Thủ tướng: Cần đổi mới cách nghĩ, cách làm trong hoạt động đối ngoại
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Cần phải đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, cách thức phối hợp liên ngành trong hoạt động đối ngoại nói chung và trong triển khai đối ngoại đa phương. Đây là thời điểm chúng ta cần và hoàn toàn có đủ điều kiện để chuyển mạnh từ tư duy “tham gia tích cực” sang “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị. |
Ngày 12-8, Hội nghị "Đối ngoại đa phương thế kỷ 21 và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam" được tổ chức tại Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cùng hơn 200 đại biểu là lãnh đạo, đại diện của các bộ, ngành, địa phương và một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam tham dự.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan; nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển; 3 diễn giả- chuyên gia hàng đầu về đối ngoại đa phương là nguyên Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới Pascal Lamy; nguyên Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Jayantha Dhanapala; nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Singapore George Yeo cùng tham dự.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh đối ngoại đa phương trở thành xu thế tất yếu và ngày càng có vai trò quan trọng trong quan hệ quốc tế của thế kỷ 21. Các cơ chế hợp tác đa phương trên tất cả các tầng nấc ngày càng được các quốc gia coi trọng, đáp ứng nhu cầu gia tăng hợp tác ứng phó với các thách thức toàn cầu ngày càng gay gắt, đan xen.
Đây cũng là dịp tổng kết chặng đường gần 30 năm đối ngoại đa phương của Việt Nam, đánh giá thành tựu cũng như đúc rút những bài học trên tất cả các lĩnh vực trong thời kỳ đổi mới. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cũng trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia hàng đầu quốc tế về hoạch định và thực tiễn triển khai đối ngoại đa phương, thống nhất nhận thức giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhằm tạo đồng thuận trong việc đẩy mạnh triển khai đối ngoại đa phương trong thời kỳ hội nhập quốc tế toàn diện
Bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại - hội nhập quốc tế
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định, đối ngoại đa phương ngày càng khẳng định vai trò, vị trí trong đời sống chính trị - kinh tế - đối ngoại của thế giới và cũng là một bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đối ngoại Việt Nam, trong đó có đối ngoại đa phương đã có những đóng góp to lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong quá trình tham gia và hội nhập vào đời sống quốc tế, Việt Nam luôn nhận thức rõ vai trò quan trọng của các thể chế và diễn đàn đa phương đối với các vấn đề an ninh và phát triển của khu vực và thế giới.
Đại hội lần thứ XI của Đảng đã đánh dấu bước chuyển quan trọng về tư duy đối ngoại. Việt Nam chủ trương triển khai đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả các hoạt động đối ngoại trên tất cả các kênh song phương và đa phương, dựa trên sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa ngoại giao Nhà nước - đối ngoại Đảng và đối ngoại nhân dân.
Đại hội XI của Đảng cũng đề ra chủ trương “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” và đã được cụ thể hóa bằng Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ, theo đó hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trên cơ sở các chủ trương lớn của Đảng và xu thế chung của thế giới, cần xác định đối ngoại đa phương là bộ phận rất quan trọng trong tổng thể chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Đối ngoại đa phương là phương tiện hữu hiệu để triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hội nhập quốc tế.
Các thể chế, các diễn đàn đa phương là nơi Việt Nam bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích an ninh và phát triển; nâng cao vị thế của mình trên cơ sở hài hòa với các lợi ích chung; cùng chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu và xây dựng quan hệ đối tác bình đẳng, cùng có lợi trên cơ sở đề cao vai trò của luật pháp quốc tế. Đồng thời, đây cũng là nơi Việt Nam thể hiện tinh thần “Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.
“Trong công cuộc bảo vệ chủ quyền của đất nước, đặc biệt trong tình hình Biển Đông hiện nay, chúng ta cần coi trọng vai trò, tiếng nói của các thể chế, các diễn đàn đa phương, đặc biệt là của Liên Hợp Quốc, ASEAN, Phong trào Không liên kết”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng cho rằng, chính sự đoàn kết, ủng hộ mạnh mẽ của bạn bè quốc tế tại các diễn đàn đa phương đối với lập trường chính nghĩa của Việt Nam đã góp phần quan trọng đề cao chủ trương giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, các nguyên tắc ứng xử của khu vực, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại Hội nghị. |
Đổi mới tư duy về hoạt động đối ngoại
Cho biết đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức hội nghị toàn quốc để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đối ngoại đa phương và cũng là lần đầu tiên bàn về chủ đề này với sự tham gia, đóng góp của nhiều diễn giả hàng đầu của thế giới và Việt Nam dày dạn kinh nghiệm về đối ngoại và đặc biệt là đối ngoại đa phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Hội nghị cùng các diễn giả, đại diện các tổ chức quốc tế thảo luận, tìm ra các biện pháp hữu hiệu để đẩy mạnh đối ngoại đa phương, phục vụ hiệu quả cho bảo đảm môi trường hòa bình và phát triển của đất nước trong thời kỳ chiến lược mới.
Cụ thể, thứ nhất, cần đề xuất những định hướng dài hạn cho đối ngoại đa phương Việt Nam trong thời kỳ mới. Hội nghị cần làm rõ những yêu cầu, nhiệm vụ mới của đối ngoại đa phương, những thuận lợi và thách thức trong triển khai thực hiện.
Thứ hai, cần phải đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, cách thức phối hợp liên ngành trong hoạt động đối ngoại nói chung và trong triển khai đối ngoại đa phương; khẳng định đây là thời điểm chúng ta cần và hoàn toàn có đủ điều kiện để chuyển mạnh từ tư duy “tham gia tích cực” sang “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung”.
Thủ tướng mong muốn Hội nghị sẽ thảo luận kỹ về phương thức xử lý hài hòa các mối quan hệ quan trọng, như mối quan hệ giữa lợi ích, quan tâm của Việt Nam với lợi ích, quan tâm chung của khu vực và thế giới; giữa lợi ích song phương với lợi ích đa phương; giữa lợi ích tổng thể với lợi ích của mỗi ngành…
Thứ ba, cần làm rõ những biện pháp để tăng cường thống nhất nhận thức và đồng thuận giữa các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân về tầm quan trọng của đối ngoại đa phương trong hội nhập quốc tế toàn diện phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Thứ tư, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về Hội nhập quốc tế cần bàn sâu các biện pháp cụ thể nhằm xây dựng, kiện toàn các cơ chế phối hợp liên ngành và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ngoại giao đa phương, phù hợp với chuyển biến của tình hình và đáp ứng nhu cầu mới của đất nước; có biện pháp khuyến khích, tăng cường sự tham gia, đóng góp nhiều hơn của các cơ quan nghiên cứu, các địa phương, doanh nghiệp trong nỗ lực chung này.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng các bài học, kinh nghiệm, đề xuất và khuyến nghị tại Hội nghị có ý nghĩa quan trọng để nâng tầm đối ngoại đa phương của Việt Nam.
“Giai đoạn 10-20 năm tới có ý nghĩa then chốt đối với Việt Nam khi Cộng đồng ASEAN hình thành vào năm 2015, cùng với đó là việc nước ta tham gia các liên kết kinh tế sâu rộng, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đồng thời hoàn tất nhiều cam kết quốc tế lớn có thời hạn vào 2015 - 2020”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết.
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chân thành cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả của Liên Hợp Quốc, WTO, ASEAN, các tổ chức quốc tế, khu vực, các học giả, các nhà nghiên cứu, những người bạn thân thiết của Việt Nam trong thời kỳ phát triển mới và trong nỗ lực triển khai chính sách đối ngoại đa phương của Việt Nam.
Hội nghị có các hoạt động chính, gồm: Lễ khai mạc; các phiên thảo luận về các xu thế lớn của đối ngoại đa phương thế kỷ 21, hợp tác đa phương trong thúc đẩy phát triển bền vững; hệ thống thương mại đa phương và các xu thế liên kết đa tầng nấc, FTA thế hệ mới, điều chỉnh chính sách ngoại giao đa phương của các nước; khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam và ASEAN; bài học của hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam...
(Theo chinhphu.vn)