.

Nếu như bớt được cảnh "một người đạp ga, ba người đạp thắng"

Cập nhật: 19:45, 19/12/2024 (GMT+7)

Nếu ví nền kinh tế đất nước như chiếc xe đang chạy thì cần kiên quyết gỡ bỏ những “quả tạ” đang đeo dưới bánh khiến xe chạy cà rịch cà tang không tăng tốc nổi. Đây là hậu quả từ việc bộ máy quá đông nhưng người làm thật sự thì ít, nói theo kiểu dân gian là “một người đạp ga, ba người đạp thắng”.

Ảnh minh họa.Ảnh:lsvn.vn
Ảnh minh họa.Ảnh:lsvn.vn

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kết luận thanh tra việc thực hiện trách nhiệm công vụ trong giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế - là hai bộ liên quan mật thiết đến đời sống hàng ngày của người dân. Theo kết luận thanh tra, tình trạng chậm trễ trong cung cấp dịch vụ công tại hai bộ này rất phổ biến và xảy ra trong thời gian dài.

Theo cơ quan thanh tra, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa xây dựng được quy trình điện tử giải quyết thủ tục hành chính tại phần mềm hệ thống thông tin một cửa điện tử theo quy định. Việc tổ chức bộ phận một cửa và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông còn yếu kém. Công chức được cử làm việc ở bộ phận một cửa nhưng không làm việc thường xuyên tại đây. Đáng chú ý, theo cơ quan thanh tra, việc yêu cầu người dân, doanh nghiệp bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, giấy tờ ngoài danh mục thành phần hồ sơ quy định đã gây bức xúc, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp phải đi lại, giải trình, bổ sung nhiều lần, tiềm ẩn nguy cơ sách nhiễu(1).

Tại Bộ Y tế, trong 20 thủ tục hành chính thì có 19 thủ tục hành chính hồ sơ giải quyết quá hạn, 10 thủ tục hành chính quá hạn trên 50%, một số thủ tục hành chính quá hạn từ 89-90%. Đáng chú ý, một số thủ tục hành chính có hồ sơ quá hạn bình quân trên… 400 ngày. Một số hồ sơ có thời gian từ khâu tiếp nhận đến thẩm định, yêu cầu bổ sung mất từ 2-4 năm, trong khi quy định xử lý chỉ trong ba ngày làm việc(2).

Việc chậm giải quyết các thủ tục hành chính này một lần nữa nhắc nhở tình trạng thừa mà thiếu người (thiếu người chuyên trách có chuyên môn và thẩm quyền giải quyết) nơi các cơ quan quản lý nhà nước, thủ tục rườm rà, chồng chéo mà các kênh truyền thông lâu nay đã nói tới. Cách đây một tuần, ở cuộc hội thảo khoa học phân quyền, phân cấp trong cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, do Bộ Nội vụ phối hợp với Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam tổ chức, ông Lê Doãn Hợp - nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông - đưa ra số liệu cho thấy, ở Việt Nam 9-10 người dân “nuôi” 1 người hưởng lương ngân sách (tỷ lệ 9:1 - 10:1), trong khi ở Trung Quốc tỷ lệ này là 170:1, Nga là 200:1, Mỹ 400:1 còn Nhật Bản 700:1(3).

Trước đó, trong kỳ họp tháng 10 của Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, hiện ngân sách đang chi khoảng gần 70% để trả lương, chi thường xuyên, như vậy sẽ không còn tiền chi cho đầu tư phát triển. Trong khi đó các nước khác mức chi có hơn 40%, ít nhất phải được trên 50% ngân sách để phục vụ cho phát triển, cho quốc phòng, an ninh, giáo dục, y tế, an sinh xã hội. Tổng Bí thư cũng lý giải thêm nguyên nhân khó tăng lương, vì tăng lương trong khi bộ máy khổng lồ sẽ dẫn đến chi ngân sách có thể lên đến 80-90%, không còn tiền để làm các hoạt động khác(4).

Và nay khi đợt tổng sắp xếp bộ máy các cơ quan nhà nước đang tiến hành là thời điểm để sắp xếp lại bộ máy nhân sự quản lý nhà nước được gọn gàng và vận hành hiệu quả. Do đó, rất cần thiết phải xem xét lại nhiệm vụ, chức năng do các bộ, ngành, các cấp địa phương quản lý trực tiếp. Từ đó phân cấp và xây dựng quy định số lượng tối đa công chức, viên chức trong mỗi ngành, lĩnh vực, địa phương tính theo dân số, có tính đến đặc thù các khu vực hẻo lánh dân cư thưa thớt nhằm tránh tình trạng bộ máy lại phình to trở lại.

Và điều không thể bỏ qua là việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính và đẩy mạnh áp dụng công nghệ vào quy trình tiếp nhận và xử lý các loại hồ sơ. Đây phải là một công cụ hỗ trợ tích cực cho các cán bộ công chức, giúp họ tăng hiệu suất xử lý hồ sơ, thủ tục. Việc rà soát bỏ bớt các thủ tục không cần thiết, tinh gọn các loại giấy tờ nếu được làm tận lực, đến nơi đến chốn thì các khâu làm việc của cán bộ công chức phụ trách cũng hiệu quả hơn, người dân và doanh nghiệp nhờ đó cũng cất được nhiều gánh nặng hoang phí thời gian, nguồn lực, thoát cảnh “một người đạp ga, ba người đạp thắng”.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.