Thứ Bảy, 20/04/2024, 11:27 (GMT+7)
.

Nên hay không?

Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Phương thức này “nở rộ” trong những năm gần đây và được các trường sử dụng triệt để nhằm lấp đầy chỉ tiêu.

Xét tuyển sớm là phương thức mà cơ sở giáo dục đại học không sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT của thí sinh để tuyển sinh. Theo đó, các trường sử dụng phương thức xét tuyển bằng xét học bạ THPT, điểm thi đánh giá năng lực, tuyển sinh riêng, ưu tiên xét tuyển... Tuy nhiên, kết quả chỉ được công nhận chính thức sau khi thí sinh đủ điều kiện tốt nghiệp THPT.

Không thể phủ nhận, việc tham gia xét tuyển sớm phần nào giúp nhiều thí sinh an tâm vì có thêm cơ hội trúng tuyển đại học. Về phía cơ sở đào tạo, đây là một trong những phương án giúp các trường tuyển đủ chỉ tiêu trong năm tuyển sinh. Chẳng thế mà, từ đầu năm 2024 đến nay, các chương trình tư vấn tuyển sinh diễn ra khắp cả nước, ở đó hàng loạt vấn đề liên quan đến xét tuyển sớm được đại diện cơ sở giáo dục đại học, chuyên gia “giải mã”.

Thẳng thắn mà nói, từ bức tranh tuyển sinh 2 năm gần đây cho cho thấy, việc xét tuyển sớm không thực sự hiệu quả. Xét tuyển sớm không phải “cây đũa thần” giúp các trường tuyển đủ số lượng và chất lượng.

Trái lại, phương thức này khiến nhiều trường “đau đầu” về tỉ lệ “thí sinh ảo”; thậm chí còn thiếu công bằng khi sử dụng phương thức xét tuyển sớm. Ngoài ra, việc các trường dành nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm có thể dẫn đến bỏ lỡ thí sinh giỏi khi các em đặt nguyện vọng trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT (Hệ thống).

Thống kê từ Bộ GD&ĐT những năm trước cho thấy, chưa đến 40% thí sinh trúng tuyển sớm quyết định nhập học, tỷ lệ còn lại là trúng tuyển ảo. Đơn cử như năm 2023, có 214/322 cơ sở đào tạo xét tuyển sớm. Số thí sinh trúng tuyển sớm sau lọc ảo trên 301.800 thí sinh nhưng chỉ có hơn 147.300 em nhập học, chiếm khoảng 40%.

Số thí sinh trúng tuyển sớm nhập học chiếm khoảng 30% tổng số thí sinh trúng tuyển nhập học năm 2023 (546.686 thí sinh). Có những phương thức xét tuyển không có thí sinh đăng ký hoặc không thí sinh nào trúng tuyển.

Thực tế nhiều ý kiến thảo luận về việc nên hay không xét tuyển sớm. Xét tuyển sớm là một trong những nguyên nhân dẫn đến các cơ sở đào tạo sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh, nhiễu thông tin. Đã có thí sinh “trượt oan” vì xét tuyển sớm.

Ngoài ra, theo quy định hiện hành, dù trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm, thí sinh vẫn phải xác nhận nhập học trực tuyến trên Hệ thống. Cơ sở giáo dục đại học phải thông báo cho thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) để thí sinh có đủ thông tin và chủ động trong việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống. Các trường không được yêu cầu hoặc thỏa thuận với thí sinh việc cam kết, xác nhận nhập học sớm dưới bất kỳ hình thức nào (nộp kinh phí giữ chỗ, thu giữ hồ sơ…).

Với những phân tích nêu trên, việc giữ hay bỏ xét tuyển sớm phụ thuộc phần lớn vào quyết định của cơ sở đào tạo, nhất là khi các trường được quyền tự chủ trong tuyển sinh. Tuy nhiên, các trường cần đánh giá, đối sánh, phân tích kết quả tuyển sinh và tương quan kết quả học tập của sinh viên theo từng phương thức xét tuyển. Từ đó đặt lên “bàn cân” để lựa chọn phương thức xét tuyển khoa học, phù hợp, công bằng với thí sinh và các đặc trưng riêng.

Nên nhớ, dù tuyển sinh bằng phương thức nào thì điều quan trọng nhất là phải bảo đảm được chất lượng đầu vào, đáp ứng yêu cầu chương trình đào tạo, đồng thời đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh ứng tuyển.

(Theo giaoducthoidai.vn)


 

.
.
.