Thứ Tư, 18/06/2014, 08:37 (GMT+7)
.

Đức ủng hộ giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình

Chiều 17-6 tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tiếp Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức Markus Ederer nhân dịp sang Việt Nam đồng chủ trì cuộc họp Nhóm Điều hành chiến lược cấp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam - Đức lần thứ hai.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức Markus Ederer.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức Markus Ederer.

Tại buổi tiếp, hai bên cùng đánh giá quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Đức đang phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực như chính trị - ngoại giao, kinh tế, hợp tác phát triển, giáo dục, khoa học-công nghệ...

Trong thời gian tới, hai bên nhất trí phối hợp chuẩn bị các chuyến thăm cấp cao hướng tới kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2015; thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án hợp tác trọng điểm như Ngôi nhà Đức, dự án xây dựng tuyến tầu điện ngầm số 2, Trường Đại học Việt- Đức tại TP. Hồ Chí Minh, tạo động lực thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Việt Nam hoan nghênh Đức chủ trì tổ chức Hội nghị doanh nghiệp Đức khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 14 (APK 14) tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 11-2014 và sẵn sàng hỗ trợ phía Đức tổ chức thành công Hội nghị, góp phần tăng cường dòng vốn đầu tư của Đức vào Việt Nam, đặc biệt trong những lĩnh vực mà Đức có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như chế tạo máy, hóa chất...

Trong lĩnh vực hợp tác phát triển, Đức khẳng định tiếp tục duy trì cung cấp ODA cho Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực phù hợp với ưu tiên của hai nước trong giai đoạn tới gồm năng lượng, môi trường và đào tạo nghề gắn với phát triển bền vững.

Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế. Trong đó, Đức cam kết thúc đẩy Việt Nam tăng cường quan hệ toàn diện với Liên minh châu Âu (EU), hỗ trợ thúc đẩy các nước EU sớm phê chuẩn Hiệp định Hợp tác và Đối tác (PCA), ủng hộ EU công nhận quy chế Kinh tế thị trường đối với Việt Nam cùng thời điểm hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và EU.

Về vấn đề Biển Đông, Đức khẳng định ủng hộ quan điểm giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, đồng thời không đồng tình những hành động đơn phương làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.