thanh Hóa cung cấp.

Trước tiên, chúng ta phải tìm cách để phân biệt, nhận biết thuốc giả và thuốc thật một cách chính xác, dễ dàng nhất. Mặc dù hàng giả được làm rất tinh vi (thậm chí sản phẩm có tem chống hàng giả vẫn bị làm giả) nhưng chúng ta cần phải thống nhất về nhận thức rằng việc chống hàng giả, đặc biệt là chống nạn thuốc giả vẫn phải được ưu tiên hàng đầu. Do đó, cùng với công nghệ thông tin ngày càng phát triển, cần nghiên cứu và phát triển công nghệ chống giả tiên tiến, hiện đại. Cùng với đó, nhà sản xuất phải chủ động áp dụng các công nghệ chống hàng giả để tự cứu mình, vì sự phát triển bền vững của mình, đồng thời bảo đảm các quyền của người tiêu dùng.

Thứ hai, công tác quản lý nhà nước cần phải được tăng cường hơn nữa để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm. Đồng thời, cần hoàn thiện hành lang pháp lý, có chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe đối với các sai phạm. Thêm vào đó, trên thực tế hiện nay, tình trạng kinh doanh TPCN "xách tay" còn tràn lan nhưng mặt hàng này lại chưa được kiểm soát. Đây đang là kẽ hở cho những đối tượng buôn bán thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái trên thị trường lộng hành, dẫn đến tình trạng các loại TPCN không rõ nguồn gốc, kém chất lượng thiếu kiểm soát, bán tràn lan... gây mất lòng tin, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.

Việc tăng cường quản lý, xử lý vi phạm có lẽ chỉ là một giải pháp. Cùng với đó, bản thân mỗi người dân cũng cần tỉnh táo và chỉ nên mua thuốc nói chung và TPCN nói riêng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và cần có sự tư vấn của các bác sĩ. Khi phát hiện những dấu hiệu giả mạo, cần thông tin cho cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Trên thực tế, hiện nay, vẫn còn nhiều người lầm tưởng TPCN như một loại "thần dược" có thể chữa bách bệnh. Các chuyên gia khuyến cáo, để tránh bị "móc túi" vì tin vào quảng cáo thổi phồng công dụng thực phẩm chức năng, thậm chí là sử dụng hàng giả, người dân cần phân biệt và hiểu rõ giữa thuốc và TPCN. Thuốc là để điều trị, chữa bệnh, bắt buộc bác sĩ phải kê đơn và bệnh nhân uống theo chỉ dẫn, cònTPCN là sản phẩm hỗ trợ tăng cường sức khoẻ ở mức độ bình thường, không phải là thuốc… Có cầu ắt sẽ có cung, vì thế để ngăn chặn các sản phẩm TPCN giả, kém chất lượng thì người tiêu dùng hãy luôn là người tiêu dùng thông minh, chọn lựa cho mình những sản phẩm đảm bảo tốt cho sức khỏe.

Và thiết nghĩ, chính mỗi người sản xuất, kinh doanh TPCN cũng cần phải đặt chữ Tâm lên trên hết, bởi đây là mặt hàng liên quan trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng của con người. Hãy luôn là những người có trách nhiệm với cộng đồng./.

 

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
.