Thứ Hai, 18/12/2023, 17:00 (GMT+7)
.

Góc nhìn giáo dục: Đừng "kiếm lời" trong trường học

Hành vi “kiếm lời” này ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường giáo dục, cần phải chấn chỉnh, ngăn chặn nhằm góp phần xây dựng nhà trường văn minh, lành mạnh...

Chị M là giáo viên một trường THCS ở trung tâm thành phố. Chồng mất sớm, một nách hai đứa con với đồng lương giáo viên eo hẹp khiến cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Tháng này lương chậm, trong khi các khoản chi tiêu vẫn đều đều khiến chị phải vay mượn, “giật gấu vá vai”.

Chia sẻ với chúng tôi về lý do chậm lương, chị M giọng buồn buồn: “Trường trả lương qua tài khoản. Tháng này toàn bộ giáo viên trong trường phải thay tài khoản ngân hàng mới nên kế toán thông báo lương chậm khoảng 10 ngày so với thường lệ. Lương thì thấp, vậy mà đến nay, tôi vẫn đang “nuôi” đến 3 tài khoản ngân hàng”.

 Ảnh minh họa: tpb.vn
Ảnh minh họa: tpb.vn

Cách đây gần 5 năm, từ một huyện miền núi, chị M được ưu tiên chuyển về trường hiện đang công tác. Để nhận lương ở trường mới, chị M phải mở tài khoản ngân hàng theo hướng dẫn của nhân viên kế toán. Việc trả lương qua tài khoản này đang ổn thì hơn 2 năm sau, nhà trường yêu cầu tất cả giáo viên phải chuyển sang sử dụng tài khoản mở tại một ngân hàng khác.

Cũng chỉ được gần 3 năm, vừa qua chị M và đồng nghiệp lại tiếp tục phải thay tài khoản ngân hàng... Do đã quen dùng các tài khoản trước trong giao dịch, lại ngại thay đổi nên chị M cũng như nhiều giáo viên trong trường vẫn giữ 2-3 tài khoản ngân hàng và hằng tháng phải đều đặn nộp phí duy trì.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, câu chuyện mang tên “tài khoản ngân hàng” trong trường học đã và đang có những biểu hiện lợi dụng vì lợi ích của một vài cá nhân, gây bức xúc trong phụ huynh và cả giáo viên. Ngoài việc liên tục thay đổi tài khoản ngân hàng của giáo viên trong một thời gian ngắn như trường hợp của chị M, có cơ sở giáo dục còn “định hướng” cho học sinh mở tài khoản tại một ngân hàng nhất định để nộp học phí và nhận miễn giảm học phí, mặc dù các em chưa làm gì để có thu nhập.

Mới đây, nhiều phụ huynh, học sinh một trường THPT chuyên ở một địa phương phía Bắc rất bất ngờ và băn khoăn khi được nhà trường thông báo, thay vì có thể đăng ký nhận khoản tiền hỗ trợ thi chứng chỉ IELTS qua một tài khoản ngân hàng bất kỳ như trước, học sinh phải mở tài khoản tại một ngân hàng do nhà trường chỉ định.

Ai cũng hiểu rằng, đằng sau chuyện mở tài khoản ngân hàng lộn xộn, không thực sự cần thiết như nêu trên rất có thể là cái “bắt tay” giữa người đứng đầu cơ sở giáo dục hoặc cán bộ quản lý cấp trên với ngân hàng, bởi một số ngân hàng vì chỉ tiêu phát triển, vì mục đích lợi nhuận sẵn sàng chi “hoa hồng” để cơ sở giáo dục sử dụng dịch vụ của mình.

Điều đó có thể mang lại lợi ích cho ngân hàng và một số cá nhân nhưng mặt trái là gây ra sự lãng phí, tiềm ẩn nguy cơ tội phạm mua bán tài khoản ngân hàng. Hành vi “kiếm lời” này ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường giáo dục, cần phải chấn chỉnh, ngăn chặn nhằm góp phần xây dựng nhà trường văn minh, lành mạnh.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.