.

Gỡ điểm nghẽn liên kết cho trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước

Cập nhật: 18:46, 07/12/2023 (GMT+7)

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được  mệnh danh là vựa lúa, trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, đóng góp hơn 31% GDP toàn ngành nông nghiệp, sở hữu nhiều tiềm năng và lợi thế sẵn có. Tuy nhiên, nơi đây vẫn tồn tại nhiều điểm nghẽn cần được tháo gỡ, đặc biệt là điểm nghẽn trong liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Liên kết thiếu bền vững, công nghiệp chế biến kém phát triển

ĐBSCL chiếm 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% lượng trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu của cả nước. Hiện nay, khu vực này đang dần hình thành những mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, cải thiện đời sống người nông dân.

Đơn cử như Tập đoàn Lộc Trời (An Giang) hay Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) đã liên kết với nông dân sản xuất hàng chục nghìn ha lúa chất lượng cao với quy trình sản xuất, chỉ dẫn nguồn địa lý, xuất xứ rõ ràng, giúp tạo nguồn cung gạo ổn định cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, còn có mô hình “Vườn chuối triệu đô” của Công ty TNHH Huy Long An hay Công ty trách nhiệm hữu hạn Kim Nhung (Đồng Tháp), nhờ sự liên kết chặt chẽ với nông dân trong quá trình sản xuất đã đưa nhiều loại trái cây ở ĐBSCL đến với nhiều thị trường khó tính trên thế giới.

Tuy nhiên, ngoài một số mô hình điển hình, đa số các mối liên kết này rất thiếu tính bền vững, dễ bị đứt gãy do nhận thức và tư duy chia sẻ rủi ro, lợi ích giữa các bên tham gia liên kết chưa đầy đủ.

Nguyên nhân là do sự biến động giá cả nông sản trên thị trường thường dẫn các bên tham gia liên kết sẵn sàng “bẻ kèo”, không tuân thủ hợp đồng để bán (đối với người nông dân, hợp tác xã) hoặc thu mua (đối với doanh nghiệp). Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin giữa các bên với nhau trong quá trình sản xuất, khiến cho tình trạng phá vỡ hợp đồng diễn ra khá phổ biến.

Một vấn đề đáng lo ngại khác của ngành nông nghiệp ĐBSCL là công nghiệp chế biến còn kém phát triển. Hiện, chế biến nông sản chiếm trên 90% sản lượng sản phẩm công nghiệp của hầu hết các tỉnh trong vùng. Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ trong chế biến, đặc biệt là công nghệ bảo quản sau thu hoạch, chế biến sâu vẫn còn nhiều hạn chế.

Đơn cử như mặt hàng lúa gạo. Mỗi năm, ĐBSCL sản xuất khoảng 20 – 22 triệu tấn lúa nhưng tổn thất sau thu hoạch đang ở mức khoảng 10-12%, tương đương khoảng 2 triệu tấn lúa, điều này đồng nghĩa với việc khoảng 3.000 – 3.500 tỉ đồng đang bị mất đi hàng năm. Riêng đối với trái cây, rau quả, tình trạng còn nghiêm trọng hơn, với mức độ tổn thất có thể lên tới 45% tùy vào phương thức chế biến.

Đối với chế biến sâu. Số liệu từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho thấy, công nghiệp chế biến là khâu yếu nhất của chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản tại ĐBSCL, thậm chí “giậm chân tại chỗ” trong nhiều năm. Thực tế, chưa có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào công nghệ chế biến nông sản chất lượng cao, đặc biệt là trong lĩnh vực chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản. Điều này dẫn đến nông sản của ĐBSCL vẫn chủ yếu là sản phẩm thô, giá trị gia tăng còn tương đối thấp, lợi nhuận mang lại không cao.

ĐBSCL đang chiếm 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% lượng trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu của cả nước. Ảnh: Trung Chánh
ĐBSCL đang chiếm 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% lượng trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu của cả nước. Ảnh: Trung Chánh

Điểm nghẽn hạ tầng đang gây nhiều tổn thất

Dù chiếm 19% dân số cả nước nhưng ĐBSCL chỉ chiếm 9,3% số lượng siêu thị và 10,4% số lượng trung tâm thương mại trên toàn quốc. Các hoạt động thương mại phổ biến chủ yếu vẫn diễn ra tại các chợ truyền thống, trong khi ngành bán lẻ chuyên nghiệp vẫn chưa thể phát triển mạnh theo hướng bài bản, chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, một vấn đề lớn nữa trong khâu tiêu thụ nông sản nơi đây là hạ tầng logistics vẫn còn tình trạng thiếu thốn các nhà xưởng, kho bãi lớn, hạ tầng giao thông kém phát triển, hệ thống thông tin, dữ liệu lớn (BigData) chưa đồng bộ.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), chi phí logistics trong ngành nông sản ĐBSCL hiện chiếm đến khoảng 30% giá thành sản phẩm, trong khi con số này của Thái Lan chỉ 12,5%, thế giới là 14%.

Những hạn chế về hạ tầng logistics không chỉ ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm mà còn trực tiếp làm phát sinh thêm tổn thất cho nông sản trong quá trình vận chuyển. Số liệu mà VLA tổng hợp cũng cho thấy, tỷ lệ hao hụt của nông sản ĐBSCL trong quá trình vận chuyển là khoảng 10%, bảo quản tại kho là 2% và xử lý là 2%. Tổng cộng, tổn thất sau thu hoạch có thể dao động 20-40% vì hạ tầng logistics kém.

Đối với tiêu thụ nông sản ở thị trường quốc tế, thương mại của ĐBSCL mặc dù gia tăng cả trong xuất và nhập khẩu trong giai đoạn 2013 – 2020 nhưng tỷ trọng xuất khẩu so với cả nước ngày càng giảm, tốc độ tăng ngày càng chậm hơn so với tốc độ tăng trưởng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chung của cả nước.

Theo kết quả nghiên cứu của VCCI và Đại học Fulbright, xuất khẩu của cả vùng hiện tăng trưởng bình quân 11,8%/năm, thấp hơn đáng kể so với mức bình quân của cả nước là 16,4%/năm. Kết quả này chủ yếu là do các sản phẩm nông sản truyền thống (đặc biệt là lúa gạo, trái cây) có giá trị gia tăng thấp, hơn nữa đã dần đạt đến trạng thái bão hòa về kim ngạch và suy giảm về sản lượng do tác động của biến đổi khí hậu và việc chuyển đổi đất canh tác sang nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh ven biển.

Ngoài ra, các luồng vận tải chính vào sông Tiền và sông Hậu của ĐBSCL hiện chỉ có thể tiếp nhận các tàu hàng có trọng tải nhỏ từ 1.000-5.000 tấn (giảm tải) nên hàng hóa xuất khẩu qua các cảng biển tại ĐBSCL còn rất hạn chế, chỉ chiếm khoảng 9-10% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu. Do đó, nông sản xuất khẩu của ĐBSCL hiện nay chủ yếu vẫn là chuyển đến các cảng tại TPHCM và Đông Nam Bộ, chiếm hơn 90% tổng lượng nông sản xuất khẩu.

Từ những điểm nghẽn trên, có thể thấy, ngành chế biến nông sản tại ĐBSCL còn thiếu sự tích hợp theo chiều dọc do sản xuất theo hộ nhỏ, lẻ còn chiếm đa số. Thực trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún khiến cho các doanh nghiệp nông nghiệp không mặn mà trong việc đầu tư cải thiện tính bền vững trong liên kết sản xuất, năng suất chế biến cũng năng lực hạ tầng, tiêu thụ nông sản. Điều này làm gia tăng chi phí kiểm soát chất lượng, chứng nhận sản phẩm và giảm các cơ hội ký được các hợp đồng sản xuất lớn.

Chính vì vậy, việc quan tâm tháo gỡ những điểm nghẽn này, tạo thành một chuỗi liên kết chặt chẽ, bền vững là một đề bài lớn đặt ra đối với các tỉnh vùng ĐBSCL trong giai đoạn phát triển mới.

Theo đó, UBND TP Cần Thơ đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Đề án Thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ. Việc thành lập và đưa vào hoạt động của trung tâm được kỳ vọng sẽ tháo gỡ hiệu quả những nút thắt, điểm nghẽn trong quá trình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông sản của vùng ĐBSCL. Dự kiến, đề án sẽ được Thủ tướng phê duyệt sau khi Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chính thức phê duyệt.

Tuy nhiên, có thể thấy, quan trọng hơn hết vẫn là sự vào cuộc mạnh mẽ từ tất cả các cấp, các ngành của trung ương và địa phương, cũng như khu vực doanh nghiệp tư nhân, các hợp tác xã, nông dân, đội ngũ trí thức, nhà khoa học,… Có lẽ, thay đổi từ tư duy giới hạn trong liên kết “4 nhà”, “5 nhà” hay “6 nhà” sang tư duy tất cả các bên liên quan, có trách nhiệm cùng hành động mới là mấu chốt để vùng “đất chín rồng” có thể thực sự cất cánh!

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.