Khám phá 90 bản đồ thể hiện Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam
Sau khi được đưa về Đà Nẵng (dự kiến tháng 11), 90 bản đồ cổ của phương Tây thể hiện rõ hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam sẽ có mặt tại nhiều điểm trưng bày trong nước khi tổ chức những sự kiện quan trọng
* Ý nghĩa lịch sử
Để hoàn thiện đề tài nghiên cứu Font tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa - Thành phố Đà Nẵng, TS Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Đà Nẵng, sưu tầm nhiều bản đồ liên quan chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Một trong những bản đồ khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Ảnh: tienphong.vn |
Ông nhờ anh Trần Thắng (Việt kiều Mỹ) tìm mua các tấm bản đồ cổ của phương Tây liên quan lĩnh vực này. Trong vòng 3 tháng (từ tháng 7-2012), anh Thắng mua được 90 bản đồ được in tại Anh, Đức, Úc, Canada, Mỹ và Hong Kong (xuất bản từ năm 1626 đến 1980).
Những bản đồ này được chia thành ba nhóm. Nhóm thứ nhất gồm 68 bản đồ biểu thị lãnh thổ của Trung Quốc, được tô khác màu hoặc được giới hạn bằng những đường kẻ đậm nét để phân biệt với lãnh thổ các nước láng giềng và có chung một đặc điểm là cương giới của Trung Quốc chỉ giới hạn đến cực nam của đảo Hải Nam.
Nhóm thứ hai gồm 6 bản đồ Việt Nam, trên đó thể hiện lãnh địa Việt Nam và các quần đảo của Việt Nam, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Nhóm thứ ba gồm 6 bản đồ khu vực Đông Nam Á có Việt Nam, trên đó có thể hiện hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Ngoài ra, ba tập Atlas (tập bản đồ) do chính quyền Trung Quốc xuất bản có tên Trung Hoa bưu chính dư đồ được phát hiện có ý nghĩa lịch sử quý báu. Đây là sản phẩm của chương trình thiết lập bản đồ bưu chính do nhà Thanh vạch ra vào năm 1906 và được Chính phủ Trung Hoa dân quốc kế tục.
Trong đó, Atlas of the Chinese Empire - Trung Quốc địa đồ (xuất bản năm 1908 bằng tiếng Anh), do phái bộ The China Inland Mission - Trung Hoa Lục địa (trụ sở tại Thượng Hải, London, Philadelphia, Toronto và Melburn) biên soạn và phát hành với sự phối hợp của Tổng cục Bưu chính của nhà Thanh.
Tập Atlas Postal de Chine - Postal Atlas of China - Trung Hoa bưu chính dư đồ do Tổng cục Bưu chính, thuộc Bộ Giao thông Trung Hoa dân quốc (xuất bản tại Nam Kinh năm 1919) bằng 3 thứ tiếng Trung-Anh-Pháp.
Tập thứ ba cũng có tên là Atlas Postal de Chine - Postal Atlas of China - Trung Hoa bưu chính dư đồ cũng do Tổng cục Bưu chính, thuộc Bộ Giao thông Trung Hoa dân quốc xuất bản tại Nam Kinh vào năm 1933 bằng 3 thứ tiếng Trung - Anh - Pháp. Đây được xem là tài liệu chính thống do Nhà nước Trung Quốc phát hành vào nhiều thời điểm lịch sử khác nhau.
Những thông số của ba tập atlas này đưa ra đều thể hiện rằng Trung Quốc luôn thừa nhận cương vực phía nam của họ chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam, còn Hoàng Sa và Trường Sa thì chưa bao giờ thuộc về chủ quyền của Trung Quốc.
* Trưng bày rộng rãi
Bằng số tiền tích cóp của bản thân và huy động bạn bè đóng góp, anh Thắng mua tổng cộng 90 tấm bản đồ và hai tập atlas. Riêng cuốn atlas in năm 1919 anh vẫn chưa huy động được đủ tiền để mua.
Theo TS Sơn, 90 tấm bản đồ sau khi về Việt Nam, trước hết sẽ được chuyển về Viện Nghiên cứu Phát triển KT-XH Đà Nẵng để nghiên cứu, sau đó chuyển cho UBND huyện đảo Hoàng Sa để trưng bày.
Tuy nhiên, khu trưng bày hiện tại có quy mô nhỏ, chưa đảm bảo an toàn tuyệt đối. “Việc trưng bày cũng gặp nhiều khó khăn, bởi ngay cả việc ép, đóng khung và thuê lực lượng bảo vệ cũng cần một chi phí rất lớn mà vẫn chưa huy động được nguồn tài trợ”, TS Sơn băn khoăn.
Đặc biệt, 90 bản đồ và tập Atlas này cùng với 56 tấm bản đồ TS Sơn đã sưu tầm trước đó, dự kiến được triển lãm tại Hội nghị về biển Đông tại TP. Hồ Chí Minh và trưng bày tại Hội thảo Văn hóa biển đảo Khánh Hòa (dự kiến diễn ra vào tháng 11), sau đó trưng bày trong Tuần lễ Biển đảo (từ ngày 2-4-2013).
(Theo tienphong)