Thứ Sáu, 02/01/2015, 07:32 (GMT+7)
.

Dấu ấn đối ngoại năm 2014

Năm 2014 đã khép lại với nhiều tín hiệu lạc quan từ thế đi lên của đất nước. Nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng khả quan nhất từ sau Ðại hội lần thứ XI của Ðảng đến nay; nền quốc phòng - an ninh và sự ổn định chính trị - xã hội được củng cố vững chắc; đất nước hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới; quan hệ với các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững.

Hòa với niềm vui chung của toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta, ngành đối ngoại phấn khởi, tự hào vì trong những thành tựu quan trọng của đất nước có phần đóng góp của mình, nhất là trong một năm tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động.

Ủy viên Trung ương Ðảng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: TTXVN
Ủy viên Trung ương Ðảng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: TTXVN

Môi trường đối ngoại bất ổn khó lường

Năm 2014, nước ta đối diện với một môi trường đối ngoại đầy khó khăn. Kinh tế thế giới tưởng đã đi vào quỹ đạo phục hồi nhưng chưa ổn định; một số đầu tàu tăng trưởng có nguy cơ trở lại suy thoái. Giá dầu liên tục tuột dốc trong nhiều tháng qua tác động nhiều chiều đến kinh tế thế giới.

Nếu bức tranh kinh tế phủ nhiều khoảng xám, thì tình hình chính trị - an ninh quốc tế năm 2014 phức tạp, bất ổn hơn năm 2013, căng thẳng đồng loạt gia tăng ở nhiều nơi. Trong vỏn vẹn một năm, chúng ta chứng kiến cuộc khủng hoảng chính trị và xung đột ở U-crai-na, sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố ở nhiều nơi, nhất là ở Trung Ðông với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), căng thẳng ở biển Hoa Ðông và ở Biển Ðông, dịch bệnh E-bô-la, tai nạn hàng không liên tiếp...

Tuy nhiên, nguy cơ bất ổn lớn nhất hiện ra ngày càng rõ, dường như đến từ một cục diện quốc tế đang manh nha xáo trộn. Thế cân bằng quyền lực mong manh hơn khi so sánh lực lượng giữa các nước lớn đang thay đổi nhanh chóng, kéo theo nhiều cọ xát, va chạm, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn.

Trong bàn cờ chiến lược ở thế giằng co, các nước nhỏ vốn ở thế bất lợi càng gặp nhiều thách thức trong công cuộc bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình.

Châu Á - Thái Bình Dương bấy lâu nay vẫn được xem như đầu tàu tăng trưởng kinh tế thế giới thì năm qua cũng gánh chịu tình hình bất ổn. Môi trường an ninh khu vực xuất hiện thêm nhiều rủi ro. Trong bối cảnh đó, ASEAN vẫn nổi lên như một điểm sáng.

Hiệp hội đang nỗ lực chuyển mình, đẩy mạnh quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, tăng cường đoàn kết, đồng thuận, củng cố hơn nữa quan hệ với các đối tác, và tiếp tục khẳng định được vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực đang định hình.

Dẫu còn đó nhiều nguy cơ, bất ổn, song điều đáng mừng là hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, là nguyện vọng chung của nhân loại. Xu thế liên kết kinh tế khu vực và liên khu vực tiếp tục được đẩy mạnh, nhất là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Năm 2014 cũng là năm chứng kiến thêm nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật mang tính đột phá về y tế, nghiên cứu không gian... có thể cải thiện chất lượng cuộc sống con người, mở ra những chân trời mới về tư duy và kiến thức.

"Lửa thử vàng, gian nan thử sức" - môi trường đối ngoại đầy gian nan thử thách càng chứng tỏ bản lĩnh của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta. Bằng tư duy biện chứng nhìn nhận tình hình "trong nguy có cơ", hoạt động đối ngoại của Ðảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân đã được triển khai mạnh mẽ, có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định, thực chất

Nếu như năm 2013 Việt Nam đã đẩy mạnh việc thể chế hóa khuôn khổ quan hệ với các đối tác, thì năm 2014 lại là năm chúng ta tích cực cụ thể hóa nội hàm các mối quan hệ đã được xác lập. Vẫn còn đó một số vấn đề tồn tại cần quan tâm giải quyết, nhưng nhìn tổng thể, quan hệ của chúng ta với các nước láng giềng, khu vực, các nước lớn, các đối tác ưu tiên, quan trọng, các nước bạn bè truyền thống đều có những bước phát triển về chất.

Mặc dù kinh tế nhiều nước đang gặp khó khăn, nhưng kim ngạch thương mại của Việt Nam với hầu hết các đối tác đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Hợp tác chính trị - ngoại giao, quốc phòng - an ninh... với các nước tiếp tục được tăng cường, củng cố.

Quan hệ giữa Việt Nam với các nước thành viên trong đại gia đình ASEAN ngày càng mật thiết. Tình hữu nghị Việt Nam - Lào tiếp tục gắn bó keo sơn trên mọi lĩnh vực. Nhiều biện pháp thiết thực củng cố quan hệ "hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện" được hai nước cùng quan tâm thúc đẩy.

Chúng ta tiếp tục là đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Cam-pu-chia, triển khai nhiều biện pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác. Quan hệ song phương của Việt Nam với từng nước ASEAN đi vào chiều sâu, tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với các nước ASEAN khác cả năm đạt khoảng 40 tỷ USD.

Mặc dù quan hệ với Trung Quốc trải qua nhiều sóng gió do vấn đề Biển Ðông, song chúng ta đã kiên trì thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, tìm giải pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế cho các vấn đề khác biệt, qua đó từng bước khôi phục quan hệ bình thường, ổn định.

Các hoạt động trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao, trao đổi thương mại, đầu tư, du lịch... Việt Nam - Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường; kim ngạch thương mại hai chiều năm 2014 đạt khoảng 60 tỷ USD.

Quan hệ Việt Nam - LB Nga ngày càng đi vào chiều sâu trong nhiều lĩnh vực từ năng lượng đến an ninh, quốc phòng, giáo dục đào tạo và khoa học - kỹ thuật. Tin cậy chính trị giữa hai nước được củng cố hơn nữa qua chuyến thăm chính thức tới Nga của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như các cuộc tiếp xúc bên lề các Hội nghị cấp cao APEC, ASEAN giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Nga, giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nga.

Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển thuận lợi. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam. Việc tăng cường trao đổi đoàn, nhất là các đoàn Quốc hội, góp phần thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau, thu hẹp khoảng cách trong các vấn đề còn tồn tại khác biệt. Hoa Kỳ đã quyết định dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam, tăng cường hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh, nhất là vấn đề nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin.

Quan hệ giữa nước ta với các đối tác ưu tiên, quan trọng khác được nâng lên tầm cao mới. Việt Nam và Nhật Bản nâng cấp quan hệ lên thành "Ðối tác chiến lược sâu rộng". Nhật Bản tiếp tục là đối tác phát triển quan trọng hàng đầu của Việt Nam, và cũng là một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ nhất lập trường chính nghĩa của nước ta trong vấn đề Biển Ðông.

Quan hệ với Ấn Ðộ tiếp tục được thắt chặt, hợp tác an ninh, quốc phòng, dầu khí có nhiều tiến triển quan trọng. Ấn Ðộ khẳng định Việt Nam là trụ cột trong "chính sách hướng Ðông". Quan hệ với Hàn Quốc thể hiện sức sống của mối quan hệ Ðối tác chiến lược thực chất, hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực từ kinh tế - thương mại đến đầu tư, văn hóa, du lịch...

EU tiếp tục khẳng định vị trí là đối tác thương mại và thị trường xuất khẩu lớn của nước ta; quyết định tăng viện trợ cho Việt Nam trong giai đoạn 2014-2020 lên 400 triệu ơ-rô. Quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, đối tác tiềm năng ở châu Phi, Trung Ðông, châu Mỹ la-tinh tiếp tục được củng cố, ngày càng đi vào thực chất cả ở kênh song phương cũng như hợp tác tại các diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc.

Ngoại giao kiến tạo hòa bình, góp phần bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc

Ðiểm nổi bật của đối ngoại năm 2014 là đã sát cánh cùng quốc phòng - an ninh trong việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo. Trước việc Trung Quốc đưa trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chúng ta đã kiên quyết đấu tranh để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước ta ở Biển Ðông, đồng thời kiên trì đối thoại, tận dụng tất cả các kênh trong quan hệ hợp tác giữa hai nước để tìm giải pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế.

Lập trường đúng đắn và cách ứng xử đầy trách nhiệm, dựa trên luật pháp quốc tế đã giúp Việt Nam giành được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của dư luận thế giới đối với chính nghĩa của chúng ta, bảo vệ được các lợi ích chính đáng ở Biển Ðông, đồng thời duy trì được môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển kinh tế.

Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, khẳng định vị thế mới tại các diễn đàn quốc tế và khu vực

Trong năm đầu tiên triển khai Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị, tiến trình hội nhập quốc tế của chúng ta đã bước sang giai đoạn phát triển mới về chất. Hội nhập kinh tế quốc tế tiếp tục là trọng tâm; hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng có những bước đột phá. Trên bình diện quốc tế, Việt Nam đã lần đầu tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Ở phạm vi khu vực, chúng ta chủ động cùng các nước ASEAN đẩy mạnh quá trình xây dựng Cộng đồng; Việt Nam hiện là nước đi đầu trong việc triển khai các biện pháp xây dựng Cộng đồng ASEAN, đạt tỷ lệ 85% so với tỷ lệ trung bình của ASEAN là hơn 80%.

Chúng ta đã kết thúc đàm phán hai trong số sáu Hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn (với Hàn Quốc và Liên minh Hải quan Nga - Bê-la-rút - Ca-dắc-xtan), đặt những viên gạch đầu tiên trong việc định vị Việt Nam là một mắt xích trong các liên kết kinh tế quan trọng hàng đầu trên thế giới. Chúng ta cũng đã vận động thêm được 12 nước công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.

Tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như ASEAN, APEC, ASEM, và Liên hợp quốc (Hội đồng Nhân quyền, UNESCO, IAEA...), những thông điệp mạnh mẽ của lãnh đạo cấp cao nước ta về hòa bình, ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế đã khắc họa sâu đậm hình ảnh Việt Nam với tư cách là một thành viên đầy trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, có đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy hòa bình và hợp tác giữa các nước.

Chúng ta đã chuyển từ phương châm tham gia sang chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung, đề xuất sáng kiến. Nhiều sáng kiến Việt Nam đề xuất trong khuôn khổ ASEAN, ASEM, APEC được các nước thành viên ủng hộ, đánh giá cao.

Bên cạnh đó, công tác bảo hộ công dân, công tác người Việt Nam ở nước ngoài được triển khai hiệu quả, kịp thời. Chúng ta đã hoàn thành việc đưa 1.762 lao động Việt Nam ở Li-bi về nước, sơ tán hàng trăm công dân của nước ta sinh sống ở U-crai-na ra khỏi vùng xung đột; bảo hộ, cứu nạn kịp thời 153 tàu cá trong 118 vụ việc liên quan 1.253 ngư dân ta trên Biển Ðông.

Chúng ta đã và đang tiếp tục cải thiện các cơ chế, chính sách nhằm vận động kiều bào ta ở nước ngoài tích cực đóng góp cả về vật chất và trí tuệ, chất xám vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày càng hướng về quê hương đất nước.

Những thành tựu của ngành đối ngoại trong năm 2014 là nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao và tham gia trực tiếp của lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại với quốc phòng - an ninh và các bộ, ngành, địa phương khác.

Ðặc biệt, đó là bởi công tác đối ngoại của Ðảng và Nhà nước ta đã huy động được sức mạnh đoàn kết một lòng, muôn người như một của toàn dân tộc, kế thừa và chủ động, sáng tạo phát huy phương châm "độc lập, tự chủ", "dĩ bất biến ứng vạn biến" của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh trong thời kỳ mới.

Năm 2015 là năm bản lề trong việc triển khai đường lối đối ngoại của Ðại hội Ðảng lần thứ XI, đặt nền tảng để hướng tới Ðại hội Ðảng lần thứ XII. Dòng chảy của thời đại rất nhanh và nghiệt ngã, không đợi bất cứ ai.

Biến thách thức thành cơ hội, quyết không bỏ lỡ thời cơ, không để đất nước lỗi nhịp với bước tiến của khu vực và thế giới - đó là mệnh lệnh từ trái tim những người làm công tác đối ngoại. Những thành tựu của đất nước nói chung và ngành đối ngoại nói riêng đã tạo đà để chúng ta tự tin vững bước vào năm mới, dẫu biết chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức.

Ðất nước đang chuẩn bị đón một mùa Xuân mới. Cùng với toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân, những chiến sĩ trên mặt trận đối ngoại bước vào năm 2015 với một tâm thế mới, quyết tâm nỗ lực hơn nữa để góp phần đưa đất nước tiếp tục tiến lên phía trước, hướng tới những mùa Xuân thắng lợi.

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
.