Thứ Năm, 15/08/2024, 12:32 (GMT+7)
.

Có nên bỏ thói quen tốt khi mới được hình thành?

Với việc siết chặt xử lý các vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông, người dân đã dần hình thành thói quen tốt là "đã uống rượu bia thì không lái xe". Do đó, nhiều ý kiến cho rằng cơ quan chức năng cần cân nhắc việc giảm mức phạt vi phạm nồng độ cồn.

Đề xuất hạ mức xử phạt tiền đối với chủ phương tiện có nồng độ cồn thấp

Bộ Công an đang lấy ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe... Đáng chú ý, cơ quan soạn thảo đề xuất hạ mức xử phạt tiền đối với chủ phương tiện có nồng độ cồn thấp.

Cụ thể, Bộ Công an đề xuất hạ mức phạt tiền đối với những tài xế có nồng độ cồn chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/lít khí thở.

Với ôtô, phạt tiền từ 800.000 đến 1.000.000 đồng, thấp hơn so với trước đây, bị phạt 6.000.000 - 8.000.000 đồng. Với xe máy, hiện nay có mức vi phạm bị phạt 3.000.000 - 5.000.000 đồng, Bộ Công an đề xuất phạt từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

a
 Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe. (Ảnh: Tạ Hải)

Đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở, Bộ Công an đề xuất mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. Quy định cũ là phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng.

Ngay khi được đưa ra lấy ý kiến, đề xuất hạ mức xử phạt tiền đối với chủ phương tiện có nồng độ cồn thấp đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Xung quanh đề xuất này hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

Không nên bỏ thói quen tốt khi mới được hình thành

Cơ quan chức năng có lý do để đưa ra đề xuất giảm mức tiền phạt, đó là sau thời gian xử lý quyết liệt, thói quen uống rượu, bia khi tham gia giao thông đã giảm, nhận thức của cộng đồng thay đổi theo hướng tích cực. Do vậy, điều chỉnh giảm mức phạt là phù hợp với tính chất, hành vi vi phạm.

Nhiều ý kiến ủng hộ đề xuất hạ mức xử phạt tiền đối với chủ phương tiện có nồng độ cồn thấp với lý do “một chút bia, rượu thì vẫn tỉnh táo để điều khiển phương tiện”; hoặc “nới lỏng quy định phạt để người dân còn làm ăn buôn bán, bia, rượu tiêu thụ được còn tạo ra công ăn việc làm, đóng góp cho ngân sách”…

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về những hệ lụy xấu đối với xã hội, nếu đề xuất nói trên được áp dụng. Các ý kiến này cho rằng, sau thời gian siết chặt quy định, người dân dần hình thành thói quen "đã uống rượu bia thì không lái xe", nay có hướng nới lỏng thì liệu có hợp lý không?

Mặt khác, dù đã xử phạt nặng, Cảnh sát giao thông làm việc xuyên Tết, xuyên các các kỳ nghỉ lễ với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại kệ, nhưng 6 tháng đầu năm vẫn còn trên 550.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó hơn 90% là người điều khiển môtô bị xử lý. Điều này cho thấy nhiều người còn rất chủ quan trong chấp hành quy định về sử dụng nồng độ cồn khi tham gia giao thông.

Anh Trần Đức Thành ở quận Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ: “Dù thể trạng như nào thì khi sử dụng rượu, bia, chất uống có cồn sẽ đều ảnh hưởng đến sự tỉnh táo, khả năng xử lý tình huống khi tham gia giao thông; tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người uống bia, rượu và mọi người xung quanh. Vì thế mà việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với tài xế là cần thiết”.

Ở góc nhìn khác, anh Lê Văn Hoàng ở quận Ba Đình (Hà Nội) cho rằng: “Đúng là siết chặt xử phạt vi phạm nồng độ cồn đã tác động mạnh đến các doanh nghiệp kinh doanh bia, rượu. Việc giảm mức xử phạt có thể sẽ gỡ khó cho doanh nghiệp, tạo ra công ăn việc làm, đóng góp cho ngân sách… Nhưng cơ quan chức năng cần cân nhắc giữa được và mất, nhất là khi bình quân mỗi ngày có gần 30 người chết vì tai nạn giao thông, trong đó có rất nhiều vụ liên quan đến việc sử dụng rượu, bia trong tham gia giao thông”.

a
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn, tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông. (Ảnh: Nguyễn Hương)

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với báo chí, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn, tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an), cho biết, đề xuất giảm tiền xử phạt vi phạm nồng độ cồn mức một đối với người điều khiển ôtô, môtô, xe máy chuyên dùng, được đưa ra sau khi Bộ nhận ý kiến của một số bộ, ngành và người dân.

Những ý kiến này cho rằng Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo một người đàn ông khỏe mạnh uống một ly rượu trong vòng một giờ thì nồng độ cồn đo được dưới mức 0,35 mg/lít khí thở và dưới 50 mg/ml máu. Các nghiên cứu khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy lượng nhỏ rượu bia có thể không gây ảnh hưởng quá lớn đến khả năng lái xe. Vì vậy họ đề xuất giảm tiền phạt với người uống ít.

Tuy vậy, "những ý kiến phản đối lo ngại giảm tiền phạt có thể khuyến khích người dân uống rượu, bia khi lái xe, dẫn đến tăng nguy cơ tai nạn giao thông". Cũng theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, thời gian tới Bộ Công an sẽ tổ chức hội thảo, tiếp tục nghiên cứu để xây dựng dự thảo nghị định với tinh thần nghiêm minh, tương xứng với mức vi phạm và trình Chính phủ quyết định.

Thực tế cho thấy, mọi chính sách, quy định chỉ thực sự có ý nghĩa khi xuất phát từ cuộc sống. Với việc siết chặt xử lý các vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông, người dân đã dần hình thành thói quen tốt là "đã uống rượu bia thì không lái xe". Do đó, đề xuất hạ mức xử phạt tiền đối với chủ phương tiện có nồng độ cồn thấp cần được các cơ quan chức năng cân nhắc kỹ trên cơ sở bảo đảm an toàn cho người dân khi tham gia giao thông, giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông, nhất là các vụ liên quan đến việc sử dụng rượu, bia của người điều khiển phương tiện./.

Theo dangcongsan.vn


 

.
.
.