Thứ Sáu, 22/11/2013, 05:23 (GMT+7)
.

Tổng Bí thư hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ

Chiều ngày 20-11 tại thủ đô New Delhi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh.

Tổng Bí thư hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ. Ảnh Vov.vn
Tổng Bí thư hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ. Ảnh Vov.vn

Hai nước Việt Nam, Ấn Độ luôn coi trọng việc duy trì và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác chiến lược. Trong thời kỳ mới, hai nước tiếp tục chia sẻ các giá trị và lợi ích tương đồng; việc củng cố, tăng cường quan hệ là đòi hỏi khách quan của tình hình và phù hợp với lợi ích, nguyện vọng của nhân dân hai nước.

Hai nhà lãnh đạo vui mừng về sự phát triển của quan hệ hai nước trong hơn 40 năm qua, đặc biệt kể từ sau khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2007. Quan hệ chính trị được tăng cường, năm 2012, kim ngạch thương mại song phương đạt gần 4 tỷ USD, 9 tháng đầu năm 2013 cũng đã đạt xấp xỉ 4 tỷ USD. Ấn Độ hiện đã có 74 dự án đầu tư vào Việt Nam.

Hai bên nhấn mạnh hợp tác quốc phòng, an ninh sẽ tiếp tục là trụ cột quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Trên cơ sở đó, duy trì và thúc đẩy các cơ chế hợp tác song phương hiện có, tích cực xây dựng cơ chế hợp tác cụ thể trong lĩnh vực quân sự, mở rộng hợp tác về công nghiệp quốc phòng, chuyển giao công nghệ và sản xuất phục vụ nhiệm vụ quốc phòng; tăng cường hợp tác về huấn luyện, đào tạo lực lượng, đặc biệt là đào tạo đại học và sau đại học các chuyên ngành quân sự mà Ấn Độ có thế mạnh. Đồng thời mở rộng hợp tác về an ninh, chia sẻ thông tin về chống khủng bố, cướp biển và các tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có tổ chức và tội phạm công nghệ cao.

Hai bên nhất trí thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác về kinh tế, thương mại, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 7 tỷ USD vào năm 2015, đề ra mục tiêu 15 tỷ USD vào năm 2020; khuyến khích đầu tư, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước đầu tư vào nước kia, tập trung vào một số lĩnh vực mà hai bên có lợi thế. Hai bên cũng nhất trí sẽ duy trì và mở rộng hợp tác về thăm dò và khai thác dầu khí tại các khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biến Đông.

Tại cuộc hội đàm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Manmohan Singh cũng đã trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Hai bên nhất trí cần giải quyết vấn đề tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế đã được thừa nhận rộng rãi, trong đó có Công ước 1982 của Liên Hợp Quốc về Luật Biển, bảo đảm an ninh, an toàn đường biển và tự do hàng hải.

Hai bên cam kết phối hợp chặt chẽ về lập trường và hành động trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là trong các cơ chế ASEAN-Ấn Độ, ARF, EAS, ASEM, Phong trào Không liên kết và tại Liên Hợp Quốc…

Ngay sau khi kết thúc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã tiến hành họp báo thông báo kết quả hội đàm, chứng kiến lễ ký kết 8 văn kiện hợp tác giữa hai nước: Hiệp định Vận chuyển hàng không; Bản Ghi nhớ về việc thành lập Phòng thí nghiệm phục hồi dữ liệu điện tử Indira Gandhi  tại Hà Nội; Thỏa thuận về Bảo vệ tương hỗ đối với trao đổi thông tin mật; Bản Ghi nhớ hợp tác tài chính; Thỏa thuận giữa ĐHQG Hà Nội và Hội đồng nghiên cứu và công nghiệp Ấn Độ; Bản Ghi nhớ hợp tác giữa Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Quản lý Ấn Độ Bangalore; Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa PetroVietnam và Công ty Dầu Khí Quốc gia Ấn Độ (OVL) trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí tại các lô ở Việt Nam và Ấn Độ cũng như ở các nước thứ ba; Bản Ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Công ty Tata Power về việc xây dựng Nhà máy nhiệt điện Long Phú 2 công suất 1320MW tại Sóc Trăng, Việt Nam trị giá 1,8 tỷ USD.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.