.

Để tránh tụt hậu: Phải có thế hệ lãnh đạo tài năng và kỹ trị

Cập nhật: 10:10, 21/11/2024 (GMT+7)

Câu hỏi đặt ra là, tại sao chúng ta không đẩy lùi được “nguy cơ tụt hậu” về kinh tế như đã chỉ ra hơn 30 năm trước và “tụt hậu” cứ đeo đẳng chúng ta?

Phát biểu ở Quốc hội mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm nhận xét về kinh tế nước ta: "Nhìn vào thực chất cũng rất lo”.

Ông nói thêm, thấy tốc độ phát triển của thế giới mà “rất sốt ruột", "chúng ta không thể chậm được so với thế giới, so với những nước phát triển”.

Ông viết: “Tuy tốc độ tăng trưởng cao, song nguy cơ tụt hậu về kinh tế vẫn hiện hữu, nguy cơ kinh tế Việt Nam rơi vào bẫy thu nhập trung bình và khó tiệm cận với các nước đang phát triển”.

Những phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm là rất thẳng thắn, trách nhiệm và đầy trăn trở vì “tụt hậu xa hơn về kinh tế” đã được xác định là 1 trong 4 nguy cơ lớn nhất của nước ta từ Đại hội VII năm 1991, qua nhiều kỳ đại hội, đến nay.

Chúng ta muốn phát triển vượt bậc thì cần phóng tầm mắt ra xa, xem thế giới phát triển như thế nào, bằng phương cách gì, chứ không chỉ nhìn vào chính chúng ta hay nhìn lại để so sánh với chính mình trong quá khứ.

“Nhìn vào thực chất cũng rất lo”

Theo Ngân hàng Thế giới, năm 1990, GDP bình quân đầu người theo giá thực tế của thế giới là 4.168 USD và của Việt Nam là 98 USD, cách nhau 4.070 USD.

Đến năm 2023, GDP bình quân đầu người của thế giới là 13.138 USD và của Việt Nam là 4.346 USD, cách nhau 8.792 USD.

a
Tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta đã chững lại. Ảnh: Phạm Hải

Vẫn biết, tăng trưởng kinh tế cao giúp Việt Nam thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia. Tuy nhiên, sẽ còn rất lâu chúng ta mới theo kịp với mức trung bình của thế giới.

Theo kỉ yếu Hội thảo khoa học quốc gia “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”, trong 15 năm trở lại đây, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ tăng 1.600 USD, trong khi Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc tăng lần lượt là 3.600 USD, 6.500 USD và 16.000 USD. 

Xét về quy mô, tổng GDP của Việt Nam chỉ tăng 160 tỷ USD, trong khi Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc tăng tương ứng là 270, 200, 700 và 850 tỷ USD. Điều này cho thấy, mặc dù GDP của nước ta nằm trong số cao của thế giới, nhưng số tuyệt đối này rất nhỏ và khoảng cách của Việt Nam so với các nước vẫn còn xa.

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta đã chững lại.

Mười năm lần thứ nhất (1991-2000) tốc độ tăng GDP bình quân là 7,56%; 10 năm lần thứ hai (2001-2010) là 6,61%; 10 năm lần thứ 3 (2011-2020) đạt 6%. Trong 3 năm qua, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt hơn 5,2% và vì vậy, nếu muốn tăng trưởng đạt mục tiêu 7% thì năm 2024 và 2025 tăng trưởng phải đạt gần 9%. Đây là tốc độ ngoài tầm với bởi các động lực tăng trưởng đã co lại.

Nhìn sang các quốc gia Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, họ đã từng có giai đoạn phát triển thần kỳ 2 con số trong suốt hơn thập kỷ.

Nhà kinh tế Trần Sỹ Chương giải thích: Muốn nền kinh tế phát triển cần xem định luật máy bay cất cánh. Máy bay không thể chạy từ từ rồi cất cánh mà phải có gia tốc để trong vòng 1 cây số phải cất cánh, nếu không thì không cất cánh được, thậm chí còn xuống hố. Với nền kinh tế thì hố là bẫy thu nhập trung bình.

Cần có các nhà lãnh đạo năng động

Bẫy thu nhập trung bình cũng đang giăng ra nếu xét ở góc độ mức chuẩn GNI/người của Ngân hàng Thế giới liên tục được nâng cao thêm hằng năm.

Năm 2024, để trở thành nước thu nhập trung bình cao mức GNI/người phải đạt là 4.466-13.845 USD và để trở thành nước thu nhập cao, mức GNI/người phải đạt là trên 14.000 USD.

Theo kỉ yếu Hội thảo khoa học quốc gia “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”, năm 2023, GNI/người của Việt Nam đạt mức 4.180 USD, còn khoảng cách xa so với chuẩn thu nhập trung bình cao.

Kenichi Ohno, Giáo sư danh dự, Viện nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản (GRIPS) nhận xét rằng, có rất nhiều biểu hiện về việc Việt Nam mắc bẫy thu nhập trung bình như tăng trưởng chậm lại ở mức trung bình; thiếu kỹ sư, nhà đổi mới và nhà khoa học có tay nghề cao; năng suất lao động và TFP ở mức trung bình; phụ thuộc nhiều vào FDI và tham gia mờ nhạt vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Bẫy thu nhập trung bình là tình huống một nước bị mắc kẹt tại mức thu nhập nhất định do hạn chế về nguồn lực và lợi thế, và không thể vượt quá ngưỡng đó.

Ông Ohno cho rằng, tăng trưởng dựa vào FDI, hỗ trợ các dự án lớn, dựa vào tài nguyên… rồi sẽ đến hồi kết thúc. Nguồn lực cho sự phát triển đích thực là tạo ra giá trị được thực hiện bởi người dân và doanh nghiệp của quốc gia.

Các quốc gia có thể đạt mức thu nhập trung bình nhờ tự do hóa, tư nhân hóa và hội nhập quốc tế, nhưng đạt mức thu nhập cao hơn đòi hỏi nỗ lực chính sách để kích thích sự năng động của khu vực tư nhân.

Tuy từ năm 2008 Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp, nhưng nếu không có đường lối, chính sách mang tính đột phá thì thời gian đuổi kịp các nước trong khu vực về thu nhập bình quân đầu người sẽ kéo rất dài.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao chúng ta không đẩy lùi được “nguy cơ tụt hậu” về kinh tế như đã chỉ ra hơn 30 năm trước và “tụt hậu” cứ đeo đẳng chúng ta?

Việt Nam có thể vươn lên từ mức thu nhập trung bình cao đến mức thu nhập cao vào năm 2045 hay không. Đâu là điều kiện để Việt Nam tránh được bẫy thu nhập trung bình và tiếp tục phát triển bền vững trong hai thập niên tới?

Xin trích dẫn hai gợi ý quan trọng của GS Ohno khi phát biểu trước nhiều nhà hoạch định chính sách và các học giả Việt Nam ở trường Đại học Kinh tế Quốc dân: Việt Nam cần có các nhà lãnh đạo năng động, khôn ngoan về kinh tế và đích thân chỉ đạo các chính sách (quản lý từ trên xuống); và các nhà kỹ trị có năng lực, tận tâm và trong sạch đối với việc thực thi chính sách (khả năng từ dưới lên).

Theo vietnamnet.vn
 

 

.
.
.