Hội nghị Paris - đỉnh cao nghệ thuật ngoại giao Việt Nam
Trong không khí kỷ niệm 40 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27-1-1973 - 27-1-2013), nhiều hoạt động ý nghĩa đã diễn ra trên khắp cả nước.
Đây là dịp để chúng ta nhìn lại chặng đường đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ vì độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, ôn lại những bài học vô giá từ cuộc đàm phán dài nhất, cam go nhất trong lịch sử Ngoại giao Việt Nam.
Nhân dịp này, phóng viên Đài TNVN phỏng vấn Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (ảnh) về ý nghĩa, cũng như những bài học từ Hội nghị Paris năm 1973.
+ PV: Xin Bộ trưởng cho biết ý nghĩa của Hội nghị Paris và Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam?
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết cách đây 40 năm, là cuộc đàm phán lâu dài nhất, khó khăn, phức tạp nhất và thắng lợi vẻ vang nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam.
Thứ nhất, Hội nghị Paris là cuộc đấu tranh kiên cường vì các quyền cơ bản của dân tộc Việt Nam.
Hiệp định Paris là văn bản pháp lý toàn diện, đầy đủ nhất công nhận các quyền, đó là "độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam”. Vì các quyền này, dân tộc ta đã không quản ngại hy sinh trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước.
Thắng lợi của Hội nghị Paris cũng còn là sự tiếp nối của truyền thống, thể hiện ý chí sắt đá của nhân dân Việt Nam quyết tâm gìn giữ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Thứ hai, Hội nghị Paris và Hiệp định Paris là đỉnh cao và là kết quả của quá trình đấu tranh kiên cường, bền bỉ, cuộc đấu trí, đấu bản lĩnh hết sức gay go, quyết liệt, nhưng cũng rất hào hùng của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ.
Cùng với những thắng lợi quan trọng về quân sự, đặc biệt là chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, Hội nghị Paris và Hiệp định Paris đã góp phần quan trọng tạo nên bước chuyển chiến lược của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từng bước buộc Mỹ phải đi vào giải pháp, chấm dứt ném bom miền Bắc, rút toàn bộ quân Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam, góp phần ngăn chặn mọi âm mưu can thiệp trở lại của Mỹ, tạo điều kiện cho toàn quân, toàn dân ta giành thắng lợi hoàn toàn với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh, thống nhất đất nước.
Thứ ba, thắng lợi của Hội nghị Paris nói riêng và của cuộc kháng chiến của nhân dân ta khẳng định chân lý: Một dân tộc dù nhỏ yếu nhưng với chính nghĩa và quyết tâm chiến đấu vì độc lập tự do cho dân tộc mình, dân tộc đó sẽ chiến thắng bất kỳ lực lượng xâm lược nào. Chính vì vậy, Hội nghị Paris và Hiệp định Paris là niềm cổ vũ lớn lao, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì độc lập, tự do, hòa bình và công lý.
+ PV: Thưa Bộ trưởng, Hội nghị Paris để lại những bài học gì cho chúng ta hôm nay?
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Chúng ta có rất nhiều bài học về Hội nghị Paris. Bài học thứ nhất và quan trọng nhất, đó là tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng. Đây là nhân tố quyết định mọi thắng lợi. Trong suốt quá trình đàm phán, Bộ Chính trị đã luôn theo dõi và chỉ đạo sát sao cả về chiến lược và sách lược đối với hai đoàn đàm phán để đi đến thắng lợi cuối cùng.
Thứ hai là chúng ta giữ vững độc lập, tự chủ, là nguyên tắc quan trọng nhất trong xử lý các vấn đề đối ngoại. Hội nghị Paris một lần nữa khẳng định rằng, chỉ có giữ vững độc lập, tự chủ trong quyết định chiến lược, sách lược, ta mới có thể chủ động tiến công, chủ động tạo thời cơ và tranh thủ thời cơ để bảo vệ lợi ích dân tộc.
Thứ ba, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp, các lĩnh vực là nhân tố rất quan trọng đảm bảo thắng lợi của ngoại giao. Trong suốt quá trình đàm phán tại Hội nghị Paris, sự phối hợp nhịp nhàng giữa ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao, giữa các binh chủng hợp thành của thế trận chiến tranh nhân dân, có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Ngay tại Paris thì sự phối hợp chặt chẽ của hai đoàn đàm phán dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng ta cũng là nhân tố hết sức quan trọng.
Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đoàn Mỹ tại Phòng họp Trung tâm Hội nghị quốc tế Paris, ngày 13-5-1968 (đoàn Việt Nam phía bên phải). Ảnh tư liệu |
Thứ tư, chủ động, sáng tạo trong đấu tranh ngoại giao. Ngoại giao thời kỳ chống Mỹ cứu nước mà đỉnh cao là Hội nghị Paris thực sự đã trở thành một mặt trận chiến lược, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong suốt quá trình đàm phán tại Paris, mặt trận ngoại giao đã chủ động tiến công, đồng thời tận dụng tối đa các thế mạnh đặc thù của mình để giành thắng lợi.
Thứ năm, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại là nhân tố quan trọng đảm bảo thắng lợi. Đây cũng là điểm chung khi một nước nhỏ phải đối phó với thách thức lớn.
Trong suốt quá trình đàm phán tại Paris, chúng ta đã có được sự ủng hộ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc và các nước Xã hội Chủ nghĩa, chúng ta đã tranh thủ được sự đồng tình của dư luận quốc tế, kể cả dư luận tiến bộ Mỹ; góp phần tạo nên một mặt trận nhân dân thế giới rộng lớn ủng hộ Việt Nam.
+ PV: Vậy bài học từ Hội nghị Paris đối đối với ngành ngoại giao Việt Nam là gì, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Đối với nền ngoại giao Việt Nam, Hội nghị Paris và Hiệp định Paris mãi mãi là trang sử hào hùng, thể hiện cao độ nghệ thuật ngoại giao Việt Nam, là thắng lợi của nền ngoại giao của một nhà nước cách mạng còn non trẻ với nền ngoại giao nhà nghề của một siêu cường.
Có thể nói, những bài học kinh nghiệm này không chỉ là di sản của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc oanh liệt của dân tộc ta mà trước hết là những bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu của ngoại giao Việt Nam hôm nay và mãi mãi mai sau.
+ PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!
(Theo Đài TNVN)