Thứ Năm, 17/10/2024, 08:44 (GMT+7)
.

Tham nhũng lấy một nhưng lãng phí có khi 'phá trăm, phá nghìn'

Nếu như tham nhũng là “lấy” thì lãng phí là “phá”, mà trong nhiều trường hợp hậu quả của chuyện “phá” còn nặng nề hơn rất nhiều và có khi ăn một mà phá mười, phá một trăm, một nghìn.

Một trong những thông điệp đáng chú ý trong bài viết mới đây của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về "Chống lãng phí" là: Cần thống nhất nhận thức đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp; là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp; có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng ta vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”.

Đây thực sự là chỉ đạo quan trọng và kịp thời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trong cuộc đấu tranh chống tệ lãng phí, kẻ đồng hành với tham nhũng cùng nhau phá hoại những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đổi mới và cũng là một trở lực ghê gớm trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

“Cặp song sinh” với tham nhũng

Từ trước đến nay tham nhũng và lãng phí luôn bị coi là những bệnh tật đã được Đảng và Nhà nước nhận diện và kiên quyết đấu tranh với nhiều biện pháp, giải pháp thích hợp trong từng thời kỳ cách mạng.

Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhắc lại những quan điểm tư tưởng của Bác Hồ cũng như các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, trong đó đều coi phòng, chống tham nhũng lãng phí là những nhiệm vụ hết sức quan trọng, cần phải tiến hành thường xuyên, liên tục.

Nhìn về phương diện thể chế, các văn bản về phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm chống lãng phí giống như một “cặp song sinh” bởi tính chất, mức độ, hậu quả và cả những biện pháp để đấu tranh phòng, chống những căn bệnh này cũng có nhiều điểm tương đồng, thậm chí trong một số trường hợp khó có thể bóc tách.

b

Hàng loạt căn hộ, biệt thự tại dự án Golden Hills City, Đà Nẵng, vốn đầu tư hơn 4.400 tỷ đồng được xây dựng xong phần thô rồi bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Ảnh Hồ Giáp

Năm 1998, khi Pháp lệnh Chống tham nhũng được ban hành thì cũng là lúc Pháp lệnh Thực hành, tiết kiệm chống lãng phí ra đời. Đến năm 2005 cả hai pháp lệnh này đều được nâng lên thành luật.

Ngay sau đó, một nghị quyết chuyên biệt đầu tiên của Đảng về vấn đề này đã được ban hành. Đó là Nghị quyết số 04 ngày 21/8/2006 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Điều này thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước trong cuộc đấu tranh chống tệ nạn tham nhũng, lãng phí.

Tham nhũng hay lãng phí cũng đều dẫn đến hậu quả mất tiền bạc, của cải, công sức của Nhà nước và nhân dân, phá hoại sự nghiệp đổi mới và cản trở sự phát triển đi lên của đất nước. Nếu như tham nhũng là “lấy” thì lãng phí là “phá”, mà trong nhiều trường hợp hậu quả của chuyện “phá” còn nặng nề hơn rất nhiều.

Thực tế vẫn còn đó những công trình nghìn tỷ hàng chục năm trời không được đưa vào sử dụng; các dự án treo ở những nơi đất vàng, đất bạc; những khoản vốn ngân sách bị sử dụng một cách bừa bãi. Và có cả những cuốn sách giáo khoa dùng một lần rồi bỏ bởi nó được “cải tiến, đổi mới” liên tục qua từng năm khiến cô trò và phụ huynh khốn khổ.

Rồi hội nghị, hội thảo phô trương, hình thức của những người chỉ thích “khai hội” như cách nói của Hồ Chủ tịch và những công trình, đề án nghiên cứu khoa học ngốn tiền tỷ mà kết quả chỉ để trên giá sách hay đưa vào lưu trữ...

Tệ hơn nữa là tình trạng “phá” để mà “lấy”. Có khi chỉ vì để được hưởng lợi “phần trăm, lại quả” cho cá nhân hoặc một nhóm người mà các công trình dù biết không hiệu quả vẫn cứ được phê duyệt thông qua. Chỉ vì những gục ngã trước cám dỗ của đồng tiền bẩn mà bỏ qua, thậm chí tiếp tay cho kẻ phạm pháp trốn hàng tỷ, hàng trăm hàng tỷ đồng tiền thuế… Đó chính là "ăn một mà phá mười, phá một trăm, một nghìn".

Nhiều, nhiều lắm, đâu đâu cũng thấy lãng phí. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở: “Tham ô có hại nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn: Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến”.

Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí

Thời gian vừa qua, chúng ta đã hành động mạnh mẽ và kiên quyết đối với tệ tham nhũng và đã đạt được những kết quả rất tích cực, mang lại niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiêm minh và công bằng của luật pháp.

Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng được thực hiện thường xuyên ở các ngành, các cấp. Tuy nhiên, cũng phải thấy dường như trong nhận thức của không ít người chưa thực sự thấy hết những tác hại ghê gớm của lãng phí để từ đó có thái độ và hành động kiên quyết nhằm ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tệ nạn này.

Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã chỉ rõ: “Lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Trong đó, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng nhấn mạnh đến việc xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí.

Đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc để trở thành nước phát triển, thu nhập cao, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì hơn lúc nào hết cần đẩy mạnh hơn nữa, có hiệu quả hơn nữa công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Có như thế mới bảo vệ và phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực của đất nước, bảo đảm cho sự phát triển bền vững vì sự nghiệp dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

TS Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế , Thanh tra Chính phủ

Theo VietNamNet

 

.
.
.