Việt Nam – Mỹ Latinh: Đối tác thương mại, đầu tư vì phát triển
Ảnh: TTXVN |
Diễn đàn Việt Nam – Mỹ La-tinh về Thương mại và Đầu tư vừa được khai mạc sáng 5-7, tại Hà Nội. Diễn đàn nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư chặt chẽ hơn nữa giữa Việt Nam và Mỹ Latinh, về sự phát triển và thịnh vượng chung
Phát biểu khai mạc sự kiện thúc đẩy thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ Latinh có quy mô lớn nhất từ trước tới nay này, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết: Quan hệ chính trị, hữu nghị truyền thống tốt đẹp và không ngừng phát triển đã tạo tiền đề và nền tảng vững chắc cho việc mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latinh, nhất là trên các lĩnh vực thương mại và đầu tư.
Tuy nhiên, tiềm năng hợp tác giữa hai bên còn rất lớn, có nhiều điều kiện thuận lợi để đưa quan hệ hợp tác Việt Nam – Mỹ Latinh phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế, thương mại đầu tư, sao cho tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp giữa Việt Nam – Mỹ Latinh.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã chủ động đề xuất ý tưởng tổ chức diễn đàn và được các bạn Mỹ Latinh hưởng ứng mạnh mẽ. Diễn đàn này sẽ thảo luận 3 nội dung: “Môi trường kinh doanh và đầu tư Việt Nam – Mỹ Latinh”; “Kết nối giao thông, hậu cần, viễn thông và dịch vụ Việt Nam- Mỹ Latinh” và “Đối tác nông nghiệp và năng lượng Việt Nam – Mỹ Latinh”.
Tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Trong chính sách đối ngoại mở rộng, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam luôn coi trọng và quyết tâm phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước Mỹ Latinh, đưa các mối quan hệ đó ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, phục vụ tích cực cho công cuộc phát triển của Việt Nam cũng như các nước Mỹ Latinh, đóng góp vào hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.
Khai thác và chế biến dầu khí là một trong các thế mạnh mà Việt Nam và Mỹ Latinh có thể bổ sung cho nhau. Ảnh: Internet. |
Việt Nam mong muốn và sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác, đầu tư trong các lĩnh vực dầu khí, năng lượng, sản xuất hàng tiêu dùng, hàng nông thủy sản và cũng có nhu cầu nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu từ các nước Mỹ Latinh. Việt Nam tin tưởng rằng các bạn Mỹ Latinh sẽ tích cực tham gia và trở thành một phần quan trọng trong công cuộc phát triển của Việt Nam, đồng thời Việt Nam cũng sẵn sàng tham gia vào cuộc cuộc phát triển của các bạn Mỹ Latinh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh và đánh giá cao việc hai bên tổ chức Diễn đàn này. Đây là lần đầu tiên, một sự kiện quy mô lớn giữa hai bên được tổ chức, mở ra nhiều cơ hội và triển vọng to lớn để chúng ta cùng nhau phát triển mối quan hệ truyền thống, tốt đẹp sẵn có trở thành mối quan hệ đối tác toàn diện vì hòa bình và phát triển.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị: Các đại diện của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp các bên tại Diễn đàn này thảo luận để tìm hiểu đối tác, tiềm năng, cơ hội và môi trường đầu tư kinh doanh của mỗi bên; trên cơ sở đó, hình thành ý tưởng, định hướng chính sách, cơ chế hợp tác, thỏa thuận đầu tư, kinh doanh cụ thể.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tin tưởng khẳng định: “Tuy cách xa về địa lý song Việt Nam luôn coi các nước Mỹ Latinh là những người bạn gần gũi, đoàn kết và hữu nghị. Chúng ta đang đứng trước cơ hội to lớn để phát triển kinh tế - xã hội. Khát vọng dân tộc về độc lập – tự do cùng với khát vọng về hợp tác vì hòa bình và phát triển sẽ là sợi dây tinh thần vững chắc gắn bó chúng ta hơn nữa trong tương lai”.
Khu vực Mỹ Latinh có hơn 570 triệu dân, tổng GDP đạt trên 5.500 tỷ USD (trong đó có 3 nền kinh tế nằm trong G20 là Brazil, Mexico, Argentina), có nguồn tài nguyên phong phú, có tiềm năng về vốn, khoa học- công nghệ, có nhu cầu hàng hoá đa dạng và phù hợp với cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam. Các nước Mỹ Latinh đang thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực đồng thời mở rộng quan hệ thương mại với khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Trong những năm qua, hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam với các nước ở khu vực này đã không ngừng gia tăng, đặc biệt là trao đổi thương mại có mức tăng ấn tượng, kim ngạch thương mại hai chiều tăng 17 lần trong 10 năm qua (từ 300 triệu USD năm 2000 lên 5,1 tỷ USD năm 2011). |
Việt Nam là thị trường đang nổi lên với gần 90 triệu dân, có tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình trong hơn 20 năm qua đạt từ 6-8%/năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2011 đạt 202 tỷ USD, FDI đạt 14,7 tỷ USD.
Với nền kinh tế mở cửa và phát triển năng động, thành viên của nhiều cơ chế tự do hoá thương mại khu vực, điểm đến hấp dẫn ở khu vực đối với các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam sẽ là cửa ngõ để các nước bạn bè ở Mỹ Latinh tiếp cận thị trường rộng lớn ở khu vực Đông Nam Á và Châu Á- Thái Bình Dương.
Giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latinh có nhiều tiềm năng, thế mạnh có thể bổ sung cho nhau. Đơn cử, các nước Mỹ Latinh có trình độ cao trong công nghiệp chế biến, khai thác và chế biến dầu khí, khai khoáng, năng lượng, công nghệ sinh học… Còn Việt Nam có thế mạnh trong sản xuất, lắp ráp điện tử, đồ gia dụng, ô tô, xe máy và công nghệ viễn thông. Do đó, những ưu tiên nổi bật trong hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ Latinh sẽ tập trung vào cá lĩnh vực: Giao thông, dịch vụ, hậu cần, viễn thông, năng lượng…
Các bên tham gia diễn đàn tin tưởng rằng, đây là dịp để các đối tác có thể gặp gỡ, trực tiếp trao đổi thông tin, tìm kiếm cơ hội hợp tác, góp phần tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latinh, đưa quan hệ kinh tế thương mại phát triển tương xứng với tiềm năng và quan hệ chính trị tốt đẹp giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latinh, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của Việt Nam và các nước Mỹ Latinh.
Diễn đàn cũng là cơ hội để quảng bá và giới thiệu về đất nước và con người, văn hoá Việt Nam với Mỹ Latinh, góp phần thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Mỹ Latinh.
Ngay sau lễ khai mạc, nhiều hội thảo chuyên đề và các cuộc gặp song phương sẽ được tổ chức để hai bên thảo luận, tìm hiểu về môi trường kinh doanh đầu tư Việt Nam – Mỹ Latinh trên nhiều lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm.
HỮU CHÍ
(Tổng hợp)