Phó Tổng Thư ký LHQ: Sẽ luôn có sự hỗ trợ cho Việt Nam
Ngày 13-8, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách Hỗ trợ Thực địa, ông Atul Khare cho biết Liên hợp quốc sẽ luôn có sự hỗ trợ đặc biệt đối với Việt Nam cũng như các nước mới tham gia đóng góp nhân sự cho các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của tổ chức này, và mong muốn Việt Nam có sự tham gia lớn hơn vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở cấp độ đơn vị.
Ba sĩ quan Việt Nam lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc. Ảnh: Hồng Pha/TTXVN |
Tuyên bố trên của ông Atul Khare được đưa ra trong buổi làm việc cùng ngày với Đoàn cán bộ Bộ Quốc phòng Việt Nam do Thiếu tướng Trần Văn Minh, Cục trưởng Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam dẫn đầu đi nghiên cứu, khảo sát chế độ, chính sách và công tác bảo đảm cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam trong thời gian tới. Ông Atul Khare cũng đánh giá cao sự đóng góp ở cấp độ cá nhân của Việt Nam cho lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Đánh giá về năng lực của sĩ quan Việt Nam, Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc về các vấn đề gìn giữ hòa bình ông Edmond Mullet nhận định sỹ quan của Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình được đào tạo và huấn luyện tốt, hoạt động rất hiệu quả. Ông Mullet cũng mong muốn Việt Nam tiếp tục đóng góp, và đóng góp nhiều hơn nữa để lực lượng ''mũ nồi xanh'' của Liên hợp quốc đảm bảo tính đa quốc gia, đa màu sắc, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Liên hợp quốc trong các chiến dịch gìn giữ hòa bình trên phạm vi toàn cầu.
Ông Mullet cũng hoan nghênh và đánh giá cao việc Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng Việt Nam đã đi thực địa các địa bàn đóng quân của các Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, nhất là tại Cộng hòa Trung Phi, nơi đang có ba sỹ quan Việt Nam tham gia. Ông Mullet lưu ý rằng mỗi địa bàn triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình sẽ có những đặc trưng riêng, và do đó việc bố trí, triển khai lực lượng của Liên hợp quốc cũng sẽ có những khác biệt. Đây là vấn đề mà Việt Nam cần chuẩn bị cho các lực lượng đóng góp trong tương lai, để họ có thể sớm thích nghi với điều kiện thực tế.
Thay mặt Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng Việt Nam, Thiếu tướng Trần Văn Minh đã trao đổi thẳng thắn về các vấn đề liên quan tới công tác triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình. Thiếu tướng Trần Văn Minh khẳng định Việt Nam đã và đang tiếp tục có sự chuẩn bị tốt về mọi mặt, và sẵn sàng đóng góp, thực hiện trách nhiệm của một quốc gia thành viên Liên hợp quốc khi Liên hợp quốc có yêu cầu.
Thiếu tướng Trần Văn Minh cũng đề nghị phía Liên hợp quốc tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, thông tin về chế độ chính sách của Liên hợp quốc đối với lực lượng gìn giữ hòa bình, cả theo hình thức cá nhân và hình thức đơn vị, để giúp Việt Nam có thêm cơ sở áp dụng xây dựng và hoàn thiện quy định về chế độ chính sách cho lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc thời gian tới; kinh nghiệm trong công tác bảo đảm hậu cần kỹ thuật của Liên hợp quốc cũng như của các nước thành viên khác có đóng góp cho lực lượng gìn giữ hòa bình để Việt Nam có sự chuẩn bị tốt cho công tác triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 và Đại đội Công binh trong thời gian tới.
Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại New York về tình hình thực tế tại Cộng hòa Trung Phi và việc thực hiện nhiệm vụ của ba sỹ quan Việt Nam, Thiếu tướng Trần Văn Minh cho biết Đoàn công tác rất tự hào khi lãnh đạo Phái bộ Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi đã có những đánh giá tích cực về các cán bộ, sỹ quan của Việt Nam. Lãnh đạo Phái bộ Liên hợp quốc tại đây đã đánh giá cao công tác huấn luyện của Việt Nam vì ba cán bộ, sỹ quan Việt Nam đã "hòa nhập rất nhanh và làm việc rất tốt."
Thiếu tướng Trần Văn Minh và Đoàn công tác đã tới thăm nơi ở và nơi làm việc của ba sỹ quan Việt Nam, khuyến khích, động viên các sĩ quan Việt Nam tiếp tục phát huy thế mạnh, tinh thần trách nhiệm, quyết tâm hoàn thành trọng trách mà Đảng và Nhà nước giao phó, góp phần khẳng định sự chính quy, tinh nhuệ của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
(Theo http://www.vietnamplus.vn/pho-tong-thu-ky-lhq-se-luon-co-su-ho-tro-dac-biet-cho-viet-nam/338208.vnp)