Thứ Ba, 18/06/2024, 15:42 (GMT+7)
.

Báo chí bước ra khỏi 'bánh xe Hamster' và câu chuyện tư duy kiểu mới

Chúng ta muốn mạng xã hội giúp đưa tin tức lan tỏa và hy vọng sẽ có nguồn thu từ đó, nhưng rút cuộc không được như mong muốn. Al đang gợi mở cho các cơ quan báo chí bước ra khỏi “Hamster Wheel” (sự đơn điệu) để xác định rõ mục tiêu thực sự là gì.

Rõ ràng là, báo chí đang trải qua sự chuyển đổi số toàn diện. Các giải pháp công nghệ được áp dụng vào tất cả các khâu hoạt động của tòa soạn, từ sản xuất nội dung đến quản lý, phân phối và kinh doanh... Một số tờ báo nước ngoài đang triển khai mô hình kết hợp bài viết với minigame và quảng cáo thành công.

Ví dụ như tờ Guardian (Anh) thường xuyên tổ chức các minigame đố vui, giải đố liên quan đến các sự kiện thời sự, thu hút lượng lớn người tham gia và tương tác. The New York Times (Mỹ) cũng kết hợp mini-game để quảng cáo của các thương hiệu cao cấp, thu hút lượng lớn độc giả trung lưu...

Mô hình này có phát triển mạnh ở nước ngoài không, thưa ông? Và báo chí Việt Nam có khả năng thực hiện điều tương tự để thu hút khách hàng, tăng tương tác và doanh thu hay không?

Báo điện tử Vietnamplus của Thông tấn xã Việt Nam khi tôi làm Tổng biên tập đã tạo ra khái niệm “News game” từ năm 2015. Và từ lúc đó chúng tôi đã làm rất nhiều game để độc giả trải nghiệm. Trong đợt tuyên truyền về kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, báo Nhân dân dành một phần game để độc giả vào trả lời những câu hỏi như: Ai là người cắm cờ trên nóc hầm Đờ Cát? Chiến sĩ đầu tiên tấn công cứ điểm Him Lam?...

Điều rất thú vị là có rất nhiều người chơi. Có thể số lượng người đọc bài bài này nhiều, bài kia khiêm tốn nhưng lượng người vào chơi game thì khá nhiều và cho đến giờ phút này họ vẫn đang tiếp tục chơi game đó.

Hình thức này mang tính giáo dục cao và bổ trợ kiến thức. Không nhất thiết phải có giải thưởng gì cho người chơi, nhưng người chơi lại sẵn sàng tham gia trả lời 5 - 10 câu hỏi để tự đánh giá năng lực và sự hiểu biết của mình.

Công nghệ bây giờ lại quá dễ để tạo ra những đáp án “multiple choice”. Vào thời điểm năm 2015, khi công nghệ chưa phổ biến, việc sử dụng và tạo lập các game như trên là khó. Nhưng hiện tại thì rất đơn giản, song việc khai thác như nào và đa dạng hóa các sản phẩm game ra sao mới là câu chuyện đáng nói.

Ví dụ New York Times đã mua hẳn sản phẩm của một công ty chuyên về đố chữ, rồi bán kèm với các sản phẩm “combo” đọc báo. Người đọc mua báo trả thêm chút tiền thì được chơi game miễn phí. Cách kết hợp như vậy cũng rất thú vị.

Có những game nước ngoài còn phức tạp hơn, tức là một trò chơi điện tử, được thiết kế dạng game nhập vai thực sự nhưng làm sẽ khá tốn kém.

Một số tờ báo lớn đã theo đuổi hình thức này khá sớm chứ không muộn. Chúng ta còn đi trước nhiều tờ báo trên thế giới trong việc thử nghiệm.

b

Ông Lê Quốc Minh: "Câu chuyện ở đây là mỗi cơ quan báo chí nên xác định rõ mình thực sự muốn gì, và độc giả mà mình hướng đến thực sự muốn gì, để từ đó ứng dụng Trí tuệ nhân tạo phù hợp". Ảnh: Lê Anh Dũng

TRÍ TUỆ NHÂN TẠO – NÊN LO SỢ HAY HỒ HỞI QUÁ MỨC

Trong Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên nền tảng số, 90% dùng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI). Con số này nói lên điều gì, thưa ông? Trí tuệ nhân tạo sẽ giúp gì cho năng lực cạnh tranh của mỗi cơ quan báo chí truyền thông?

Nghe có vẻ đây là những con số khó đạt được nhưng thực tế đến 2025 mà các tòa soạn không làm được điều này thì sẽ mất độc giả. Cho nên các cơ quan báo chí bắt buộc sẽ phải lên nền tảng số, phải ứng dụng công nghệ và đi xa hơn là sử dụng Trí tuệ nhân tạo.

Nói đến Al chúng ta phải nhìn theo khái niệm mở rộng. Nhiều người khi nói đến Al chỉ nghĩ đến chuyện máy sẽ viết hộ cho người. Hiện nay, rất nhiều tòa soạn đã dùng Al đặc biệt trong phát hiện thông tin, theo dõi độc giả, theo dõi các xu hướng, nội dung nổi lên…

Hiện nay trên thế giới, Trí tuệ nhân tạo đang có hai xu hướng, một là lo sợ và một là hồ hởi quá mức.

Lo sợ vì nghĩ rằng ngày nào đó Al sẽ làm thay hết con người. Chúng ta sẽ phải giảm nhân sự, phải dựa vào máy móc và điều đó sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy, ví dụ như câu chuyện đạo đức. Vấn đề đạo đức khi sử dụng Trí tuệ nhân tạo ở nước ngoài đang gây nhiều tranh cãi. Người ta đặt ra câu hỏi về chuyện vi phạm bản quyền khi máy viết ra một nội dung liệu có xâm phạm bản quyền ở chỗ nọ, chỗ kia hay không. Đã có những cơ quan báo chí không cho phép các tập đoàn công nghệ được truy cập dữ liệu của họ. Cụ thể New York Times đã kiện OpenAl.

Nhưng cũng có nhiều cơ quan báo chí khác lại thấy ở đây cơ hội. Họ sẵn sàng cấp phép cho các tập đoàn công nghệ sử dụng dữ liệu để huấn luyện Al và hy vọng rằng những dữ liệu của mình nếu được dùng sẽ có tác động tích cực đến hệ thống máy móc, khiến chúng thông minh hơn và hiểu theo đúng tiêu chuẩn.

Nhưng chúng tôi cũng nhìn thấy một sự hồ hởi quá mức khi nhiều người nghĩ rằng là Al sắp tới sẽ giúp chúng ta mọi thứ. Nhớ lại thời gian cách đây không lâu, khi điện thoại thông minh có tính năng quay phim, chụp ảnh rất tốt, một số tòa soạn trên thế giới thậm chí cực đoan là bỏ bộ phận ảnh. Họ nghĩ là không cần những tay máy chuyên nghiệp, không cần máy ảnh phức tạp, đắt tiền, dùng điện thoại di động là đủ cho việc đăng tải hình ảnh, và sau này họ đã nhận ra sai lầm.

Càng trong một môi trường nhiều thông tin, nhiều hình ảnh và nhiều hình ảnh do người nghiệp dư chụp đẹp thì báo chí càng phải đẹp hơn, chuyên nghiệp hơn. Ở đây có câu chuyện báo chí cần nghĩ đến là khi tham gia Internet và mạng xã hội, người ta đề cập tới thuật ngữ “Hamster Wheel” (Một cái lồng tròn như bánh xe cho chuột Hamster, quay theo chiều dọc khi con vật chạy ở phía dưới. Theo nghĩa bóng, cái lồng quay là một hoạt động đơn điệu, lặp đi lặp lại và không đạt được tiến bộ).

Khi đến với các mạng xã hội, chúng ta muốn mạng xã hội có thể giúp đưa tin tức của mình lan tỏa khắp nơi, và hy vọng có nguồn thu từ đó nhưng rút cuộc không được như mong muốn. Cơn sốt Trí tuệ nhân tạo hiện nay gợi mở cho các cơ quan báo chí hãy bước ra khỏi “Hamster Wheel” để xác định rõ xem mục tiêu của mình thực sự là gì.

Nói đến Trí tuệ nhân tạo không lẽ chỉ có cơ quan báo chí lớn có thể đầu tư còn đơn vị quy mô nhỏ sẽ làm thế nào? Báo bạn ứng dụng Al hay quá, liệu có nên bắt chước hay học cách tích hợp nó hay không?

Câu chuyện ở đây là mỗi cơ quan báo chí nên xác định rõ mình thực sự muốn gì, và độc giả mà mình hướng đến thực sự muốn gì, để từ đó ứng dụng Trí tuệ nhân tạo phù hợp.

Chúng ta đã thấy trường hợp của nhiều trang như CNET bị phát hiện âm thầm dùng Al viết tin nhưng đến 40 % tin, bài có lỗi, bị sai. Điều nguy hiểm là hệ thống Trí tuệ nhân tạo hiện nay có thể ngụy tạo ra những nội dung hay câu nói của nhân vật A, B rất thuyết phục nhưng thực ra là không hề có.

Khuyến nghị là nên sử dụng Al ở những khâu nhất định. Ví dụ khâu phát hiện thông tin, phát hành, phân phối thông tin, theo dõi người dùng hoặc là xử lý những thông tin kiểu như kết quả thể thao thì Al làm rất tốt. Al có thể giúp chúng ta cùng một nội dung về thị trường chứng khoán hôm nay chẳng hạn, nhưng nó viết ra 10 phiên bản, 100 phiên bản khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu của người dùng chứ không nhất thiết viết một bài cho muôn người dùng như trước đây nữa…

Có rất nhiều ứng dụng Al chúng có thể làm được từ đơn giản nhưng thiết thực đến những ứng dụng rất phức tạp chứ không chỉ ở công đoạn sản xuất tin. Khuyến nghị hiện nay là chưa nên dùng và lạm dụng Al trong quy trình sản xuất tin bài.

Bây giờ một người viết bài kết hợp cả Al. Vậy tên tác giả sẽ là gì, nếu xảy ra vấn đề sai sót thì quy lỗi cho ai? Chưa kể Al dùng đầu vào chính là của con người. Cho nên nó cũng có thể có định kiến, thiên kiến, rồi việc vi phạm bản quyền, câu chuyện đạo đức. Al khi bị nhiều kẻ có mục đích xấu sử dụng sẽ gây rối loạn xã hội.

Chúng ta hình dung giờ lên mạng xã hội, lượng thông tin do con người sản xuất ra tràn ngập và có rất nhiều tin rác, tin sai lệch. Nếu trong tương lai, Al sản xuất thông tin thì còn tràn ngập đến mức độ nào?

Hiện có khoảng mấy trăm website trên thế giới hoàn toàn không có nhà báo, mỗi ngày sản xuất ra số lượng gấp 5 - 7 lần một tờ báo lớn như New York Times thì liệu những thông tin như vậy ai kiểm chứng đúng, sai? Độc giả ngày càng thông minh, nhưng liệu có phân định được đúng sai khi thông tin bủa vây như vậy?

Cần phải có văn bản pháp lý để quy định, điều chỉnh cũng như nỗ lực của tất cả các bên, từ cơ quan chức năng, nền tảng công nghệ, cơ quan báo chí và chính những người dân.

CỘNG HƯỞNG ĐỂ ĐI XA CÙNG NHAU

Có câu nói "Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau". Thưa ông giữa bối cảnh như vậy, tôi muốn đề cập tới khái niệm “cộng hưởng”. Ông chia sẻ thế nào về một sự “cộng hưởng” giữa các bộ phận ban ngành chuyên môn ở một cơ quan báo chí; giữa các cơ quan báo chí truyền thông trong yêu cầu đổi mới, sáng tạo hiện nay?

Thế giới hiện nay là một môi trường hợp tác, hợp tác giữa các quốc gia giải quyết vấn đề toàn cầu, hợp tác doanh nghiệp trong và ngoài nước, phát triển liên vùng, hợp tác các tỉnh thành… và trong lĩnh vực báo chí cũng thế.

Trước đây chúng ta có tư duy là nếu cạnh tranh với nhau, tờ nào nắm được thông tin độc quyền ra được sớm nhất thì chiến thắng.

Nhưng từ rất lâu rồi, khi Internet ra đời và dần sau đó là mạng xã hội, chúng ta thấy một thực tế là không còn thông tin gì mà không ai biết được. Hoặc mình có thể biết tin này thì hàng ngàn tin khác người ta sẽ biết hơn mình. Từ đó mới sinh ra một quan điểm tốt nhất nên chia sẻ với nhau những thông tin đó.

Chỉ có điều là cách thức thể hiện khác nhau, cùng chia sẻ với nhau một thông tin nhưng mỗi tờ báo sẽ khai thác theo một kiểu, một cách kể chuyện khác nhau thì câu chuyện sẽ khác nhau.

b

Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Ảnh: Lê Anh Dũng

Đó là cách làm phổ biến trên thế giới. Chúng ta thấy sự phối hợp giữa các tờ báo là chuyện đương nhiên, rồi trong mỗi tờ báo cũng vậy. Ví dụ Thông tấn xã Việt Nam vừa có báo in, truyền hình, trang điện tử… khi muốn phỏng vấn nhân vật nào đó, thì sẽ thực hiện đa phương tiện để các đơn vị khác trong báo có thể sử dụng lại được.

Đặc biệt ứng dụng công nghệ trong báo chí truyền thông thì sự hợp tác là vô cùng cần thiết.

Đơn cử như là nhiều cơ quan báo chí nước ngoài bây giờ đã chia sẻ dữ liệu khách hàng, số lượng người dùng. Một cơ quan báo chí đứng độc lập chỉ có thể chỉ tiếp cận được vài trăm ngàn hoặc vài triệu người dùng.

Nhưng nếu các cơ quan báo chí sẵn sàng chia sẻ dữ liệu người dùng với nhau thì có thể tổng lượng người dùng có thể lên đến 60-70 triệu hoặc ít nhất là 30-40 triệu người. Ở Pháp có một liên minh với trên dưới 20 cơ quan báo chí hay Thụy Sỹ thậm chí tạo ra “Single sign on”, tức là chỉ cần tên và mật khẩu, bạn đọc có thể đăng nhập mọi tờ báo.

Về đầu tư công nghệ, không phải tờ báo nào cũng có thể đầu tư hệ thống công nghệ hiện đại, nhưng nếu có một nền tảng mà nhiều tờ báo nhỏ chia sẻ với nhau sẽ giúp tiết kiệm kinh phí. Đơn cử việc chúng tôi mua một hệ thống công nghệ của nước ngoài khá đắt đỏ để dùng cho Báo Nhân Dân.

Chúng tôi nghĩ rằng tại sao không thương lượng để cho các cơ quan báo Đảng cũng được hưởng dịch vụ này. Chúng tôi thương lượng với đối tác và họ đưa ra mức giá rất thấp với điều kiện có 10 - 15 cơ quan báo Đảng cùng dùng. Kết quả nhiều báo được sử dụng với mức chi phí rất nhỏ.

Tuy nhiên, sự hợp tác này phải dựa trên cơ sở minh bạch và bình đẳng, nếu có một đơn vị muốn đứng đầu và có quyền sử dụng cao hơn hay là chiếm lĩnh dữ liệu ở cấp độ khác thì người ta sẽ không tham gia cuộc chơi này nữa.

LÀM BÁO KHÔNG PHẢI ĐỂ GIÀU CÓ

Trong thời đại truyền thông kỹ thuật số với sự “lên ngôi” của mạng xã hội, theo ông, đội ngũ những người làm báo (nhất là đội ngũ phóng viên nhà báo trẻ) cần tự trau dồi thế nào để có thể tiếp cận và ứng dụng được những thành tựu công nghệ, sáng tạo ra nhiều tác phẩm báo chí có nội dung chuyên sâu, chất lượng và đa dạng hình thức thể hiện?

Hiện nay sự cạnh tranh về mặt nội dung báo chí lớn hơn bao giờ hết. Ngày xưa chúng ta có vài trăm tờ báo và chúng ta cạnh tranh với nhau trong số đó. Nhưng giờ chúng ta đang phải cạnh tranh với khoảng 7 tỷ kênh thông tin trên mạng và bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Nhiều loại nội dung do cá nhân, tổ chức làm rất sáng tạo, thú vị và thu hút người dùng.

Điểm giúp cho báo chí có thể tồn tại và phát triển, phát triển bền vững chính là việc càng phải trở nên chuyên nghiệp hơn thay vì lao theo trào lưu, xu hướng và bị mạng xã hội dẫn dắt, cuốn đi.

Chúng ta là một sân chơi riêng, rất chính thống, truyền thống và trong bối cảnh phải cạnh tranh nhiều như thế thì càng phải chuyên nghiệp hơn, chất lượng cao hơn với mong muốn là người dùng dù xem đâu đó nhưng sẽ quay trở lại để kiểm chứng thông tin.

Báo chí phải là người chọn lọc, giới thiệu, đề xuất và đưa ra những nội dung sâu cho độc giả. Như vậy, báo chí hiện nay cũng không thể dừng ở câu chuyện phản ánh mà phải đề xuất giải pháp.

Cho nên gần đây khái niệm về báo chí giải pháp, báo chí phụng sự, báo chí mang tính xây dựng đang nổi lên là như vậy. Báo chí được khuyến nghị cần phải nêu những câu chuyện mang tính truyền cảm hứng. Không phải ở Việt Nam chúng ta mới nói đến người tốt, việc tốt. Ở nước ngoài bây giờ cũng nói những câu chuyện hay, câu chuyện tốt và truyền cảm hứng cùng những nội dung mang tính giải pháp thì người dùng sẽ tìm đến.

Việc sử dụng công nghệ thành thạo là đương nhiên.

Có một thời gian chúng ta cố gắng viết những bài làm sao để có thật nhiều người đọc, nhưng giờ đây khái niệm đọc nhiều lại khác khi một bài báo có nhiều người đọc chưa chắc đã hay. Thay vì đuổi theo lượng người đọc như vậy, chúng ta cố gắng tạo sự khác biệt so với những nội dung trên mạng xã hội, thậm chí là khác biệt so với những tờ báo khác.

Hãy tự đặt câu hỏi người ta đến với mình là vì lý do gì? Chúng ta phải có những biện pháp để giữ chân người dùng, thậm chí kéo những độc giả mới đến với các cơ quan báo chí.

Thưa ông, là một nhà báo kỳ cựu, một nhà quản lý báo chí, trước thềm kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ông có lời chia sẻ, nhắn nhủ thế nào với đội ngũ làm báo nói chung và làm thế nào để những người làm báo thực sự sắc nghề nhưng đồng thời sống được bằng nghề?

Chúng ta chỉ còn thời gian ngắn nữa là bước đến dấu mốc kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng và chúng tôi cũng bắt đầu 1 năm với những sản phẩm mới để hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Bước vào tuổi 100 nghe rất lớn, rất già nhưng đây chính là lúc mà chúng ta phải đổi mới mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đây chính là lúc mà chúng ta phải thể hiện sức trẻ và chuyên nghiệp, chất lượng hơn bao giờ hết.

Chúng ta phải thẳng thắn với nhau là làm báo thì không thể giàu có. Làm báo với mục tiêu để giàu có thì không làm được. Tuy cũng là một nghề trong xã hội nhưng là một nghề mang tính phụng sự, nếu chúng ta viết sai lầm có thể ảnh hưởng đến rất nhiều người.

Cho nên phải có sự đam mê cũng như tinh thần mong muốn phụng sự thì mới đến với nghề báo, đã đến rồi thì không thể lười được. Chúng tôi cũng khuyên các bạn phóng viên, đặc biệt các bạn phóng viên trẻ phải tự nghiên cứu và đọc thật nhiều, tự học kỹ năng mới, kỹ năng biết làm thương hiệu…

Quan trọng hơn là cần có tư duy báo chí kiểu mới. Báo chí hôm nay khác với báo chí không chỉ của 20-30 năm mà còn khác với 5 - 7 năm trước.

Cho nên phải có tư duy của ngày hôm nay, thậm chí báo chí phải đi trước, dự đoán, dự báo và cảnh báo cho xã hội. Thay vì chạy theo mạng xã hội, chúng ta thậm chí phải dẫn dắt, chiếm lĩnh những nền tảng mới. Tính tiên phong đổi mới của báo chí đang cần thiết hơn bao giờ hết, không chỉ ở những cơ quan báo chí lớn, không chỉ ở người lãnh đạo mà phải được lan tỏa đến từng cá nhân, các phóng viên, biên tập viên trong mỗi tòa soạn.

Và, đương nhiên trách nhiệm của các cơ quan báo chí là phải mang lại hiệu quả vật chất, sự tưởng thưởng xứng đáng cho cán bộ, nhân viên của mình thì mới giữ chân được người tài.

Theo VietNamNet

.
.
.