Chủ Nhật, 07/07/2024, 17:20 (GMT+7)
.

Tiền chùa cũng cần minh bạch

Từ năm 2023 đến nay, nhiều khu di tích lịch sử trên toàn quốc công bố mã QR để tiếp nhận công đức từ các tập thể, cá nhân trong và ngoài nước. Cách làm văn minh này nhận được nhiều tán thưởng vì đã giảm hẳn cảnh người người ngồi đếm tiền.

Nhiều điểm đến khác cũng triển khai hiệu quả việc nhận phát tâm công đức, tài trợ theo hình thức chuyển khoản quét mã QR như: Đền Voi Phục, Đền Quán Thánh (Hà Nội), Đền Cửa Ông (Quảng Ninh), Đền Bảo Hà (Lào Cai)... Cách làm này không mới mà còn khá phát triển ở các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản... bởi vừa thuận lợi cho người dân, lại hỗ trợ lớn cho công tác quản lý.

Chỉ tiếc là ở Việt Nam, quét mã QR để cúng dường chưa phổ biến. Một phần do tâm lý ngại làm theo cách mới, nhưng phần lớn là do sự thiếu chủ động công khai, minh bạch của ban quản lý các di tích. Vừa qua, thực hiện Thông tư số 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, lần đầu tiên Bộ Tài chính công bố kết quả kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức trong cả nước năm 2023 thì có tới 31%, tương ứng 1.771 cơ sở di tích không báo cáo. 69% cơ sở báo cáo có tổng số tiền thực thu 4.100 tỷ đồng.

Trong điều kiện nguồn lực hạn chế, cân đối ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn, chi ngân sách dành cho lĩnh vực văn hóa hằng năm còn khiêm tốn, đây là nguồn tài chính quan trọng, đã và đang đóng góp tích cực cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, hỗ trợ cộng đồng; đồng thời, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương...

 Nơi tiếp nhận công đức tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng. Ảnh: Nhandan.vn
Nơi tiếp nhận công đức tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng. Ảnh: Nhandan.vn

Công đức là dựa vào niềm tin. Tổ chức, cá nhân tự nguyện công đức, tài trợ có thể không quan tâm tới mục đích sử dụng, cũng không hỏi tới nguồn tiền đi đâu, về đâu; chính vì thế tạo thành kẽ hở để kẻ xấu trục lợi từ việc lợi dụng niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo. Thậm chí trong một số tình huống, từ “tiền chùa” còn xuất hiện theo nghĩa xấu, tiêu cực theo ý hiểu những tài sản chung dễ bị sử dụng lãng phí, chi tiêu vô tội vạ. “Con sâu bỏ rầu nồi canh” gây bức xúc dư luận, khiến cho niềm tin giảm sút, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh, tôn nghiêm của các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Vì thế, người/cơ sở tiếp nhận tiền công đức cần có trách nhiệm công khai, minh bạch để tổ chức, cá nhân đóng góp yên tâm, xây dựng niềm tin bền vững.

Công đức là nét đẹp văn hóa. Công đức đúng lúc, đúng chỗ cũng là điều cần thiết. Mới hay công đức, tài trợ theo hình thức chuyển khoản vừa văn minh, thuận lợi, lại không cản trở hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; quan trọng hơn là góp phần minh bạch hóa, công khai tiền chùa, tiền cúng, góp phần làm đẹp hình ảnh di tích và tôn vinh giá trị văn hóa, tín ngưỡng, tinh thần.

(Theo www.qdnd.vn)

.
.
.