Việt Nam sẽ tận dụng các biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền
Ông Trần Duy Hải. Ảnh VGP/Thành Chung |
Ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, nhấn mạnh: “Việc cần thiết nhất hiện nay là Trung Quốc phải rút toàn bộ giàn khoan và tàu các loại của họ ra khỏi vùng biển của Việt Nam”.
Ông Trần Duy Hải vừa có cuộc trả lời báo chí tại Hà Nội trưa ngày 9-5 về các thông tin mà phía Trung Quốc đưa ra tại cuộc họp báo quốc tế mà Trung Quốc tổ chức tại Bắc Kinh hôm trước.
Ông nhận xét thế nào về những thông tin mà phía Trung Quốc đưa ra trong cuộc họp báo quốc tế ngày 8-5, khi Trung Quốc đưa ra yêu cầu vô lý Việt Nam rút tất cả tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam mà Trung Quốc đang tìm cách hạ đặt giàn khoan HD981?
Ông Trần Duy Hải: Tôi khẳng định lại rằng khu vực mà giàn khoan HD-981 hoạt động là hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, nên việc các lực lượng chấp pháp của Việt Nam gồm cảnh sát biển và kiểm ngư thực thi biện pháp quản lý tại vùng biển này là hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế. Vì thế, việc cần thiết nhất hiện nay là Trung Quốc phải rút toàn bộ giàn khoan và các tàu của họ ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Tại cuộc họp báo, phía Trung Quốc nói tàu của Việt Nam chủ động đâm vào tàu họ. Ông nói gì về điều này?
Ông Trần Duy Hải: Tôi được biết trong cuộc họp báo của phía Trung Quốc, phóng viên có đưa ra một số câu hỏi về số lượng tàu của Trung Quốc có mặt ở vùng biển của Việt Nam, nhưng các quan chức Trung Quốc không trả lời được.
Tàu của Việt Nam hoàn toàn là tàu dân sự, không có hành vi gây sự với tàu Trung Quốc mà chính tàu Trung Quốc có những hành động gây hấn với tàu Việt Nam. Trong cuộc họp báo quốc tế của Việt Nam hôm 7-5, chúng tôi đã đưa ra những hình ảnh cụ thể chứng minh cho lời nói của chúng tôi.
Vị trí giàn khoan HD-981 Trung Quốc đặt trái phép trong phạm vi chủ quyền của Việt Nam. |
Việc tổ chức họp báo nhưng không nêu rõ số liệu (tàu thuyền của Trung Quốc) và không có hình ảnh chứng minh, đã thể hiện rõ Trung Quốc luôn muốn mập mờ ở những việc liên quan. Kể cả những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, nước này cũng không làm rõ được căn cứ pháp lý, trong khi cả thế giới yêu cầu Trung Quốc phải làm rõ các yêu sách của họ có phù hợp với luật pháp quốc tế hay không.
Đây không phải là lần đầu Trung Quốc vi phạm chủ quyền trên vùng biển của Việt Nam. Vậy ông có thể cho biết ứng phó của ta lần này có khác gì với các lần trước không?
Ông Trần Duy Hải: Chính sách của ta là nhất quán, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, phù hợp với luật pháp quốc tế để giải quyết các tranh chấp, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của chúng ta ở trên biển.
Tôi khẳng định Việt Nam có đầy đủ chứng cứ pháp lý và lịch sử để chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam theo quy định của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Trong bất kỳ trường hợp nào, xét từ bất kỳ góc độ nào, thì việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 cũng như hàng chục tàu các loại tới vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để thăm dò dầu khí là bất hợp pháp và trái với quy định của luật pháp quốc tế. Việt Nam kiên quyết phản đối các hành động này.
Sau cuộc họp báo quốc tế của Việt Nam hôm 7-5, phía Việt Nam đã có trao đổi gì với phía Trung Quốc?
Ông Trần Duy Hải: Sau cuộc họp báo quốc tế của Việt Nam, chúng tôi đã có tiếp xúc ngoại giao với Trung Quốc tại Bắc Kinh để trao đổi, xử lý vấn đề này, nhưng phía Trung Quốc vẫn khăng khăng quan điểm của họ.
Việt Nam sẽ tiếp tục tận dụng triệt để các biện pháp hòa bình được quy định trong Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế để đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.
(Theo chinhphu.vn)