Thứ Hai, 25/03/2024, 09:59 (GMT+7)
.

Bảo đảm công bằng cho thí sinh

Tại hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh giai đoạn 2015 - 2023, triển khai công tác tuyển sinh năm 2024 - 2025 mới đây, Bộ GD-ĐT đặc biệt lưu ý đến việc xét tuyển sớm và đề nghị các cơ sở đào tạo rà soát, đánh giá hiệu quả của phương thức này.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Ảnh minh họa; sggp.org.vn
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Ảnh minh họa: sggp.org.vn

Những năm gần đây, các phương thức xét tuyển sớm như xét điểm học bạ, phỏng vấn, tổ chức các bài thi đánh giá năng lực, năng khiếu… ngày càng được nhiều trường đại học sử dụng trong tuyển sinh, nhất là sau khi Luật Giáo dục đại học sửa đổi có hiệu lực, các trường đại học được tự chủ tuyển sinh. Chỉ riêng năm 2023, cả nước có 214/322 cơ sở đào tạo xét tuyển sớm, trong đó xét tuyển từ kết quả học tập cấp THPT chiếm 30,24%, thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy chiếm 2,57%, các phương thức khác (bao gồm 12 phương thức) chiếm 14,1%.

Việc các trường đại học mở ra nhiều phương thức xét tuyển sớm không chỉ rộng cơ hội lựa chọn cho thí sinh mà còn góp phần giảm tải hệ thống tuyển sinh, tạo điều kiện cho các trường tuyển chọn được đầu vào như ý. Thế nhưng, bên cạnh mặt tích cực, thực tiễn xét tuyển sớm thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế.

Đơn cử như không nhiều thí sinh chọn xét tuyển sớm đặt ở vị trí nguyện vọng 1 - nguyện vọng cao nhất. Trong số trên 375.500 thí sinh trúng tuyển xét tuyển sớm năm 2023 chỉ có trên 147.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 (trúng tuyển sau lọc ảo). Có nghĩa là chưa đến 40% thí sinh quyết định nhập học bằng phương thức này. Một số trường đại học dành quá nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm, không còn nhiều chỉ tiêu cho thí sinh xét tuyển bằng phương thức khác, dẫn đến tình trạng điểm chuẩn nhảy vọt… Điều đó cũng phần nào ảnh hưởng đến quyền lợi của các thí sinh xét tuyển bằng phương thức điểm THPT.

Đặc biệt, trong các phương thức xét tuyển sớm, xét điểm học bạ THPT đã và đang khiến nhiều người lo ngại bởi tình trạng “làm đẹp” điểm. Lo ngại này là có cơ sở khi từ năm 2020, Bộ GD-ĐT thực hiện đối sánh trung bình điểm thi từng môn thi tốt nghiệp với điểm học bạ, kết quả cho thấy còn tồn tại độ vênh khá lớn giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ tại nhiều trường, địa phương. Riêng môn Tiếng Anh có năm nhiều địa phương điểm chênh tới 2 điểm. Dư luận đặt câu hỏi về việc bảo đảm công bằng cho thí sinh cũng như bỏ hay không việc xét tuyển sớm.

Xét tuyển sớm mang đến nhiều mặt tích cực và đây cũng là xu hướng chung của không ít trường đại học trên thế giới, phù hợp với Luật Giáo dục đại học. Vấn đề quan trọng là với thực tiễn hiện nay, cần thống nhất tăng cường công tác quản lý nhà nước về các phương án tuyển sinh của giáo dục đại học, trong đó khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Xét tuyển sớm phải bảo đảm công bằng cho thí sinh, nhất là ở trường có tính cạnh tranh cao. Trong các phương thức xét tuyển sớm có phương thức không hiệu quả, gây nhiễu cho thí sinh và hệ thống xét tuyển; có tổ hợp tuyển sinh không phù hợp, không cần thiết, phải mạnh dạn loại bỏ. Đơn cử, để xét học bạ chính xác cần kết hợp với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để bảo đảm năng lực của thí sinh là chuẩn xác.

Dù nhiều phương thức xét tuyển sớm nhưng năm 2023 kết quả xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT chiếm cao nhất 49,45%, điều đó chứng tỏ kết quả thi vẫn đang được các trường tin dùng, do đó nên tập trung tổ chức thật tốt kỳ thi để làm căn cứ xét tuyển đại học.

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.