Chủ Nhật, 22/09/2024, 21:54 (GMT+7)
.

Để cứu trợ thiện nguyện an toàn, thiết thực

(ABO) Trong mấy ngày qua, bão, lũ, mưa lớn, sạt lở… gây ra những thiệt hại nghiêm trọng ở nhiều nơi. Nhất là cơn bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại nặng nề, tang thương ở nhiều tỉnh, thành phía Bắc. Từ đó, khắp nơi trên dải đất “hình chữ S” liên tục có những hoạt động kêu gọi quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiên tai do bão, lũ gây ra.

Những chuyến xe xếp dài, vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm, đồ dùng cần thiết… nối đuôi nhau trên các tuyến đường ra Bắc. Những điểm quyên góp, ủng hộ bằng nhiều hình thức của các tổ chức, cá nhân được mở ra khắp nơi trong cuộc sống đời thường và cả trên mạng xã hội…; từng hành động nhân ái của mọi lứa tuổi, mọi thành phần làm ấm lên tình người trong bão, lũ. Truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta luôn ngời sáng và mạnh mẽ hơn bao giờ hết mỗi khi đồng bào, nhân dân gặp khó khăn, hoạn nạn.   

Tuy nhiên, để yêu thương đến được đúng nơi cần đến, có những vấn đề cần phải được tính toán để hoạt động cứu trợ, thiện nguyện được thực hiện một cách bài bản, hợp lý, đảm bảo ý nghĩa và thiết thực, tránh lãng phí nguồn lực, lãng phí tình cảm của nhiều người. Hoạt động thiện nguyện không chỉ được thực hiện bằng tình cảm, trái tim, mà phải có cả lý trí mới đạt hiệu quả trọn vẹn nhất.

Công an tỉnh Tiền Giang chuẩn bị hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của cơn số 3 bão (Yagi).
Công an tỉnh Tiền Giang chuẩn bị hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi).

Rút kinh nghiệm từ các đợt cứu trợ trước đây, trận bão, lũ nào gây thiệt hại có cứu trợ cũng xảy ra tình trạng quà cứu trợ "chỗ thừa, chỗ thiếu”. Nơi hiểm trở, thì các đoàn cứu trợ không thể đến, bà con thiếu thốn, vất vả… Nơi thừa, thì bánh chưng, bánh tét ôi thiu, quần áo cũ đổ đống ven đường, người dân nhận thực phẩm cứu trợ rồi mang đi bán… Các địa phương bị bão, lũ càn quét phải dọn dẹp, phòng, chống ô nhiễm môi trường, dịch bệnh… có thể xảy ra sau lũ, còn phải lo xử lý hàng cứu trợ tồn đọng, áp lực cho địa phương càng tăng thêm.

Vì vậy, khi tham gia hoạt động thiện nguyện rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa những hội, nhóm từ thiện với chính quyền, cơ quan, đoàn thể địa phương. Ngay lúc này đây, sự đoàn kết, bình tĩnh của cộng đồng giữ vai trò hết sức quan trọng. Tất cả mọi người đều hướng về đồng bào vùng bão, lũ, nhưng phải hiểu và thực hiện đúng những quy định và nguyên tắc để đảm bảo an toàn, phải có sự kết nối để điều phối. Có những nơi, chỉ có cán bộ, chiến sĩ Công an, Quân đội mới có thể vào được tận nơi người dân trú tránh bão, lũ…

Hiện nay, có một thực tế là nhiều nhóm thiện nguyện nôn nóng, mong muốn đóng góp cho đồng bào bị ảnh hưởng của bão, lũ, muốn trao quà đến tận tay người dân bị thiệt hại nên tự di chuyển vào vùng nguy hiểm, nhưng do không thông thạo địa hình rất dễ xảy ra sự cố rủi ro. Thông qua tin tức từ báo chí, các cơ quan truyền thông cho thấy đã có trường hợp người đi cứu trợ bị lạc đường, lực lượng cứu hộ địa phương phải tìm kiếm; người đi cứu trợ bị thương, tử vong… làm cho hậu quả sau bão, lũ càng thêm đau thương.

Các địa phương bị thiệt hại do bão, lũ, hiện nay, vừa lo cứu nạn, cứu hộ, vừa lo điều phối, vận chuyển hàng cứu trợ, còn phải lo giữ gìn an ninh, trật tự, đảm bảo an toàn cho các đoàn thiện nguyện; đồng thời, phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa tội phạm lợi dụng từ thiện để hoạt động phạm tội…

Để giảm bớt áp lực cho các địa phương bị thiệt hại nặng nề do bão, lũ, khi đi cứu trợ, các đoàn thiện nguyện cần chú ý yếu tố an toàn. Bản thân người tham gia làm thiện nguyện phải an toàn, khỏe mạnh thì mới có thể cứu trợ cho người khác; phải có kiến thức, kỹ năng và sức khỏe để ứng phó với những rủi ro có thể xảy ra. Tránh trường hợp do phong tục tập quán khác nhau, do thiếu hiểu biết về thói quen ứng xử của từng vùng miền khác nhau mà gây ra sự hiểu nhầm trong thái độ, phong cách khi thực hiện công tác từ thiện. Từ đó, dẫn đến trường hợp đã làm từ thiện, mà còn làm tổn thương nhau, dù rất ít, nhưng cũng đã có xảy ra trên thực tế.

Điều hết sức cần thiết hiện nay là truyền tải thông tin chính xác về tình hình bão, lũ và hậu quả; lan tỏa thông tin tích cực trong công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, cứu trợ của các địa phương. Một ít trường hợp, vì muốn tạo sự chú ý trên cộng đồng mạng, đã đăng tải hình ảnh nhốn nháo, tranh giành quà từ thiện của người dân; hoặc người đưa tin “thiếu quan tâm” đến một chuỗi hành động đẹp của một tổ chức, cá nhân nào đó trong hành trình thiện nguyện, mà chỉ “săm soi” hình ảnh đúng vào khoảnh khắc người làm từ thiện có sơ hở dẫn đến cử chỉ, lời nói thiếu lịch sự, gây phản cảm, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam, tạo cơ hội cho kẻ xấu xuyên tạc.

Cần phải xác định rằng: Cứu trợ khẩn cấp là cần thiết, trong điều kiện nhất thời, bà con cần thức ăn nhanh, nước đóng chai, đèn pin, áo mưa, áo phao, sữa, tả và một số loại thuốc không phải bán theo đơn như dầu gió, thuốc nhỏ mắt, dung dịch vệ sinh phụ nữ, băng vệ sinh… Qua giai đoạn đó là sự tái thiết, hỗ trợ lâu dài mới thật sự quan trọng và cứu trợ thiết thực nhất là tiền, song song đó là hỗ trợ về y tế, vệ sinh môi trường, những vấn đề về “điện, đường, trường, trạm”, nhà ở cho người dân… 

Thiệt hại nặng nề, không thể khắc phục ngay mà phải mất nhiều thời gian và kinh phí. Bên cạnh nguồn lực từ Chính phủ, nguồn lực từ xã hội giữ vai trò hết sức quan trọng. Do đó, để cứu trợ thiện nguyện an toàn, thiết thực cần phải tỉnh táo, chung sức, yêu thương, cùng hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn để yêu thương đến được đúng nơi cần đến!

BÚT XANH


 

 

.
.
.