Bịt "lỗ hổng" quản lý karaoke kiểu mới
Vụ cháy ở quán cà phê trên phố Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) khiến 11 người chết mới đây làm bàng hoàng dư luận. Nhiều người băn khoăn không hiểu tại sao một quán cà phê nhỏ mà lại có nhiều người chết như vậy.
Một trong những nguyên nhân gây ra hậu quả thiệt hại nặng nề về người được xác định đây là quán cà phê kinh doanh dịch vụ “hát cho nhau nghe”. Thời điểm đám cháy bùng phát, trong quán có tới 20 người. Sự việc bộc lộ những lỗ hổng nghiêm trọng trong quản lý các dịch vụ vui chơi, giải trí.
Trước tình trạng các quán karaoke thường xuyên xảy ra các vụ cháy nghiêm trọng trên khắp cả nước, lực lượng chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là điều kiện phòng cháy, chữa cháy của các quán karaoke. Hàng loạt cơ sở không đủ điều kiện đã chuyển đổi hình thức kinh doanh. Điển hình như tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), 100% quán karaoke đã đóng cửa, hoặc chuyển đổi sang hình thức kinh doanh khác.
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố từ chỗ có hơn 1.000 quán karaoke, nay chỉ còn hơn 80 cơ sở đăng ký hoạt động chính thức. Tuy nhiên, thay vì chuyển đổi hoàn toàn sang hình thức kinh doanh khác, nhiều cơ sở đã chuyển sang dịch vụ “hát cho nhau nghe”. Đây thực chất là kinh doanh cà phê, nhà hàng ăn uống có tổ chức hát tương tự như hát karaoke (cung cấp âm thanh, ánh sáng, nhạc và lời bài hát hiển thị trên màn hình), nhưng không thu phí dịch vụ hát mà thu vào tiền món ăn, đồ uống và dịch vụ khác.
Hiện trường vụ cháy. |
Về mặt pháp lý, do các cơ sở này đăng ký kinh doanh dịch vụ ăn uống, không thu phí dịch vụ hát cho nên không thể coi là kinh doanh karaoke. Loại hình hoạt động “hát cho nhau nghe” hiện nay được quản lý theo Khoản 2, Điều 8, Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14-12-2020 của Chính phủ, Quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, thuộc loại hình tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí, nhà hàng, nhưng không bán vé xem biểu diễn. Nhiều người gọi đây là loại hình karaoke kiểu mới. Song, vấn đề nan giải hiện nay là việc phòng cháy, chữa cháy tại các nhà hàng ăn uống được quy định tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CP lại chưa bao quát được những vấn đề đặt ra đối với dịch vụ kinh doanh “hát cho nhau nghe”.
Những quy định này chỉ áp dụng với trường hợp các nhà hàng ăn uống nói chung, chứ chưa phù hợp với loại hình karaoke kiểu mới. Khoảng trống pháp lý này khiến cơ quan chức năng gặp khó trong quản lý.
Mặc dù số lượng cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke tại Hà Nội giảm tới hơn 90% so với vài năm trước đây, nhưng nhu cầu thực tế của xã hội đối với hoạt động vui chơi, giải trí là rất lớn và những dịch vụ “hát cho nhau nghe” đang thiếu các quy định cần thiết để quản lý phòng cháy, chữa cháy phù hợp. TP Hà Nội cũng chưa có thống kê chính thức về số lượng những cơ sở này.
Trong khi đó, hoạt động của những cơ sở kinh doanh này phát sinh nhiều hệ lụy. Nếu tổ chức biểu diễn không có phòng riêng cách âm, sẽ gây tiếng ồn ảnh hưởng đến cuộc sống người dân chung quanh; nếu có, thì lại xảy ra những nguy cơ rất cao về an toàn phòng, chống cháy nổ, do phòng cách âm thường làm bằng vật liệu dễ cháy. Vụ cháy tại quán cà phê “hát cho nhau nghe” tại đường Phạm Văn Đồng vừa qua chính là một lời cảnh tỉnh.
Xã hội ngày một phát triển, nhu cầu tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí là rất lớn, trong đó, gồm cả karaoke kiểu cũ và cả karaoke kiểu mới, tức loại hình “hát cho nhau nghe”. Bởi vậy, các cơ quan chức năng cần khẩn trương bổ sung, hoàn thiện những quy định về bảo đảm an ninh, an toàn của những cơ sở kinh doanh ăn uống kết hợp dịch vụ “hát cho nhau nghe”. Nếu không có biện pháp kịp thời, những vụ cháy với hậu quả khôn lường sẽ có nguy cơ tái diễn.
Theo nhandan.vn