Thứ Ba, 16/04/2024, 15:23 (GMT+7)
.

Đồng bộ trách nhiệm trong đảm bảo an toàn thực phẩm

Tháng hành động vì An toàn thực phẩm (ATTP) năm 2024 với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới” diễn ra trên cả nước từ ngày 15-4 và kéo dài đến 15-5, với mục tiêu lớn nhất là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh ATTP; đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP.

Học sinh chuộng thức ăn nhanh được bày bán trước cổng Trường THPT Tân Phong, quận 7, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG. Ảnh minh họa
Học sinh chuộng thức ăn nhanh được bày bán trước cổng Trường THPT Tân Phong, quận 7, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG. Ảnh minh họa

Những năm qua, vấn đề ATTP luôn được Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành chức năng quan tâm nên tình hình có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế, việc bảo đảm ATTP còn nhiều vấn đề bức xúc đặt ra. Thống kê của Bộ Y tế, trong năm 2023 cả nước ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm làm hơn 2.100 người mắc và 28 người tử vong. Riêng trong quý 1, toàn quốc ghi nhận 16 vụ với 659 người bị ngộ độc thực phẩm (tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có 3 người tử vong.

Những số liệu cho thấy, ATTP luôn là vấn đề nan giải, phức tạp và chưa bao giờ là vấn đề cũ. Đặc biệt trong bối cảnh công nghệ và mạng xã hội không ngừng phát triển, việc kinh doanh, sản xuất thực phẩm đang có nhiều thay đổi. Hiện nay, trên mạng xã hội, rất nhiều trang cá nhân quảng cáo, kinh doanh thực phẩm diễn ra rất rầm rộ, đa dạng với nhiều chiêu thức khác nhau nhằm gây sự quan tâm, chú ý của cộng đồng. Trong số đó, có nhiều loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm nhập lậu, hàng nhái, hàng giả được quảng cáo, kinh doanh tràn lan, gây nguy hại cho người tiêu dùng. Trong khi trách nhiệm quản lý lĩnh vực “nhạy cảm” này không chỉ có ngành y tế mà còn có trách nhiệm của nhiều bộ, ngành khác và một số nội dung trong quản lý nhà nước còn có chồng chéo, bất cập.

Ngoài ra, việc thực thi pháp luật về ATTP còn kẽ hở, lỏng lẻo, khiến nhiều cá nhân, doanh nghiệp vì lợi ích kinh tế mà đưa ra thị trường các đồ ăn, thức uống không an toàn. Lực lượng làm công tác kiểm tra, giám sát ATTP còn mỏng khiến việc kiểm tra, giám sát ATTP lâu nay vẫn chủ yếu làm theo kế hoạch và thời vụ nên số vụ vi phạm bị phát hiện, xử lý chỉ là một phần rất nhỏ so với thực tế diễn ra.

Trong tháng hành động năm nay, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh ATTP đã yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch, triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế, chú trọng từ tháng 4 đến tháng 8. Tuy nhiên, trong tình hình mới hiện nay, khi các loại hóa chất, phụ gia, nguyên liệu sản xuất thực phẩm và thực phẩm được bán trên không gian mạng ngày càng đa dạng, chất lượng “không biết đường nào mà lần”, đòi hỏi các bộ, ngành chức năng, đặc biệt là chính quyền các cấp cần chủ động nâng cao hơn nữa trách nhiệm và kỹ năng chuyên môn trong quản lý lĩnh vực ATTP.

Đặc biệt, cơ quan chức năng phải phối hợp liên ngành chặt chẽ, chủ động thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm minh, công khai mọi trường hợp vi phạm về ATTP, không để tình trạng việc đã rồi mới xử lý; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng để mỗi người dân không chỉ biết phân biệt, lựa chọn sử dụng thực phẩm an toàn mà còn biết tẩy chay thực phẩm nguy hại, thực phẩm bẩn và sẵn sàng đấu tranh với mọi hành vi vi phạm về ATTP.

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.