Thứ Bảy, 26/10/2024, 22:13 (GMT+7)
.

Trách nhiệm người đứng đầu với lạm thu trường học

Trên thực tế, việc lạm thu đầu năm thường xuất phát từ quỹ hội Cha mẹ học sinh...

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.


Vào mùa họp phụ huynh đầu năm học, câu chuyện lạm thu và vai trò ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) lại được xới lên, khi trên mạng xã hội xuất hiện một số bảng thu chi quỹ lớp với tổng số tiền trên dưới trăm triệu đồng. Sự việc nóng đến nỗi, có người còn đề nghị xóa bỏ ban đại diện CMHS tại các trường để tránh lạm thu.

Không thể phủ nhận, trên thực tế, việc lạm thu đầu năm thường xuất phát từ quỹ hội CMHS. Dù Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT quy định ban đại diện CMHS không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện, nhưng nhiều ban đại diện vẫn huy động tiền theo kiểu thiếu minh bạch, thường chia đều trên số lượng học sinh, gây khó khăn cho các gia đình tài chính eo hẹp, tạo bức xúc trong xã hội. Tuy vậy, cho rằng ban đại diện CMHS là nguyên nhân của lạm thu, cần xóa bỏ tổ chức này để chống lạm thu, thì lại chưa thỏa đáng. Bởi để lạm thu có đất sống, bên cạnh trách nhiệm của ban đại diện, phụ huynh, còn có vai trò rất lớn của người đứng đầu nhà trường.

Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT quy định rõ không sử dụng các khoản kinh phí của ban đại diện CMHS cho các mục đích liên quan đến bảo vệ cơ sở vật chất, an ninh, vệ sinh nhà trường, khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học, sửa chữa nâng cấp, xây dựng mới các công trình… Thế nhưng để giải quyết những nội dung trên, một số hiệu trưởng đã chủ trương thông qua ban đại diện CMHS để nối dài nguồn thu, không chỉ qua thu quỹ, mà còn thu các khoản tài trợ cho nhà trường.

Tình trạng lãnh đạo nhà trường chủ trương đường lối, rồi giao phó mọi việc cho ban đại diện CMHS, đến khi sự việc lạm thu xảy ra lại trả lời ban đại diện tự ý thu, nhà trường không hề biết, không phải chuyện hiếm. Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM từng khẳng định: “Hiệu trưởng chịu trách nhiệm toàn bộ các hoạt động trong trường kể cả hoạt động của ban đại diện CMHS. Không thể có việc ban đại diện CMHS thu, chi nội dung gì mà lãnh đạo nhà trường không biết. Nếu hiệu trưởng không nắm thì không nên giữ cương vị trên. Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm toàn diện và quản lý chặt chẽ tất cả hoạt động”.

Không nên vì tình trạng lạm thu diễn ra ở một số nơi mà đổ mọi trách nhiệm cho ban đại diện CMHS, rồi đòi xóa bỏ tổ chức này. Thực tế, ban đại diện CMHS vẫn là tổ chức rất cần thiết, cần tiếp tục được duy trì, để phối hợp với nhà trường nhằm đạt được mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh. Vấn đề quan trọng là phải chấn chỉnh lại hoạt động ban đại diện đúng theo tinh thần Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT, tiến tới sửa đổi thông tư để tạo điều kiện cho tổ chức này hoạt động hiệu quả. Trước mắt và lâu dài, cần đặc biệt có sự giám sát và chế tài thật nghiêm khắc với người đứng đầu nhà trường nếu để xảy ra tình trạng thu sai, chi sai.

Mới đây, Sở GD&ĐT TPHCM ban hành công văn chấn chỉnh việc tổ chức thực hiện thu, chi, vận động tài trợ và sử dụng kinh phí hoạt động của ban đại diện CMHS. Theo đó, lãnh đạo phòng GD&ĐT, hiệu trưởng các trường tại địa phương này nếu bị dư luận, báo chí phản ánh liên quan đến lạm thu phải tổ chức kiểm điểm cá nhân và người đứng đầu đơn vị, giải trình, xác định trách nhiệm sai phạm cụ thể. Trước đó, tại cuộc họp giao ban với UBND tỉnh, giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Nai cũng cho biết sẽ yêu cầu hiệu trưởng ký cam kết thực hiện đúng quy định về các khoản thu theo hướng dẫn của ngành. Nếu vi phạm, hiệu trưởng sẽ phải chịu trách nhiệm và không thể đổ lỗi cho ban đại diện CMHS.

Song song với việc nâng cao và truy trách nhiệm người đứng đầu, các cơ quan có thẩm quyền địa phương cần tiến hành định kỳ thanh kiểm tra thu chi tài chính tại mỗi trường học, đặc biệt lưu ý đến việc huy động sự ủng hộ các khoản tiền hội phí, tài trợ từ phụ huynh để chấn chỉnh kịp thời nạn lạm thu.

(Theo giaoducthoidai.vn)

.
.
.