Thứ Ba, 05/03/2024, 09:12 (GMT+7)
.

Nghĩ về chuyện nghiện mạng xã hội

(ABO) Chủ nhật vừa rồi, tôi chở con trai đến một khu vui chơi trên địa bàn phường 5, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Vừa chơi với con, tôi vừa quan sát thấy nhiều cha mẹ chở con đến rồi bỏ con chơi một mình hoặc tự tìm bạn chơi, còn cha với mẹ mỗi người một chiếc điện thoại lướt mạng xã hội.

Một đứa bé khoảng 6 tuổi chơi được một lúc thì chạy đến kêu cha chơi với mình, nhưng người cha mắt vẫn "dán" vào điện thoại và trả lời với con: "Tự chơi đi"… Vậy là đứa bé mặt buồn thiu một mình chơi tiếp.

Không chỉ ở khu vui chơi trẻ em mà khi làm việc ở quán cà phê, tôi cũng bắt gặp nhiều nhóm bạn, cặp đôi, gia đình... ngồi đối mặt nhau trong im lặng. Họ không nói gì với nhau và cũng chẳng thèm nhìn nhau, mà họ chỉ tìm niềm vui trên những chiếc màn hình điện thoại, nơi mà mỗi người một thế giới nên họ có ở cạnh nhau nhưng lại cách xa nhau.

Thông qua các phương tiện truyền thông đã có không ít bài báo phản ánh tình trạng con người ngày càng nghiện mạng xã hội. Nhiều chuyên gia nghiên cứu các vấn đề xã hội cho rằng, ngày nay, đối với nhiều người, nhu cầu được sử dụng mạng xã hội thậm chí còn cao hơn cả ham muốn được ngủ và nghỉ ngơi. Thực tế, mạng xã hội dễ gây nghiện hơn cả rượu, bia và ma túy, bởi vì chúng phổ biến hơn, được cộng đồng chấp nhận rộng rãi và gần như là hoàn toàn miễn phí. Mạng xã hội luôn có những tính năng và dịch vụ hấp dẫn để níu chân người dùng. Do đó, người dùng tuy có quyền tự do ngừng tham gia mạng xã hội bất kỳ lúc nào nhưng lại rất khó thực hiện được.

dành thời gian lướt mạng xã hội nhiều hơn là việc dành thời gian vui chơi với con
Hãy dành thời gian quan tâm, chia sẻ, vui chơi với con.

Chúng ta thường cho rằng “lướt mạng trong vô thức" là một hành động tiêu thụ nội dung miễn phí. Nhưng thực tế sự miễn phí đó đang khiến nhiều người “lãng phí” những giá trị vô giá nhưng vô hình. Trong nhiều quyển sách về phát triển bản thân, nhiều tác giả cũng đồng tình với quan điểm này. Tôi còn nhớ tác giả Lily Trương người viết nhiều quyển sách cũng như kinh nghiệm phát triển bản thân, trong đó tiêu biểu là quyển sách "Chỉ cần bạn tốt hơn 1% mỗi ngày", tác giả này cho rằng, khi lướt mạng xã hội trong vô thức, có 3 giá trị vô hình mà bạn đánh mất chính là thời gian, sự chú tâm và cảm giác sống thật.

Thật vậy, khi lướt mạng xã hội trong vô thức, thời gian trôi nhanh hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Bản thân tôi từng trải nghiệm, cùng với thời lượng 30 phút, nếu mới bắt đầu đọc sách, bạn sẽ cảm thấy thời gian sao lại trôi chậm đến vậy. Tuy nhiên, nếu lướt mạng xã hội thì bạn sẽ thấy, đã hết hơn 1 giờ đồng hồ mà bạn vẫn không hề ý thức được 1 giờ đã trôi qua.

Nhiều người dành nhiều thời gian lướt mạng xã hội
Nhiều người dành nhiều thời gian trong ngày lướt mạng xã hội.

Chính vì sở hữu những trải nghiệm nhanh chóng nhưng thụ động, nên việc lướt mạng xã hội trở nên hấp dẫn và được não bộ ưa thích. Tuy nhiên, sự dễ chịu trong trải nghiệm lại tỷ lệ nghịch với giá trị kiến thức mà bạn thu được. Đa phần những nội dung ngắn trên mạng xã hội thường nhanh, ngắn, đẹp mắt, nhưng giá trị thông tin mà chúng đem lại thường thấp và thiếu chiều sâu.

Bên cạnh đó, sự chú tâm được xem là tài sản vô giá mà khi làm chủ được chúng, chúng ta sẽ tạo ra những giá trị đột phá trong đời sống tinh thần. Tác giả Lily Trương cho rằng, chúng ta thường dễ dàng lãng phí những tài nguyên vô hình, hơn là những tài nguyên hữu hình. Nếu bạn đánh rơi mất 100.000 đồng so với việc bạn nhận ra mình đã tốn 1 giờ chỉ để xem những thứ nhảm nhí. Thường là bạn sẽ cảm thấy tiếc tiền hơn? Ngược lại, khi làm chủ được sự chú tâm, bạn có cơ hội học thêm được nhiều kỹ năng mới giúp bổ trợ và phát triển sự nghiệp của bạn, gia tăng thu nhập cũng như khai thác tối đa tiềm năng phát triển mà bạn chưa hề nghĩ tới.

Từ hai hệ luỵ phía trên, hậu quả thứ ba khi lướt mạng xã hội trong vô thức là điều khó tránh khỏi, khi “ôm điện thoại” quá nhiều sẽ dẫn đến suy giảm khả năng tương tác xã hội. Tôi thử làm cuộc khảo sát nhỏ trong 10 người tôi gặp thì có đến 8 người thừa nhận thời lượng sử dụng điện thoại trong 1 ngày của họ nhiều hơn khoảng thời gian họ ngồi nói chuyện với người yêu/bạn đời hay chơi với các con của mình.

Nhiều nhà tâm lý học cho rằng đôi khi, thứ tàn phá những mối quan hệ của chúng ta xuất phát từ việc: chúng ta không thực sự chú tâm, quan tâm đến những gì đang xảy ra trong một mối quan hệ. Mạng xã hội, smartphone là những công cụ tuyệt vời đánh lạc hướng chúng ta rời xa thực tại, giúp ta trốn tránh khỏi những vấn đề khó, bơ đi những mâu thuẫn mà đáng lẽ ra chúng ta phải ngồi lại với nhau để tìm kiếm giải pháp và tháo gỡ vấn đề.

Trong xu hướng ngày càng có nhiều người nghiện mạng xã hội như hiện nay, đôi khi chỉ là sự hiện diện, lắng nghe chân thành, một cái ôm hay một cử chỉ quan tâm giữa người với người - đều tưởng chừng như đương nhiên của trước đây thì ngày nay không dễ bắt gặp, thay vào đó là những tin nhắn, comment vô hồn trên mạng.

Không thể phủ nhận lợi ích cũng như vai trò của mạng xã hội như Facebook, YouTube, Instagram, TikTok, Zalo... trong đời sống hiện đại. Và quyết định lãng phí chúng hay tận dụng chúng là quyền của mỗi người. Nhưng tôi tin chắc một điều, thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn nếu chúng ta coi mạng xã hội hay điện thoại thông minh chỉ đơn thuần là một công cụ, thay vì lạm dụng chúng như một thứ thuốc phiện tinh thần.

T. H

.
.
.