Đi qua điểm rơi, tìm lợi thế để ngành cá tra "tăng tốc"
Nhìn vào con số, rõ ràng xuất khẩu cá tra Việt Nam trong năm 2023 chứng kiến mức độ sụt giảm khá mạnh, nhưng điều này liệu có phải quá… “bi quan”. Trong khi đó, dự báo thị trường cho loại thuỷ sản được mệnh danh là “vua” này của Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng sẽ như thế nào trong năm 2024?
Ngành cá tra có cơ hội để tăng tốc trong năm 2024. Trong ảnh là nhân công chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp. Ảnh: Trung Chánh |
Xuất khẩu sụt giảm, nhưng không quá bi quan?
Báo cáo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, đến hết tháng 11-2023, xuất khẩu cá tra cả nước ước đạt 1,7 tỉ đô la Mỹ, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, có thể đưa ra dự báo xuất khẩu toàn ngành cá tra năm nay sẽ sụt giảm đáng kể so với năm trước đó.
Cụ thể, Cục thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra con số dự báo xuất khẩu cá tra Việt Nam cả năm 2023 sẽ đạt 1,8 tỉ đô la Mỹ, giảm khoảng 25% so với năm trước đó.
Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra, đó là kết quả xuất khẩu ngành hàng cá tra Việt Nam năm 2023 liệu có quá bi quan so với “nhịp độ” phát triển chung của ngành hàng này trong giai đoạn vừa qua hay không?
Rõ ràng, nếu so năm 2022, xuất khẩu cá tra Việt Nam sụt giảm mạnh như đã nêu ở trên. Thế nhưng, so với cả năm 2021, xuất khẩu cá tra Việt Nam (11 tháng đầu năm 2023- PV) vẫn tăng cao hơn 26% (năm 2021 xuất khẩu đạt 1,61 tỉ đô la Mỹ); đạt tương đương năm 2020 và chỉ giảm nhẹ 4% so với năm 2019, tức ở giai đoạn trước dịch Covid-19.
Còn nếu nhìn vào cả giai đoạn hình thành và phát triển của ngành hàng cá tra Việt Nam, từ năm 2001 đến 2017, thì với kim ngạch dự báo cả năm 2023 đạt 1,8 tỉ đô la Mỹ, hoàn toàn không thua kém ở bất kỳ thời điểm nào.
Phải nhớ một điều rằng, đó là năm 2022, thị trường thế giới phục hồi mạnh sau giai đoạn bị tác động mạnh của dịch Covi-19 (năm 2020-2021- PV), cho nên, giúp xuất khẩu của ngành hàng cá tra Việt Nam có sự “đột biến” về mặt kim ngạch. Do đó, việc kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam “hạ nhiệt” ở thời điểm hiện nay và duy trì trạng thái xuất khẩu như giai đoạn trước dịch cũng là điều bình thường.
Thực tế, VASEP cũng đưa ra đánh giá, dù giảm sâu so với năm 2022, nhưng đến thời điểm hiện nay (11 tháng đầu năm) so với các năm trước đó, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam vẫn khả quan (như đã nêu ra ở trên).
Mặt khác, giá cá tra xuất khẩu có xu hướng giảm liên tục so với năm 2022 cũng là yếu tố khiến kim ngạch xuất khẩu chung của toàn ngành trong 11 tháng đầu năm nay giảm so với năm 2022. Trong đó, hai thị trường chính là Trung Quốc và Mỹ, thì tại Trung Quốc, trong tháng 9 ghi nhận mức giá thấp nhất chỉ còn 2,1 đô la Mỹ/kg và sang tháng 10 tiếp tục giảm; tại Mỹ, xu hướng giảm rõ từ tháng 7, 8 và đến tháng 9-2023, giá bán đã xuống dưới 3 đô la Mỹ/kg.
“Các nhà nhập khẩu cá tra ở những thị trường lớn như: Mỹ, EU, CPTTP…, có xu hướng giảm lượng tồn kho thông qua việc giảm nhập khẩu để tối ưu hóa chi phí trong bối cảnh lạm phát tăng cao, khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn trước”, VASEP đánh giá.
Một yếu tố khác cũng có “đóng góp tích cực” vào kết quả xuất khẩu sụt giảm trong năm 2023 so với năm trước đó là chi phí giá thành nuôi tăng cao (hiện khoảng 1,2 đô la Mỹ/kg), khiến giá cá tra Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh so với các loại cá thị trắng đang cạnh tranh quyết liệt với cá tra như: pollock (khoảng 1 đô la Mỹ/kg) hay cá lóc bông từ Trung Quốc (dưới 1 đô la Mỹ/kg).
Yếu tố thuận lợi cho năm 2024 đã xuất hiện
Xuất khẩu cá tra Việt Nam năm 2023 chứng kiến sự sụt giảm về mặt kim ngạch so với năm trước đó. Tuy nhiên, thị trường năm 2024 đang có những tính hiệu tích cực cho thấy cá tra có khả năng phục hồi, nhất là khi các sản phẩm cạnh tranh trực tiếp gặp yếu tố… “bất lợi”.
Tại hội nghị ngành hàng cá tra Việt Nam được tổ chức mới đây ở tỉnh An Giang, bà Trần Thị Hoàng Thư, Giám đốc khối kinh doanh Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn- đơn vị xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam- đánh giá, dù thị trường ngành hàng thuỷ sản nói chung và cá tra nói riêng năm nay gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên, thời điểm hiện nay đang có một số tín hiệu tích cực về mặt thị trường cho năm 2024.
Cụ thể, theo bà Thư, thứ nhất, khách hàng từ các thị trường nhập khẩu đang “quan tâm” nhiều hơn đối với sản phẩm cá tra. Đặc biệt, tháng 11 vừa qua, khối EU thông qua quy định mới khiến cá minh thái và cá tuyết (loại thuỷ sản cạnh tranh trực tiếp với cá tra Việt Nam- PV) khi xuất vào châu Âu bị vướng rất nhiều.
“Quy định mới là cá minh thái có xuất xứ từ Nga, thì dù được sản xuất ở Trung Quốc khi bán vào châu Âu cũng bị áp thuế 13,7%, chứ không được tiếp tục hưởng ưu đãi thuế 0% nữa”, bà Thư cho biết và nói rằng, đây là động thái khiến các nhà nhập khẩu bắt đầu quan tâm hơn đến cá tra.
Thứ hai, đối với thị trường Mỹ, hiện Quốc hội của quốc gia này đang xem xét đạo luật cấm hoàn toàn cá thịt trắng và thuỷ sản có nguồn gốc từ Nga nhập khẩu vào Mỹ. “Đây cũng là cơ hội cho ngành hàng cá tra Việt Nam trong năm mới (2024)”, bà Thư cho biết và nói rằng, việc xuất khẩu cá tra Việt Nam phụ thuộc nhiều vào các yếu tố về khôi phục nhu cầu của người dùng, nhưng với những tín hiệu nêu trên có thể kỳ vọng năm 2024 ngành cá tra sẽ tốt lên.
Trong khi đó, VASEP cũng đưa ra dự báo tích cực, đó là năm 2024 lạm phát tại một số nước sẽ chậm lại, chính sách tiền tệ có nhiều cải thiện, tạo điều kiện cho kinh tế hồi phục dần hay nói cách khác nhu cầu tiêu dùng của thị trường nhập khẩu, bao gồm với thuỷ sản sẽ tăng lên.
Bên cạnh đó, với kết quả đánh giá tốt về mặt an toàn vệ sinh thực phẩm cho cá tra Việt Nam của Cơ quan kiểm dịch và an toàn thực phẩm (FSIS) của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) trong đợt thanh tra vừa qua cùng với mức thuế thấp trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 19 (POR19) thấp (dù mới sơ bộ) cũng đặt nhiều hy vọng cho doanh nghiệp cá tra thâm nhập thị trường Mỹ vào năm 2024.
Liên quan đến các giải pháp mang tính dài hạn cho ngành cá tra, theo bà Thư, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của cơ quan địa phương và Trung ương để thúc đẩy hỗ trợ giúp 100% hộ nuôi giống, thương phẩm đạt chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi lẽ, đây sẽ là điều kiện để nhiều thị trường nhập khẩu, bao gồm cả Mỹ và EU gia tăng mua hàng.
“Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản (Nafiqad) yêu cầu vùng nguyên liệu cũng đạt an toàn thục phẩm, thành ra chúng tôi mong muốn có nhiều cơ sở được khuyến khích để đạt chứng nhận, bởi trong tình hình khi thị trường khó khăn, thì sản phẩm an toàn sẽ thuận lợi hơn, dễ mở rộng hợp tác hơn”, bà Thư giải thích.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao đổi với báo chí bên lề hội nghị nêu trên cho biết, đơn vi này sẽ chỉ đạo Cục thuỷ sản có tổng kết chương trình cá tra 3 cấp để trên cơ sở đó có “đề án cá tra mới”, hoàn thiện và hoàn chỉnh hơn, có sự tham gia của tất cả các ngành, lĩnh vực liên quan. “Đó là dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước, các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng…, phải có vị trí, nhiệm vụ, trách nhiệm để cùng nhau giải quyết bài toán con cá tra trong bối cảnh mới, hiệu quả và chất lượng hơn, ra được nhiều thị trường hơn”, ông nhấn mạnh.
Từ những tín hiệu thị trường như nêu trên, Tổng cục thuỷ sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam năm 2024 đạt 2 tỉ đô la Mỹ, tăng 200 triệu đô la Mỹ so với con số dự báo đạt 1,8 tỉ đô la Mỹ của năm 2023.
(Theo thesaigomtimes.vn)