Góc nhìn giáo dục: Đừng buông lỏng giáo dục từ gia đình
Buổi chiều, khi tôi vừa dừng xe ở cổng trường để đón con cũng là lúc đại diện nhà trường dặn dò học sinh những điểm cần lưu ý trước khi kết thúc buổi sinh hoạt tập trung: “Hôm nay, nhà trường mời các chú công an phường đến tuyên truyền những quy định liên quan đến pháo nổ cho thấy tầm quan trọng của vấn đề này. Cô nhắc lại, các em không được mua bán, tàng trữ, sử dụng, hay nói cách khác là không được “dây dưa” với pháo nổ. Nếu em nào vi phạm, các chú công an sẽ làm rõ và em đó hoàn toàn phải chịu trách nhiệm”.
Bất ngờ, bên ngoài cổng trường, một giọng đàn ông vang lên. Sau những từ “cửa miệng” hết sức thô lỗ, anh ta “bồi” tiếp: “Quan trọng cái quái gì mà phổ biến lâu thế. Nói dài thế thì đến bao giờ mới đón được con đây”. Không dừng lại ở đó, người đàn ông này còn nói oang oang với mấy người chờ đón con đang đứng cạnh: “Hôm vừa rồi, đi học về, thằng bé nói với tôi là nó bị cô giáo nhắc nhở chưa có sự tiến bộ trong học tập. Tôi mới bảo nó rằng, mày ngu thế thì mới là con tao. Để tao gặp cô giáo mày nói toẹt ra như thế”.
Nghe người đàn ông nói vậy, có người cười ồ, nhưng cũng có những người lắc đầu ái ngại.
Lâu nay, trước mỗi sự việc phức tạp phát sinh liên quan đến học sinh, như trò bất kính với thầy cô, trò bắt nạt trò, trò bị tai nạn giao thông, đuối nước trên đường đi học, trò có kết quả học tập kém... nhiều người cho rằng một phần nguyên nhân là do sự phối hợp trong quản lý, giáo dục học sinh giữa gia đình và nhà trường chưa tốt.
Qua sự việc ở cổng trường vừa nêu có thể thấy, không những chưa phối hợp với nhà trường mà vị phụ huynh nọ còn thiếu thiện chí, thậm chí có suy nghĩ và hành vi thiếu chuẩn mực. Đành rằng, việc chờ đón con của phụ huynh có thể lâu đôi chút, nhưng rõ ràng giáo viên đang sử dụng thời gian một cách hữu ích và trách nhiệm. Việc đó đáng ra phải được phụ huynh hoan nghênh, ủng hộ, tiếp sức thay vì khó chịu, bực bội một cách vô lý.
Ảnh minh họa. |
Tuy chưa đến Tết Nguyên đán, song trong những ngày qua, tại một số địa phương đã xảy ra các vụ tai nạn thương tâm do sản xuất, vận chuyển, sử dụng pháo nổ, trong đó có nạn nhân là thanh thiếu niên. Để phòng ngừa, ngăn chặn những tai nạn tương tự, việc nhà trường mời công an phường đến tuyên truyền cho học sinh các quy định và biện pháp phòng ngừa pháo nổ là hết sức cần thiết. Vậy tại sao phụ huynh lại có phản ứng chưa chuẩn mực, thiếu trách nhiệm như vậy? Thêm nữa, khi kết quả học tập của con chưa tốt, thay vì tìm hiểu rõ nguyên nhân, phối hợp với giáo viên để giúp đỡ con, thì việc phụ huynh phản ứng tiêu cực rõ ràng là cách làm phản giáo dục.
Để học sinh tiến bộ, trưởng thành, là con ngoan, trò giỏi, trở thành người có ích cho xã hội, chỉ với nỗ lực từ nhà trường sẽ là chưa đủ mà rất cần đề cao tinh thần trách nhiệm và sự hợp tác tích cực của phụ huynh với giáo viên; cần thái độ, hành vi chuẩn mực của phụ huynh trong ứng xử với giáo viên, trong quản lý, giáo dục con em mình. Muốn sự nghiệp “trồng người” thành công, các gia đình không nên đứng ngoài cuộc và đừng bao giờ để mối quan hệ phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục, rèn luyện học sinh chỉ dừng lại ở việc hô hào, nói suông.
(Theo qdnd.vn)