Tài sản công dôi dư sẽ "đi" về đâu?
Việc tinh gọn tổ chức bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, bỏ cấp huyện là quyết định lịch sử, tạo không gian phát triển cho đất nước vươn mình, hướng tới giàu mạnh và hùng cường. Trong khối lượng công việc khổng lồ, phức tạp, nhạy cảm mà chúng ta đang làm, không thể không nói đến số tài sản công dôi dư, nhất là công sở sẽ “đi” về đâu, sử dụng như thế nào để không lãng phí, thất thoát. Tìm lời đáp cho vấn đề này không hề đơn giản.
![]() |
Quản lý và sử dụng hợp lý công sở dôi dư sau sắp xếp là đòi hỏi cấp bách. Ảnh: MỸ HÀO |
Theo dự kiến số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau sáp nhập còn hơn 50%; gần 700 đơn vị hành chính cấp huyện không còn nữa; 10.035 đơn vị cấp xã cũng giảm còn khoảng 30%-40%. Như vậy là sẽ có hàng nghìn công sở dôi dư và số lượng rất lớn phương tiện, trang bị làm việc, từ bàn ghế đến máy móc và nhiều tài sản có giá trị khác được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước cần có phương án xử lý hiệu quả, không để lãng phí, thất thoát.
“Cha chung” ai cũng phải khóc
Chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp, gồm cấp tỉnh và cấp xã là một cuộc cách mạng với quy mô chưa từng có. Các cơ quan Trung ương gương mẫu làm trước, cán bộ, công chức, viên chức các bộ, ngành... đã về ngôi nhà chung sau hợp nhất, nhưng nhiều trụ sở làm việc vẫn đang “nằm lại phía sau”. Cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã cũng đang nghe ngóng quyết định từ Trung ương. Dự kiến ngày 1/7 tới, cấp xã sau sáp nhập sẽ đi vào hoạt động; đối với cấp tỉnh là từ ngày 30/8/2025.
Trong khi chúng ta “vừa chạy vừa xếp hàng”, dồn sức cho nhiều việc phải hoàn thành sớm, trước mắt là sửa đổi luật, nghiên cứu, lấy ý kiến các cấp, các ngành, địa phương, hoàn thiện đề án sáp nhập đơn vị hành chính, đặc biệt là việc tinh giản, sắp xếp cán bộ để ai có thể tiếp tục công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn phát triển mới của đất nước; ai nằm trong danh sách dôi dư và chế độ, chính sách đối với họ như thế nào. Việc tính toán, sử dụng tài sản công, nhất là công sở dôi dư chưa được quan tâm đúng mức trong lúc này.
Vấn đề sáp nhập đơn vị hành chính trước đây chúng ta đã làm và số tài sản, công sở dôi dư được các ngành, địa phương liên quan cố gắng xử lý bằng cách chuyển mục đích sử dụng. Nhưng nhiều nơi không tránh khỏi lãng phí, thất thoát, thậm chí có nơi công sở bị bỏ không trong thời gian dài. Trụ sở làm việc của một số tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh có diện tích rộng, xây dựng kiên cố, nhiều nhà làm việc, hội trường, nhà phục vụ, được sử dụng cho một số cơ quan với số lượng cán bộ công chức, viên chức không nhiều. Đó là chưa kể đến hàng loạt công sở của các sở, ngành cấp tỉnh, rồi trụ sở làm việc cấp xã cũng trong tình trạng tương tự. Khó nhất là công năng của trụ sở mỗi cấp mỗi khác; nhiều nơi muốn sử dụng được, “chủ mới” phải bỏ một khoản kinh phí nhất định để cải tạo.
Để tài sản công dôi dư không lãng phí, thất thoát, thiết nghĩ “việc cần làm ngay” khi các tổ chức chưa có đủ thời gian giải quyết là mọi cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức cần có ý thức cao trong việc quản lý, bảo quản, bảo đảm mọi trang thiết bị không bị hư hỏng, mất mát; công sở không bị bỏ không. Ai cũng phải trân trọng, bảo vệ tài sản công như tài sản của chính mình, tránh kiểu “cha chung không ai khóc”.
Lúc này càng phải thấm nhuần lời dặn của Bác Hồ kính yêu: “Phải quý trọng của công: Tất cả cái ăn, cái mặc, cái dùng của các cô, các chú là mồ hôi nước mắt của đồng bào. Phải tiết kiệm, giữ gìn, không được lãng phí”. (Hồ Chí Minh toàn Tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, tập 9, H. 2011, trg 221).
Để lãng phí, thất thoát là có tội với dân
Thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo rất quyết liệt theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, nhưng không được nóng vội, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ nặng nề này một cách triệt để, toàn diện. Trong bài viết Chống lãng phí, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra tác hại và các giải pháp để chữa trị căn bệnh lãng phí. Đây là vấn đề cần quán triệt thật tốt khi tinh gọn tổ chức bộ máy và sáp nhập đơn vị hành chính theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Dù chưa mang lại kết quả như mong muốn, nhưng việc xử lý tài sản công, nhất là công sở dôi dư khi sáp nhập các đơn vị hành chính trước đây cho chúng ta nhiều kinh nghiệm, kể cả những việc chưa làm được. Ngay từ bây giờ, trong quá trình chuẩn bị sáp nhập đơn vị hành chính, cần tính đến việc quản lý tài sản công dôi dư, nhất là các trang thiết bị hiện đại, đắt tiền để có thể tiếp tục sử dụng khi bộ máy mới sau sáp nhập đi vào hoạt động, hạn chế tối đa mua sắm mới. Các đơn vị cần tổng kiểm kê tài sản đến khi hoàn tất việc sáp nhập. Đối với tài sản dôi dư hoặc phải xử lý thì lập hồ sơ báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định. Việc bàn giao, tiếp nhận phải công khai, minh bạch và đầy đủ.
Các cơ quan sau sáp nhập chịu trách nhiệm quản lý và tìm cách chuyển đổi mục đích sử dụng công sở dôi dư của tỉnh, thành phố, huyện. Trong đó nhiều trụ sở làm việc của huyện và các ban, ngành cùng cấp có thể giao cho xã sử dụng làm nơi làm việc. Đối với công sở của tỉnh, các sở, ban, ngành cần được tính toán kỹ lưỡng, hợp lý để tránh tình trạng bỏ không lâu ngày, đây là khối lượng tài sản lớn nhưng rất khó chuyển đổi mục đích sử dụng vì công năng hoàn toàn khác. Một số ý kiến cho rằng có thể giao cho các trường học, hoặc bệnh viện sử dụng.
Chủ trương chống lãng phí nói chung, lãng phí tài sản công nói riêng luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm từ trước đến nay. Nhưng tình trạng lãng phí vẫn còn diễn ra khá phổ biến, làm suy giảm nguồn lực con người, tài chính, giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, là rào cản vô hình trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Trong bối cảnh giao thời hiện nay, khi các cấp đang trong quá trình sáp nhập, giải thể (cấp huyện), công tác quản lý tài sản công vốn đã khó lại càng khó hơn, bởi tính chất của công việc, bởi nhiều cán bộ, công chức, viên chức bị tư tưởng sáp nhập chi phối mà xao nhãng công việc, thậm chí thiếu ý thức trong quản lý, không quý trọng tài sản công. Hơn bao giờ hết các cấp ủy, cơ quan cần xác định không để tài sản công dôi dư lãng phí, thất thoát là nhiệm vụ cấp bách; quán triệt đến mọi cán bộ, công chức, viên chức, thực hiện nghiêm Quy định số 189, ngày 8/10/2024 của Bộ Chính trị quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2025 ban hành theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 31/12/2024.
Theo nhandan.vn