Chính thức nâng quan hệ Việt - Pháp lên đối tác chiến lược
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp, tối 25-9 (theo giờ Việt Nam) tại Phủ Thủ tướng Pháp ở Paris, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiến hành hội đàm với Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault.
Hai Thủ tướng đã ký Tuyên bố chung chính thức nâng quan hệ Việt - Pháp lên Đối tác chiến lược. Đây là bước ngoặt lịch sử, mở ra trang mới trong quan hệ và hợp tác giữa hai nước trên cả bình diện song phương và đa phương, đồng thời là một đóng góp quan trọng đối với việc tăng cường hợp tác giữa châu Á và châu Âu nói chung và giữa Cộng đồng ASEAN và Liên minh châu Âu nói riêng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Pháp Jean Marc Ayrault. |
Thủ tướng Jean-Marc Ayrault nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân cùng Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam sang thăm chính thức cộng hòa Pháp; chuyến thăm sẽ ghi dấu ấn lịch sử trong quan hệ giữa hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng trở lại thăm nước Pháp, một đất nước tươi đẹp, mến khách, một đầu tàu kinh tế Châu Âu, một trung tâm khoa học-công nghệ và đào tạo trên thế giới, một trong những cái nôi của lịch sử và văn hóa của nhân loại.
Trong không khí cởi mở, thẳng thắn, hiểu biết, tin cậy lẫn nhau và với cách tiếp cận thực chất và hiệu quả, hai Thủ tướng đã tập trung thảo luận và thống nhất những phương hướng và biện pháp lớn nhằm thúc đẩy hợp tác song phương.
Thủ tướng Jean-Marc Ayrault đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, nhất là trong khắc phục khủng hoảng kinh tế cũng như đánh giá vai trò, vị thế ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt trong tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Việt Nam luôn đánh giá cao vai trò, vị trí của Pháp ở châu Âu và trên thế giới cũng như coi trọng phát triển quan hệ với Pháp. Hai Thủ tướng chia sẻ quan điểm quan hệ Việt - Pháp mang những tính chất đặc thù, xuất phát từ sự gần gũi về lịch sử và văn hóa, xuất phát từ tình cảm hữu nghị truyền thống và gắn bó giữa nhân dân hai nước. Nhiều cơ chế hợp tác giữa hai nước đã được định hình và phát triển ổn định trên tất cả các lĩnh vực và đến thời điểm đã chín muồi để nâng quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước.
Tại cuộc họp báo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Ngài Thủ tướng Jean-Marc Ayraultvà tôi đã ký Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp. Đây là dấu mốc rất quan trọng và hết sức có ý nghĩa đối với quan hệ giữa hai nước, nhất là trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Chúng tôi khẳng định sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư hai nước kết nối đối tác, tăng cường sự hiện diện tại mỗi nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực Pháp có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như công nghệ cao, hạ tầng, năng lượng, giao thông, y tế, nông nghiệp, chế biến thực phẩm và môi trường để bổ trợ cho nhau cùng thắng, cùng phát triển và chúng tôi cũng nhất chí để triển khai hiệu quả thiết thực quan hệ Đối tác chiến lược thì hàng Chính phủ hai nước phải có chương trình cụ thể”.
Thủ tướng Jean-Marc Ayrault nhấn mạnh: “Việt Nam là đối tác đặc biệt đối với Pháp. Hai nước ký đối tác chiến lược là một hành động thể hiện lòng tin và quyết tâm chính trị trong mối quan hệ ngày càng phát triển sâu rộng. Quan hệ đối tác chiến lược Việt - Pháp sẽ mở ra nhiều cơ hội mới để hai nước tăng cường sự tin cậy chính trị và đẩy mạnh hợp tác trong tất cả các lĩnh vực.
Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhất trí Việt Nam và Pháp tiếp tục tăng cường trao đổi thường xuyên đoàn cấp cao, kiện toàn những cơ chế đối thoại và hợp tác như Đối thoại chiến lược, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác quốc phòng, Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế và Hội nghị hợp tác phi tập trung nhằm đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, an ninh - quốc phòng, kinh tế - thương mại - đầu tư, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, văn hóa, giao lưu nhân dân…giữa hai nước.
Trên bình diện đa phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayraultnhất trí hai nước cần tăng cường hợp tác trên các diễn đàn quốc tế, đặc biệt trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc, ASEM, ASEAN - EU, và Cộng đồng Pháp ngữ. Pháp cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với EU, nhất là về kinh tế và thương mại; ủng hộ EU sớm công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường. Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng làm cầu nối để Pháp tăng cường quan hệ với ASEAN.
Hai bên tái khẳng định sự gắn bó của hai nước đối với các định chế đa phương, trong đó Liên Hợp Quốc có vai trò trung tâm trong việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. Pháp chia sẻ, ủng hộ lập trường nhất quán của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển (1982), thực hiện nghiêm chỉnh Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault tại cuộc họp báo sau hội đàm cũng đã trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến vấn đề này.
Trả lời câu hỏi của phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam về quan điểm của Pháp - một trong 5 ủy viên thường trực HĐBA, quan điểm của Pháp đối với tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc như thế nào cũng như quan điểm của Pháp đối với quan điểm, lập trường của Việt nam giải quyết các tranh chấp trên biển Đông?
Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault khẳng định: "Nước Pháp ủng hộ việc tự do lưu thông trên biển Đông, tôn trọng nghiêm ngặt luật pháp quốc tế và mong các bên đạt được COC. Việc tự do lưu thông trên biển, đảm bảo an ninh, an toàn và tự do hàng hải trên biển Đông chúng tôi thấy rằng có nhiều nước có chung quan điểm với Việt Nam. Tôi có nói với Thủ tướng Việt Nam rằng, nước Pháp cũng có động lực gia nhập Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+).
Tất nhiên nước Pháp không thể một mình quyết định mọi việc, các nước khác cũng phải gánh vác trách nhiệm. Theo hướng đó, chúng tôi khuyến khích các nước thể hiện vai trò của mình theo vị trí của từng nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và quyền tự quyết của các quốc gia có liên quan.
Vấn đề biển Đông cần được giải quyết, như tôi đã nói, qua con đường đối thoại, tôn trọng luật pháp quốc tế, điều mà chúng tôi thấy lộ trình xây dựng quy tắc ứng xử COC hoàn toàn phù hợp".
Sau hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault đã ký Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp; chứng kiến lễ ký hàng loạt các văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước liên quan đến các lĩnh vực đầu tư dự án Bệnh viện đa khoa Cần Thơ, trao đổi thông tin giám sát ngân hàng, xúc tiến thương mại, hợp tác trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, dầu khí…
(Theo VOV)