Ông Bùi Thanh Sơn: Các tổ chức quốc tế rất quan tâm đến vùng ĐBSCL
Bên lề cuộc gặp gỡ, trao đổi song phương giữa Ngoại giao đoàn và lãnh đạo các tỉnh, thành vùng ĐBSCL chiều 25-11, phóng viên Báo Ấp Bắc có cuộc trao đổi với ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhân sự kiện này.
Ông Bùi Thanh Sơn cho biết, trước hết, đây là cơ hội rất tốt đối với chúng ta. Trong năm 2011, Bộ Ngoại giao đã tổ chức cuộc gặp gỡ giữa Ngoại giao đoàn và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Lần này, chúng tôi đi sâu và trực tiếp vào các cơ quan đại diện muốn hợp tác với Việt Nam, để trên cơ sở đó họ tham mưu cho Chính phủ các nước, cộng đồng doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Điển hình là hôm nay, các cơ quan đại diện đã gặp lãnh đạo các tỉnh, thành để bàn cụ thể cơ chế hợp tác trong thời gian tới.
Phóng viên: ĐBSCL là vùng có nhiều tiềm năng và lợi thế, chúng ta mong muốn thu hút đầu tư lĩnh vực nào, thưa ông?
Ông Bùi Thanh Sơn: Hiện nay, các tổ chức quốc tế đang rất quan tâm đến vùng ĐBSCL, bởi đây là vùng có nhiều tiềm năng và lợi thế về nông nghiệp, thủy sản, hải sản, du lịch xanh… Tất cả đều có sức hấp dẫn đối với các đối tác. Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển, chúng ta còn thiếu rất nhiều nguồn nhân lực, chính sự hợp tác sẽ bổ sung cho chúng ta nguồn nhân lực chất lượng cao.
Một vấn đề khác được cộng đồng quốc tế rất quan tâm đến ĐBSCL chính là biến đổi khí hậu, các nước đều hỗ trợ chúng ta trong vấn đề này, trên cả phương diện hợp tác song phương lẫn đa phương. Những tiềm năng chúng ta đang cần các nước bạn hợp tác hỗ trợ bao gồm cả 2 kênh: Thứ nhất là duy trì nguồn cung cấp ODA để chúng ta phát triển cơ sở hạ tầng. Thứ hai là từ nguồn ODA hỗ trợ cho chúng ta phát triển nguồn nhân lực. Ngoài ra, chúng ta mong muốn các đối tác kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào ĐBSCL, đặc biệt là những ngành có giá trị gia tăng cao.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về thực trạng thu hút đầu tư hiện nay ở ĐBSCL?
Ông Bùi Thanh Sơn: ĐBSCL chỉ chiếm 7% trong tổng số ODA tài trợ cho Việt Nam (tương đương 4 tỷ USD), một con số rất thấp so với những vùng khác. Nguyên nhân là do trước đây nguồn vốn ODA thường được sử dụng trong mục tiêu xóa đói giảm nghèo nên so với ĐBSCL thì những vùng, miền khác được ưu tiên nhiều hơn.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng yếu kém cũng là một nguyên nhân làm cho ĐBSCL chưa phát huy thế mạnh trong thu hút đầu tư. Tuy nhiên, việc thu hút ODA ở ĐBSCL dự báo sẽ tăng lên trong thời gian tới, bởi chúng ta đang nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng quốc tế từ những thế mạnh và tiềm năng, đặc biệt là trong vấn đề giải quyết ứng phó biến đổi khí hậu.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
SĨ NGUYÊN (thực hiện)
Chiều 25-11, Ban Tổ chức MDEC - Vĩnh Long 2013 tổ chức cuộc gặp gỡ, trao đổi song phương giữa Ngoại giao đoàn với các tỉnh, thành ĐBSCL. Tại cuộc gặp gỡ, ông Bùi Ngọc Sương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết, cuộc trao đổi song phương giữa Ngoại giao đoàn với các tỉnh, thành ĐBSCL nhằm mong muốn các quốc gia, các tổ chức quốc tế có điều kiện gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu thông tin để hợp tác lẫn nhau; tìm hiểu sâu hơn tiềm năng, lợi thế và nhu cầu cấp thiết cần hợp tác trong những lĩnh vực là thế mạnh mà các nước, các tổ chức quốc tế cũng như vùng ĐBSCL hiện đang có; ngược lại, ĐBSCL có những cơ hội mới để quảng bá, xúc tiến thương mại, đầu tư những lĩnh vực hiện là thế mạnh của vùng. Theo ông Sương, qua kết nối của Bộ Ngoại giao và Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, đến giờ này đã có 3 đại sứ, 10 tổng lãnh sự và lãnh sự cùng với các tổ chức quốc tế, trưởng đại diện văn phòng và thương vụ tham dự cuộc trao đổi song phương với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Đây là cuộc gặp mặt, trao đổi những vấn đề cụ thể, thiết thực giữa hai bên nhằm hiểu biết lẫn nhau để hợp tác đầu tư. |