Việt Nam tạo điểm nhấn tại Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục ASEAN
Ngày 21-3, Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á lần thứ 47 đã kết thúc thành công tại Hà Nội. Diễn đàn chính sách “Học tập suốt đời: Chính sách và Triển vọng” do Việt Nam đề xuất được coi là điểm nhấn quan trọng của Hội Nghị lần này.
Các đại biểu ký kết văn bản pháp lý của trung tâm khu vực SEAMEO về Học tập suốt đời. Ảnh: VGP |
Qua 3 ngày làm việc (từ 19 - 21-3), Hội nghị đã ký kết các văn bản pháp lý của Trung tâm khu vực SEAMEO về học tập suốt đời (SEAMEO CELL) bao gồm: Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và SEAMEO về việc thành lập trung tâm SEAMEO CELL và Quy chế hoạt động của Trung tâm; thông qua nghị quyết và tổ chức lễ kết nạp Vương quốc Anh là quốc gia thành viên liên kết thứ 8 của SEAMEO; khởi động Dự án Diễn đàn SEAMEO (SEAMEO College) do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ; thông qua và ký tuyên bố SEAMEO về hợp tác chiến lược hướng tới sự phát triển của khu vực; Phê duyệt kế hoạch phát triển 5 năm của một số trung tâm khu vực SEAMEO…
Đặc biệt diễn đàn chính sách với chủ đề “Học tập suốt đời: Chính sách và triển vọng” do Việt Nam đề xuất đã trở thành điểm nhấn quan trọng của Hội nghị.
Sáu tham luận của Việt Nam, Thái Lan, Viện Nghiên cứu về Học tập suốt đời của UNESCO, OECD, EU… đã chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước Đông Nam Á và với các nước Châu Âu để cùng tìm ra những giải pháp khả thi thúc đẩy việc phát triển học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập trong khu vực.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nước ta Phạm Vũ Luận, Chủ tịch Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á lần thứ 47 khẳng định: Học tập suốt đời là xu thế phát triển tất yếu ở nhiều nước trên thế giới kể cả các nước châu Á nói chung và các nước Đông Nam Á nói riêng.
Học tập suốt đời ngày càng trở thành nhu cầu cấp thiết của mỗi người để có thể sống, làm việc và tồn tại trong thời đại ngày nay. Việc thúc đẩy học tập suốt đời được coi là chính sách quốc gia nhằm nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của lực lượng lao động trong xu thế toàn cầu hóa, duy trì và tăng lợi thế cạnh tranh khu vực và toàn cầu…
Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, việc phát triển học tập suốt đời ở nhiều quốc gia, đặc biệt ở Đông Nam Á còn gặp nhiều thách thức, như sự hạn chế về cơ sở pháp lý, về sự phối hợp trong từng quốc gia và trong khu vực, sự hạn chế về các số liệu thống kê, về các nghiên cứu định tính, định lượng về học tập suốt đời…
Tại hội nghị, Tiến sĩ Andreas Schleicher, Phó Giám đốc Ban giáo dục và kỹ năng tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế Pháp và Giáo sư Arne Carlsen, Giám đốc Viện Học tập suốt đời của UNESCO (CHLB Đức) cho rằng học tập tại nơi làm việc cũng là một phần quan trọng của học tập suốt đời. So với chương trình hoàn toàn được thiết kế trong các trường học, học tập tại nơi làm việc cho phép những người trẻ phát triển các kỹ năng cứng trên các thiết bị hiện đại và các kỹ năng mềm, chẳng hạn như làm việc theo nhóm, giao tiếp và đàm phán, thông qua kinh nghiệm thực tế.
Các Bộ trưởng cũng nhất trí rằng để thúc đẩy học tập suốt đời ở từng nước cần có nỗ lực của từng quốc gia cũng như nỗ lực chung của các nước trong khu vực, nhất là trong xu thế hội nhập.
(Theo VGP)