Thứ Sáu, 19/06/2015, 04:58 (GMT+7)
.

Thủ tướng tiếp Giám đốc Ngân hàng ADB tại Việt Nam

Chiều 18-6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Giám đốc Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam Tomoyuki Kimura tới chào từ biệt nhân kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn ADB tiếp tục hợp tác, hỗ trợ hiệu quả Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu phát triển của mình. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn ADB tiếp tục hợp tác, hỗ trợ hiệu quả Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu phát triển của mình. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả của ADB đối với Việt Nam thời gian qua, nhất là trong tư vấn chính sách, hỗ trợ kỹ thuật cũng như hỗ trợ nguồn lực cho Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu phát triển.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam tuy đạt được những kết quả tích cực trong xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội song vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Mục tiêu mà Việt Nam đề ra là đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững; tiếp tục kiểm soát tốt, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô; tập trung nguồn lực cho tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo dự báo, trong năm 2015, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt khoảng 6,2%, đi liền với đó là tính ổn định kinh tế vĩ mô sẽ ngày càng vững chắc hơn. Trong kế hoạch 5 năm tới (2016-2020), Việt Nam đề ra mục tiêu tăng trưởng khoảng 6,5%; đảm bảo tốt ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện nhất quán kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Cùng với phát triển kinh tế-xã hội, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội; giảm nghèo nhanh và bền vững…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn ADB tiếp tục hợp tác, hỗ trợ hiệu quả đối với Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu phát triển của mình.

Giám đốc Ngân hàng ADB tại Việt Nam Tomoyuki Kimura cho biết, ông nhận nhiệm vụ công tác tại Việt Nam vào tháng 7/2011. Thời điểm đó, Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức do những tác động tiêu cực của khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Song với sự nỗ lực của mình, Việt Nam đã ứng phó rất thành công với khủng hoảng, đã duy trì được sự ổn định kinh tế vĩ mô, đạt được tốc độ tăng trưởng cao, đảm bảo tốt các vấn đề liên quan đến an sinh và phúc lợi xã hội.

“Trong quá trình công tác tại Việt Nam, tôi đã được tận mắt chứng kiến nỗ lực của Việt Nam trong ứng phó với khủng hoảng cũng như những kết quả ấn tượng mà Việt Nam đạt được trong xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo đời sống người dân”, ông Tomoyuki Kimura bày tỏ.

Ông Tomoyuki Kimura khẳng định, ADB sẽ luôn đồng hành cùng Việt Nam trên chặng đường phát triển phía trước của mình.

Toàn cảnh buổi tiếp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Toàn cảnh buổi tiếp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và ông Tomoyuki Kimura đã chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến phát triển nguồn nhân lực, nợ công, ODA, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ… của Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, Việt Nam luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển; đồng thời khẳng định để đạt được các mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam đã coi giáo dục-đào tạo, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng cho yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới là một trong những đột phá chiến lược và được quan tâm đặc biệt.

Về nợ công và ODA, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam hết sức quan tâm đến vấn đề nợ công. Việc vay nợ là cần thiết và Việt Nam đã kiểm soát tốt việc vay và sử dụng nợ công.

Việt Nam vay nợ trong và ngoài nước là để đầu tư cho phát triển, chủ yếu phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội. Hiện nợ công của Việt Nam vẫn nằm trong giới hạn an toàn và khả năng trả nợ là hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát.

Tương tự như vậy, nguồn vốn ODA cũng hết sức cần thiết đối với Việt Nam và cũng được Việt Nam quản lý và sử dụng hiệu quả cho các mục tiêu phát triển, nhất là cho đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, cho giảm nghèo và cho đào tạo phát triển nguồn nhân lực.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.