Thứ Tư, 07/11/2012, 07:28 (GMT+7)
.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev sang thăm Việt Nam

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: RIA Novosti
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: RIA Novosti

Ngày 7-11, nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga D.A Medvedev thăm chính thức Việt Nam.

Tham gia đoàn tháp tùng Thủ tướng Medvedev có Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách vấn đề kinh tế Arơcađi Đvôcôvích; Phó Chánh Văn phòng Chính phủ: Sécgây Prikhốtcô, Marina Entanxeva, Natalia Timacôva; Bộ trưởng Bộ Năng lượng Alếchxanđơ Nôvác; Trưởng Cơ quan Vũ trụ Vlađimia Pôpốpkin; Trưởng Cơ quan Du lịch Alếchxanđơ Rátcốp; Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam Anđrây Cốptun...

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã sang thăm chính thức Liên bang Nga vào tháng 7 năm 2012 và sang dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 9.

Và ngày 7-11, Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga lại có chuyến thăm chính thức Việt Nam. Khi còn ở cương vị lãnh đạo cấp cao nhất là Tổng thống của Liên bang Nga, ông Medvedev cũng đã thăm Việt Nam và ấn tượng của chuyến thăm này vẫn còn rất sâu đậm.

Điều đó nói lên rằng, quan hệ Liên bang Nga – Việt Nam đã, đang và sẽ còn phát triển mạnh mẽ đúng với tiềm năng, nguyện vọng và cơ hội mà những hoạt động thiết thực thời gian gần đây đang tạo ra.

Trong chuyến thăm Liên bang Nga của Chủ tịch nước Việt Nam hồi tháng 9-2012, trong hội đàm cấp cao, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Putin đều bày tỏ hài lòng trước sự phát triển năng động của quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước trong thời gian qua.

Quan hệ chính trị giữa hai nước ngày càng được củng cố với độ tin cậy cao, tạo cơ sở vững chắc và động lực mạnh mẽ để triển khai hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực: Kinh tế - thương mại, khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo, quốc phòng – an ninh, kỹ thuật quân sự…

Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo cũng đồng tình rằng, trao đổi thương song phương cho đến nay vẫn chưa đáp ứng đúng tiềm năng và nhu cầu của hai nước. Hai bên đã nhất trí cần đẩy nhanh việc tìm kiếm và cụ thể hóa các khả năng mới về chất nhằm thúc đẩy thương mại thông qua việc đa dạng hóa và tự do hóa thương mại.

Một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu được nêu ra là sớm tiến hành đàm phán và ký kết Hiệp định Tự do thương mại giữa Việt Nam và Liên minh thuế quan…

Những lĩnh vực hợp tác vốn có cơ sở vững vàng từ nhiều năm trước cũng đã được các vị lãnh đạo hai nước nhất trí sẽ thúc đẩy mạnh mẽ trong thời gian tới.

Được nhắc nhiều hơn cả là lĩnh vực hợp tác phát triển ngành năng lượng hạt nhân của Việt Nam. Hợp tác trong lĩnh vực dầu khí cũng được coi là điểm sáng trong quan hệ song phương với hoạt động đầy hiệu quả của nhiều liên doanh Việt – Nga thời gian qua. Hợp tác kỹ thuật – quân sự giữa hai nước cũng đang ngày càng đa dạng và hiệu quả.

Hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo đã được thiết lập từ thời Xô-viết trước đây vẫn được hai bên coi là vốn quý trong quan hệ song phương và khẳng định sự cần thiết mở rộng hợp tác...

HỮU CHÍ

(Tổng hợp)

.
.
.