Để cán bộ không "né" trách nhiệm
Tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, một trong những vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn là tình trạng giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả thấp, đến hết tháng 9-2024 chỉ đạt 47,29% kế hoạch năm; nhiều bộ, ngành, địa phương có mức giải ngân dưới 20%.
Điều này tác động tiêu cực đến hiệu quả dự án, tăng trưởng kinh tế, gây lãng phí nguồn lực quốc gia, cơ hội phát triển.
Nguyên nhân là do thủ tục hành chính phức tạp, giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư gặp khó khăn, chậm trễ, tiến độ thi công chậm và đặc biệt là một bộ phận cán bộ còn sợ sai, “né” trách nhiệm, đùn đẩy đến các cấp.
Ở góc độ địa phương, thực trạng trên được chỉ ra cụ thể hơn. Chẳng hạn, tại Đồng Nai, trong cuộc họp mới đây, lãnh đạo tỉnh đã cho rằng, một trong những nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công thấp đến từ trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, người đứng đầu sở, ngành; đồng thời thẳng thắn khuyến cáo, cán bộ nào sợ trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ thì nên sớm làm đơn xin nghỉ.
Khuyến cáo trên cũng được lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Long An... thời gian gần đây đưa ra đối với đội ngũ cán bộ né tránh, sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm, dẫn đến không hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công.
Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn |
Giải ngân vốn đầu tư công được xem là mục tiêu trọng tâm trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; là ưu tiên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của các bộ, ngành, địa phương. Trách nhiệm trong thực hiện mục tiêu này được giao cho người đứng đầu, cán bộ thuộc ngành, lĩnh vực được xác định là yếu tố quan trọng, được đề cao.
Từ thực tế kết quả giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ cao tại Long An, Tiền Giang cho thấy kinh nghiệm là nhờ phát huy vai trò, trách nhiệm, sự tận tâm, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ. Cán bộ đứng đầu luôn thể hiện tính tiên phong, đồng hành, kịp thời có mặt ở các khâu từ lúc triển khai dự án, đôn đốc tiến độ thi công, điều chỉnh kế hoạch, điều chuyển vốn kịp thời...
Một vấn đề đặt ra là, việc giải ngân phải tuân thủ nhiều cơ chế, quy định, đòi hỏi phải thận trọng, chính xác, đúng pháp luật. Đây cũng là điều mà không ít cán bộ chủ chốt ở các bộ, ngành, địa phương e ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm khi quyết định “tiêu tiền”. Bởi vậy, việc bảo vệ, khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm cần được lãnh đạo các cấp quan tâm thỏa đáng.
Quán triệt sâu sắc Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị và Nghị định số 73/2023/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch và thành lập Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đề án đề xuất nhiều nhóm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ, tạo môi trường thuận lợi và sự yên tâm cho cán bộ tự tin phấn đấu, làm việc, cống hiến.
Thành phố cũng tiến hành xây dựng Đề án “Xây dựng nền công vụ TP Hồ Chí Minh hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024 - 2030”, nhằm xây dựng đội ngũ công chức nắm rõ chức năng, nhiệm vụ, phối hợp, liên thông, không để tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Đây được xem là cách làm hay cần nhân rộng, để bộ, ngành, địa phương nâng cao vai trò đội ngũ cán bộ, ngăn chặn việc né tránh, đùn đẩy, gây nhiều hệ lụy đối với sự phát triển.
(Theo www.qdnd.vn)