Lấp khoảng trống phim lịch sử
Ngày 4-4, dự án phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" sẽ ra mắt khán giả. Không chỉ là tác phẩm chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bộ phim của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên còn được kỳ vọng góp phần lấp khoảng trống trong dòng phim lịch sử, vốn khan hiếm nhiều năm qua.
Sau cơn sốt bất ngờ của Đào, phở và piano (đạo diễn, NSƯT Phi Tiến Sơn) đầu năm 2024, khán giả từng kỳ vọng Vầng trăng thơ ấu (đạo diễn, NSƯT Hồ Ngọc Xum) ra mắt hè 2024, nhưng phim vẫn “nằm kho” do khâu phát hành.
Năm nay hứa hẹn khởi sắc hơn khi ngoài Địa đạo, còn có Mưa đỏ (đạo diễn, NSƯT Đặng Thái Huyền) và Ký ức điệu Nam xuân (đạo diễn, NSƯT Hồ Ngọc Xum). Ba phim lịch sử ra mắt trong một năm có thể xem là số nhiều nếu đặt trong bối cảnh thị trường những năm qua. Tuy nhiên, khi đặt trong phép đối sánh với dòng phim thị trường đủ các thể loại kinh dị, hài, tình cảm… với khoảng 30-40 phim ra mắt mỗi năm, con số này quá ít.
Các nhà sản xuất ngại làm phim lịch sử là chuyện ai cũng biết. Ngoài kinh phí lớn, áp lực từ dư luận cũng khiến họ e dè. Bài toán đặt ra là làm sao cân bằng giữa tính chân thực và sức hấp dẫn của một tác phẩm điện ảnh, tránh thất bại như Huyền sử vua Đinh (2022).
Theo tiết lộ, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên mất 10 năm ấp ủ Địa đạo, có lúc tưởng chừng không thể thực hiện một phần vì kinh phí, khi nhiều dự án lớn như Chiến thắng Bạch Đằng Giang, Hai Bà Trưng, Sơn Tinh - Thủy Tinh... từng được lên kế hoạch nhưng nằm trên giấy cả thập niên. May mắn, ê kíp tìm được những nhà đầu tư Địa đạo, không đặt nặng lợi nhuận. Nhà đầu tư Nguyễn Thành Nam chia sẻ: “Chúng ta không thể tiến đến tương lai nếu không hiểu rõ lịch sử”.
Không chỉ do sự thận trọng và rụt rè hiển nhiên của các nhà làm phim tư nhân, dòng phim lịch sử còn thiếu hụt từ chính các hãng phim nhà nước. Sau khủng hoảng hậu cổ phần hóa, Hãng Phim truyện I, từng là cánh chim đầu đàn của điện ảnh cách mạng Việt Nam, gần như không còn sản xuất phim đều đặn. Từ năm 2019 đến nay, ngoài Đào, phở và piano, hãng chỉ có thêm Lính chiến, nhưng tác phẩm này lại nghiêng về thời hậu chiến.
Ở phía Nam, Công ty cổ phần Phim Giải phóng (tiền thân là Hãng phim Giải phóng) cũng dần chuyển hướng sang các đề tài tâm lý - xã hội với các phim như: Phơi sáng, Cơn giông… Thực trạng phim lịch sử vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng khiến nhiều người trăn trở. Không thể nói khán giả Việt quay lưng với thể loại này, bởi các tác phẩm nước ngoài từ Hollywood, Hàn Quốc… vẫn được đón nhận ở Việt Nam.
Nhiều người ao ước đến khi nào điện ảnh Việt mới có những bộ phim xứng tầm với bề dày lịch sử dân tộc. Điều này càng đáng tiếc khi trong quá khứ, điện ảnh Việt từng sản xuất nhiều tác phẩm kinh điển như: Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Hà Nội mùa Đông năm 46, Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng, Nổi gió, Bao giờ cho đến tháng Mười, Hà Nội 12 ngày đêm, Em bé Hà Nội, Ngã ba Đồng Lộc, Đừng đốt, Những người viết huyền thoại…
TPHCM đang tổ chức bình chọn 50 tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu, hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ở lĩnh vực điện ảnh, nhiều bộ phim kinh điển như: Cánh đồng hoang, Ván bài lật ngửa, Xa và gần, Biệt động Sài Gòn… góp mặt trong danh sách, một sự tôn vinh xứng đáng. Điều này cũng đặt ra trách nhiệm cho thế hệ nhà làm phim hôm nay: không chỉ làm phim về quá khứ, mà còn hướng đến tương lai.
TPHCM cũng đang xét duyệt hồ sơ tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) trong lĩnh vực điện ảnh. Hiện thực hóa giấc mơ về một thành phố điện ảnh rất cần sự chung tay của cả cộng đồng. Xã hội hóa điện ảnh đã thành công tại TPHCM, nhưng để tạo dấu ấn mạnh mẽ hơn, nhất là với dòng phim lịch sử, sự phối hợp chặt chẽ trong hợp tác công - tư rất quan trọng, cần thiết.
Theo sggp.org.vn