Chủ Nhật, 10/11/2024, 11:10 (GMT+7)
.

Diễn đàn chủ nhật: Để ngăn chặn tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Việc bảo hộ quyền SHTT sẽ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ tại các quốc gia đang phát triển. Các quyền SHTT cũng là nhân tố chính trong rất nhiều ngành kinh tế, bảo đảm tăng trưởng các hoạt động giá trị gia tăng và phát triển thương mại quốc tế.

Tại Việt Nam, những năm gần đây, số vụ vi phạm quyền SHTT có dấu hiệu gia tăng. Theo thống kê của Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia), số vụ vi phạm về hàng giả, xâm phạm quyền SHTT năm 2023 là hơn 4.000 vụ, tăng hơn 126% so với năm 2022. Một trong những nguyên nhân khiến số vụ vi phạm về SHTT tăng là do việc xử lý vi phạm pháp luật về SHTT của các cơ quan chức năng còn bộc lộ nhiều bất cập.

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh minh họa: vneconomy.vn
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh minh họa: vneconomy.vn

Điều 59 Luật Thanh tra năm 2022 quy định: Đối với cuộc thanh tra theo kế hoạch, quyết định thanh tra phải được gửi đến đối tượng thanh tra và công bố chậm nhất là 15 ngày trước ngày tiến hành thanh tra trực tiếp. Đối với cuộc thanh tra đột xuất, quyết định thanh tra phải được gửi đến đối tượng thanh tra và công bố trước khi tiến hành thanh tra trực tiếp, trừ trường hợp phát hiện hành vi vi phạm cần phải tiến hành thanh tra ngay thì việc công bố quyết định thanh tra có thể được thực hiện sau khi lập biên bản về hành vi vi phạm của đối tượng thanh tra.

Luật quy định là vậy nhưng thực tế hiện nay trong lĩnh vực SHTT, trước khi tiến hành thanh tra, xác minh hành vi vi phạm thì các đoàn thanh tra thường thông báo mốc thời gian đến làm việc cho đơn vị được thanh tra biết. Điều này chẳng khác nào đánh động trước, tạo cơ hội cho đơn vị vi phạm tiến hành tẩu tán tang vật. Cùng với đó, chế tài xử phạt còn nhẹ và khó xác định mức bồi thường thiệt hại.

Cụ thể, tại Điều 16 Nghị định số 97/2010/NĐ-CP ngày 21-9-2010 quy định: Thanh tra viên thuộc Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ đang thi hành công vụ có quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 2 triệu đồng. Mức quy định này là quá thấp so với thực tế giá trị tang vật, phương tiện vi phạm SHTT hiện nay có thể lên tới nhiều tỷ đồng. Thêm nữa, có những vụ kiện vi phạm SHTT kéo dài nhiều năm, khiến không ít doanh nghiệp nản lòng đành bỏ cuộc. Còn những doanh nghiệp theo đuổi vụ kiện đến cùng phải bỏ ra nhiều kinh phí, nhưng khi nhận mức bồi thường lại chẳng thấm vào đâu.

Để ngăn chặn các vi phạm pháp luật về SHTT, Nhà nước cần tăng mức xử phạt đối với những hành vi xâm phạm quyền SHTT; rút ngắn thời gian xử lý vụ việc; không giới hạn giá trị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Khi tiến hành thanh tra, xác minh các vi phạm pháp luật về SHTT, các đoàn thanh tra không thông báo trước cho đơn vị vi phạm để tránh việc đơn vị vi phạm tẩu tán tang vật. Đặc biệt, những cán bộ thanh tra cần thực sự liêm khiết, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm. Cùng với đó, cần có chế tài để tránh việc lạm quyền trong tổ chức thanh tra của đội ngũ thực thi công vụ, ngăn chặn việc hình thành lợi ích nhóm giữa người đi thanh tra và đối tượng được thanh tra.

(Theo www.qdnd.vn)

.
.
.