Các dự án viện trợ của các TCPCPNN góp phần phát triển KT-XH
Những năm gần đây, nền kinh tế đất nước gặp không ít khó khăn, Chính phủ phải thực hiện cắt giảm đầu tư công để kiềm chế lạm phát. Trong bối cảnh đó, các dự án viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (TCPCPNN) đã góp phần tháo gỡ một số khó khăn của địa phương, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Những dự án này đã và đang phát huy hiệu quả, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
HIỆU QUẢ BƯỚC ĐẦU
Theo Sở Ngoại vụ, tính đến nay, có hơn 30 TCPCPNN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, trong đó có 2/3 TCPCPNN có hoạt động thường xuyên đã được Ủy ban Công tác về các TCPCPNN cấp phép hoạt động theo quy định của Nhà nước Việt Nam.
Có những tổ chức có nhiều chương trình, dự án tài trợ có giá trị lớn tại Tiền Giang như: Tổ chức Liên minh cứu trợ Na-uy (NMA), Tổ chức Save The Children, Tổ chức Oxfam, Tổ chức Habitat for Humanity, Tổ chức Room to Read (Hoa Kỳ)….
Đoàn cán bộ của Ủy ban Công tác về các TCPCPNN khảo sát một số dự án phi chính phủ tại Tiền Giang (ảnh chụp tại Bệnh viện Mắt Tiền Giang). |
Ông Lưu Văn Phi, Giám đốc Sở Ngoại vụ cho biết: “Trong giai đoạn 2011 - 2014, tỉnh đã tiếp nhận khoảng 6,2 triệu USD tài trợ từ các TCPCPNN, tập trung chủ yếu vào 4 lĩnh vực: Dự án thích ứng với biến đổi khí hậu; hỗ trợ cơ sở vật chất cho ngành Giáo dục; hỗ trợ trang thiết bị y tế; xây dựng nhà tình thương...
Nhìn chung, nguồn vốn viện trợ của các TCPCPNN được sử dụng hiệu quả, đúng theo quy định pháp luật và phục vụ tích cực mục tiêu xóa đói giảm nghèo, góp phần cải thiện đời sống người dân địa phương”.
BS Trần Việt Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Tiền Giang, kiêm Thư ký Dự án phát triển mô hình chăm sóc mắt toàn diện Việt Nam tại tỉnh Tiền Giang, do Quỹ Fred Hollows tài trợ, cho biết: Điểm nổi bật của các dự án này là đầu tư vào các lĩnh vực mà nhân dân và chính quyền địa phương đang rất cần, nhưng thiếu vốn chưa thực hiện được.
Nhờ sự tài trợ của các TCPCPNN đã phần nào khắc phục những khó khăn này. Đơn cử như Dự án phát triển mô hình chăm sóc mắt toàn diện Việt Nam tại tỉnh Tiền Giang, do Quỹ Fred Hollows tài trợ đã chính thức triển khai từ tháng 1-2013 tại Bệnh viện Mắt tỉnh và 3 huyện Tân Phước, Chợ Gạo và Cai Lậy. Tổng kinh phí triển khai thực hiện dự án trong 4 năm là 5,5 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng của tỉnh là 908 triệu đồng (hỗ trợ mua các trang thiết bị, nâng cấp khoa mắt tuyến huyện).
Đến nay đã giải ngân 2,5 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 45,43% so kế hoạch giai đoạn 2013 - 2016. Vốn đối ứng cũng được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo giải ngân tốt, trong giai đoạn 2013 - 2014 UBND tỉnh cấp vốn đối ứng 543 triệu đồng, đạt tỷ lệ 59,78% so với kế hoạch giai đoạn 2013 - 2016. “Dự án đã góp phần đem lại ánh sáng cho nhiều người mù, nhất là những người mù nghèo do bệnh đục thủy tinh thể và học sinh giảm thị lực do tật khúc xạ.
Không những vậy, dự án còn góp phần chăm sóc mắt cho người dân địa phương thông qua việc đào tạo nguồn nhân lực ngành Mắt; truyền thông giáo dục sức khỏe để nâng cao nhận thức về chăm sóc mắt trong cộng đồng” - BS Trần Việt Tuấn phấn khởi cho biết.
NỖ LỰC THU HÚT NGUỒN VIỆN TRỢ
Theo Sở Ngoại vụ, các dự án từ nguồn viện trợ của các TCPCPNN đã góp phần cải thiện quan trọng đối với nhiều lĩnh vực ở địa phương. Các khoản viện trợ tăng qua các năm, nhưng đến đầu năm 2014 giảm mạnh so với những năm trước.
Bên cạnh đó, các dự án này còn gặp một số khó khăn, trở ngại như: Một số địa phương, đơn vị còn ngần ngại khi giao tiếp với các TCPCPNN; chưa quan tâm đúng mức việc tiếp nhận, quản lý các chương trình, dự án viện trợ và chưa thực hiện tốt việc báo cáo định kỳ 6 tháng, hàng năm theo quy định.
Ngoài ra, quy chế phối hợp trong quản lý và sử dụng viện trợ từ các TCPCPNN trên địa bàn tỉnh đã được ban hành gần 1 năm, nhưng công tác phối hợp giữa các đơn vị liên quan chưa chặt chẽ…
Trong chuyến làm việc của Ủy ban Công tác Trung ương về các TCPCPNN tại Tiền Giang mới đây, ông Nguyễn Trung Dũng, Phó Trưởng ban điều phối viện trợ nhân dân đánh giá cao công tác rà soát, quản lý hoạt động của các TCPCPNN của lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cũng như mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Tiền Giang và các TCPCPNN; đồng thời cho rằng, 6 tháng đầu năm 2014 giá trị viện trợ giảm là chuyện bình thường, vì các dự án thường tập trung giải ngân vào những tháng cuối năm.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho biết, tình hình kinh tế thế giới vẫn chưa phục hồi và còn nhiều biến động nên các khoản tài trợ dự án lớn không có nhiều, chủ yếu là các tài trợ phi dự án, nhỏ lẻ. Do đó, thời gian gần đây nguồn viện trợ từ các TCPCPNN có chiều hướng giảm, không chỉ ở Tiền Giang mà ở nhiều tỉnh, thành khác cũng vậy.
Theo ông Dũng, địa phương cần tích cực hơn trong việc vận động nguồn viện trợ nước ngoài. Căn cứ tình hình thực tế, tỉnh cần sớm xây dựng và triển khai cơ chế phối hợp trong công tác vận động và quản lý viện trợ phi chính phủ nước ngoài theo Nghị định 93/2009/NĐ-CP của Chính phủ về ban hành quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài nhằm tạo thuận lợi trong việc quản lý, phối hợp và thu hút viện trợ từ các TCPCPNN đến Tiền Giang.
Ông Lưu Văn Phi, Giám đốc Sở Ngoại vụ cho biết, để tăng cường vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài trong thời gian tới, Sở Ngoại vụ sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục triển khai kế hoạch vận động viện trợ PCPNN 6 tháng cuối năm 2014 và năm 2015; tranh thủ vận động viện trợ từ các TCPCPNN mới;
Tăng cường quản lý việc sử dụng nguồn viện trợ từ các TCPCPNN; tháo gỡ mọi khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các TCPCPNN hoạt động trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao, nhằm thu hút nhiều TCPCPNN tới khảo sát và đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh; đồng thời tiếp tục đề nghị Ủy ban Công tác về các TCPCPNN quan tâm hỗ trợ và giới thiệu các TCPCPNN tiềm năng tài trợ các dự án nhiều hơn nữa cho Tiền Giang trong thời gian tới.
HOÀI THU