Thứ Ba, 25/12/2012, 06:17 (GMT+7)
.

Việt – Lào tiếp tục nương tựa vào nhau để cùng phát triển

Vào những ngày cuối của năm 2012, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Choummaly Sayasone sẽ có chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam (26 đến 28-12). Có thể nói, đây là hoạt động cuối cùng khép lại năm đoàn kết hữu nghị Việt - Lào. Phó Thủ tướng Lào Somsavat Lengsavat đã khẳng định điều này trong cuộc phỏng vấn với Phóng viên VOV.

Nhìn lại một năm đầy ý nghĩa của quan hệ Việt - Lào, Phó Thủ tướng Lào Somsavat Lengsavat cho rằng: Đây là cơ hội hiếm có để nhân dân hai nước hiểu nhau hơn, đồng thời khẳng định quyết tâm sẽ tiếp tục nương tựa vào nhau để cùng phát triển.

+ PV: Thưa Phó Thủ tướng, nhiều người nói rằng, năm 2012, quan hệ đặc biệt giũa hai nước chúng ta đã được tái hiện sinh động trong thực tế bằng một chuỗi những sự kiện. Phó Thủ tướng nghĩ gì về nhận định này và ông ấn tượng với hoạt động nào nhất?
 
+ Phó Thủ tướng Lào: Trước hết, tôi xin cám ơn VOV đã dành cho tôi cuộc phỏng vấn này. Năm 2012 là năm hai nước kỷ niệm hai sự kiện lịch sử, đó là 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 35 năm ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác. Để kỷ niệm hai sự kiện này, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân hai nước đã tham gia các hoạt động rất phong phú, từ Trung ương đến địa phương.

Tôi thấy ấn tượng nhất là việc nhân dân hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh đạo hai nước, tích cực tham gia vào các hoạt động, đặc biệt là cuộc thi Tìm hiểu quan hệ đặc biệt Việt - Lào và Lào - Việt. Riêng ở Việt Nam có hơn 3 triệu người tham gia cuộc thi. Đây là dịp tốt để tăng cường giáo dục chiều sâu cho nhân dân hai nước, nhất là thế hệ trẻ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Lào Somsavat Lengsavat (trái). Ảnh: Chinhphu.vn
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Lào Somsavat Lengsavat (trái). Ảnh: Chinhphu.vn

Đấy là điều rất đáng quý. Nếu không có cuộc thi này thì có lẽ, họ rất ít có cơ hội để hiểu rằng, Lào và Việt Nam có truyền thống đoàn kết như thế nào. Tôi mong rằng, những năm tiếp theo, chúng ta phải có nhiều hình thức, nội dung để giáo dục thanh niên, nhân dân hai nước.

+ PV: Thưa phó Thủ tướng, 35 năm trước đây, Việt Nam và Lào đã ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác. Quan hệ của chúng ta đã chuyển từ Liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung sang quan hệ toàn diện trong thời kỳ mới. Vậy, ông đã thấy quan hệ toàn diện đó thể hiện trên thực tế?
 
+ Phó Thủ tướng Lào: Đây là một thực tế rất dễ thấy. Trước đây, trong thời kỳ chống thực dân cũ và mới để giành độc lập, hai nước chúng ta đã có liên minh chiến đấu, tức là chiến đấu thực sự, không sợ hy sinh. Vậy ngày nay, chúng ta có còn tiếp tục liên minh chiến đấu hay không? Nhiều người cũng băn khoăn về điều này.

Tôi xin khẳng định lại rằng, Việt - Lào sẽ tiếp tục liên minh chiến đấu. Bác Hồ đã từng dạy rằng, chúng ta có 3 giặc phải chống là giặc ngoại xâm, giặc đói và giặc dốt. Chúng ta mới chống được giặc ngoại xâm, nên còn phải tiếp tục đánh thắng hai loại giặc nữa là giặc đói và giặc dốt. Điều này là rất quan trọng.

Chúng ta liên minh toàn diện, nghĩa là quan hệ trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, kể cả an ninh, quốc phòng, đối ngoại. Chúng ta phải quan hệ chặt chẽ với nhau vì hai nước cùng chung lý tưởng, cùng chung mục tiêu. Cả Lào và Việt Nam đều có hướng đi tương lai là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

+ PV: Trong quan hệ toàn diện đó, theo Phó Thủ tướng, cơ chế hợp tác nào là hiệu quả nhất?
 
+ Phó Thủ tướng Lào: Bây giờ đang có nhiều cơ chế hợp tác, nhưng theo tôi, cơ chế Ủy ban liên Chính phủ hiện nay là hiệu quả nhất. Cơ chế này hiện do tôi và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đứng đầu.

+ PV: Việt Nam và Lào đã luôn nương tựa vào nhau, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Trong bối quốc tế hiện nay, sự nương tựa đó sẽ được tiếp tục như thế nào?
 
+ Phó Thủ tướng Lào: Người Lào rất trung thành. Tôi nghĩ rằng, Việt Nam cũng vậy. Trước đây, mình đã dựa vào nhau để chiến thắng kẻ thù. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane, cùng các thế hệ hai nước đã xây đắp quan hệ qua mấy chục năm, tạo nên mối quan hệ đặc biệt, hiếm có trong quan hệ quốc tế.

Đó là tài sản vô giá của chúng ta. Hiện nay, mặc dù tình hình thế giới có nhiều biến chuyển, hai nước chúng ta phải giữ vững mối quan hệ đặc biệt và hợp tác toàn diện này cho nó mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

+ PV: Năm 2012 là năm đoàn kết hữu nghị Việt - Lào, chúng ta đã tập trung nhiều vào các hoạt động kỷ niệm. Vậy, năm 2013, quan hệ Việt - Lào sẽ chuyển động theo hướng nào?
 

+ Phó Thủ tướng Lào: Quan hệ của chúng ta sẽ tiếp tục đẩy mạnh cả về mặt kinh tế, chính trị. Tôi vừa đến chào đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đồng chí cũng nói rằng, năm 2012 là năm mà quan hệ triển khai ở bề rộng thì năm 2013 phải chuyển sang chiều sâu. Tôi thấy rằng, để biến ý chí chính trị thành hành động thì hợp tác kinh tế phải đạt được hiệu quả cao hơn, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước.

+ PV: Với nhiều năm gắn bó với đất nước Việt Nam, cả trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao và nay là Phó Thủ tướng, ông có tình cảm gì đặc biệt với Việt Nam không?
 
+ Phó Thủ tướng Lào: Tôi rất khâm phục Việt Nam. Khi làm Ngoại trưởng, tôi đã đi nhiều nước. Người ta cũng hỏi tôi rằng, ông thấy Việt Nam như thế nào? Tôi đã trả lời rằng, nhân dân Việt Nam có lòng yêu nước nồng nàn, có tinh thần quốc tế cao cả.

Nhân dân Việt Nam thông minh thì chắc chắn rồi. Nhưng Việt Nam rất tôn trọng các nước khác. Việc Việt Nam sang Lào giúp đỡ là do yêu cầu của phía Lào. Khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 2-9-1945, rồi Lào tuyên bố độc lập ngày 12-12-1945. Lúc đó, Chính phủ Lào và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đã đồng ý thành lập quan hệ về mặt quân sự để chống Pháp.

Nhưng đến năm 1954, sau khi Việt Nam phối hợp với bạn Lào và Campuchia đánh bại đế quốc Pháp tại Điện Biên Phủ, ký Hiệp định Geneve về Đông Dương. Theo yêu cầu của phía Lào, Việt Nam lại cử quân sang.

Đến năm 1962 lại có Hiệp định Geneve về Lào. Các nước có quân ở Lào phải rút quân về nước và Việt Nam không nằm ngoài số đó. Đến năm 1962-1963, đế quốc Mỹ lại tăng cường xâm lược Lào. Một lần nữa, Việt Nam đã cử quân sang. Đến năm 1972, Việt Nam lại rút quân về nước và đến năm 1978, khi Lào gặp khó khăn do bên ngoài quấy phá, Việt Nam lại cử quân sang.

Nói thế để thấy, nhân dân Việt Nam có lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng.
 
+ PV: Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!

(Theo VOV)
 

.
.
.