Thứ Tư, 28/10/2015, 08:01 (GMT+7)
.

Thủ tướng dự kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Liên Hợp Quốc

Chiều tối 27-10, Bộ Ngoại giao phối hợp với Văn phòng Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập LHQ.

Đây là sự kiện quan trọng, hết sức có ý nghĩa được tổ chức sau khi LHQ vừa tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh, thông qua các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) và Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập LHQ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập LHQ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tham dự Lễ kỷ niệm về phía Việt Nam có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương. Về phía quan khách quốc tế có bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú của LHQ tại Việt Nam; các vị đại sứ, trưởng các cơ quan đại diện ngoại giao; các vị trưởng đại diện các tổ chức của LHQ và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gửi tới các vị đại biểu lời chào trân trọng và lời chúc tốt đẹp nhất. Qua bà Pratibha Mehta và đại diện các tổ chức của LHQ, Thủ tướng bày tỏ sự trân trọng và đánh giá cao những đóng góp quan trọng của Tổng thư ký Ban Ki-moon vào thành công của LHQ trong thời gian qua và cảm ơn tinh thần hợp tác hiệu quả của các tổ chức của LHQ tại Việt Nam.

Thủ tướng cũng gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến chính phủ và nhân dân các nước thành viên LHQ; chúc LHQ ngày càng phát triển vững mạnh vì một thế giới không có chiến tranh, không còn đói nghèo và cùng chung tay hợp tác phát triển phồn vinh, bền vững.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, kể từ khi chính thức gia nhập LHQ năm 1977, Việt Nam luôn coi trọng và đánh giá cao vai trò, sự hỗ trợ, hợp tác hiệu quả của LHQ đối với công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú của LHQ tại Việt Nam đánh giá cao Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong công cuộc cải tổ của LHQ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú của LHQ tại Việt Nam đánh giá cao Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong công cuộc cải tổ của LHQ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Nhân dân Việt Nam chân thành cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của LHQ nhằm góp phần giải quyết hậu quả nặng nề của chiến tranh và khắc phục những khó khăn của bao vây, cấm vận.

Trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, sự hợp tác về vốn, kinh nghiệm của LHQ là một trong những nguồn lực quan trọng hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực thể chế luật pháp, cải cách hành chính, xóa đói giảm nghèo, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình và hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDGs) của LHQ.

“Là một thành viên tin cậy, có trách nhiệm, Việt Nam luôn chủ động và có những đóng góp thiết thực vào các hoạt động của LHQ với sự tham gia ngày càng sâu rộng, hiệu quả hơn trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam được các nước thành viên tín nhiệm bầu vào các cơ quan quan trọng của LHQ cho thấy vị thế, uy tín quốc tế ngày càng tăng của Việt Nam – một quốc gia đang phát triển năng động, chủ động hội nhập quốc tế, đóng góp tích cực và có trách nhiệm giải quyết các thách thức của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới. Sự hợp tác giữa Việt Nam và LHQ được cộng đồng quốc tế đánh giá là một hình mẫu tiêu biểu của sự hợp tác phát triển giữa các tổ chức quốc tế thuộc LHQ và các nước thành viên”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định. 

Thủ tướng cũng cho rằng, trong thời gian tới, trước những thách của một thế giới chuyển động nhanh, phức tạp và rất khó lường, LHQ cần đẩy nhanh tiến trình cải tổ một cách toàn diện, cân bằng, minh bạch, bình đẳng và đáp ứng lợi ích của các nước thành viên.

Tăng cường các chính sách, nguồn lực hỗ trợ giải quyết tình trạng bất công, bất bình đẳng xã hội, xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, tạo cơ sở bền vững cho hòa bình, an ninh và phát triển.

Đồng thời, Hội đồng Bảo an cần sớm cải tổ theo hướng mở rộng thành viên và đổi mới phương pháp làm việc nhằm đối phó hiệu quả với những thách thức toàn cầu về hòa bình và an ninh quốc tế.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các tổ chức LHQ tại Việt Nam cũng đang đổi mới hoạt động, chuyển từ vai trò nhà tài trợ thành đối tác phát triển để cùng Việt Nam hợp tác bình đẳng hơn với hiệu quả cao hơn.

 

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon tháng 5/2015 và các cuộc gặp giữa lãnh đạo Việt Nam và Tổng Thư ký LHQ là những dấu mốc quan trọng đánh dấu bước phát triển mới, tích cực trong quan hệ giữa Việt Nam và LHQ; thể hiện sinh động chủ trương Việt Nam luôn coi hợp tác với LHQ là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình.

Quan hệ hai bên sẽ tiếp tục được tăng cường không chỉ trên lĩnh vực hợp tác phát triển, mà trên tất cả các vấn đề gìn giữ hòa bình, giải quyết xung đột, bảo đảm an ninh, các vấn đề toàn cầu như xóa đói nghèo, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu...

“Chúng tôi sẵn sàng tham gia tích cực và đóng góp thiết thực, hiệu quả hơn nữa vào các hoạt động trên toàn cầu của LHQ. Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, Việt Nam luôn chú trọng phát triển văn hóa, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội; bảo đảm quyền dân chủ, tự do của mọi người dân, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển. Chúng tôi tin tưởng rằng, bằng nỗ lực của mình cùng với sự hợp tác hiệu quả của LHQ, của các quốc gia đối tác phát triển, Việt Nam sẽ thực hiện thành công SDGs và Chương trình nghị sự đến năm 2030 của LHQ”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú của LHQ tại Việt Nam, thay mặt các tổ chức quốc tế trong hệ thống LHQ tại Việt Nam hoan nghênh sự tham gia tích cực và vai trò của Việt Nam tại LHQ trong gần 40 năm qua, đặc biệt với vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ năm 2008, thành viên của Hội đồng Nhân quyền năm 2013.

Bà Pratibha Mehta chúc mừng Việt Nam vừa trúng cử vào Hội đồng Kinh tế-Xã hội ECOSOC nhiệm kỳ 2016-2018; hoan nghênh những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội mà Việt Nam đạt được cũng như cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thực hiện MDGs.

Bà cũng đánh giá cao Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong công cuộc cải tổ của LHQ với Sáng kiến Thống nhất hành động. Bà Pratibha Mehta nhấn mạnh tầm quan trọng và vai trò của LHQ trong nhiều năm qua trong việc gìn giữ hòa bình và an ninh trên thế giới, bảo vệ các quyền con người, cùng các quốc gia trên thế giới vượt qua các cuộc khủng hoảng; ghi nhận Việt Nam cùng 192 quốc gia thành viên khác đã ký và thông qua Chương trình nghị sự phát triển 2030 và SDGs; mong nhận được sự tham gia tích cực của Việt Nam tại Hội nghị COP 21 về biến đổi khí hậu sắp tới.

“LHQ sẽ sát cánh cùng Việt Nam trong tương lai nhằm đảm bảo sự phát triển toàn diện, công bằng và bền vững”, bà Pratibha Mehta khẳng định.

Thay mặt Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc đánh giá cao những thành tựu quan trọng của LHQ trong việc đảm bảo hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy hợp tác phát triển, thúc đẩy xây dựng và tuân thủ luật pháp quốc tế; điểm lại sự trưởng thành của mối quan hệ Việt Nam-LHQ từ khi Việt Nam giành lại độc lập cho đến nay trong tất cả các lĩnh vực nói trên. 

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cũng nêu rõ 3 lĩnh vực LHQ cần thúc đẩy để ứng phó với các thách thức toàn cầu hiện nay bao gồm thúc đẩy tôn trọng và thực hiện nghiêm túc luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương LHQ, và tiếp tục công tác pháp điển hóa; tập trung hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện tốt các mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh – điều kiện tiên quyết cho phát triển bền vững; đẩy mạnh quá trình cải tổ toàn diện.

Thứ trưởng khẳng định trên cương vị thành viên của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016, Hội đồng Kinh tế-Xã hội 2016-2018, Việt Nam sẽ có những đóng góp cụ thể vào công việc của các cơ quan quan trọng này, nhất là việc triển khai thực hiện SDGs thời gian tới.

Tại lễ kỷ niệm đã diễn ra triển lãm ảnh trưng bày những hình ảnh về 40 năm quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và LHQ qua nhiều thời kỳ khác nhau, từ những ngày đầu viện trợ nhân đạo, phục hồi và tái thiết, cải cách toàn diện đến quá trình thực hiện MDGs và hướng tới SDGs.

Ngày 24-10-1945, LHQ ra đời là một bước ngoặt trong lịch sử thế giới, mang lại những biến đổi to lớn cho hòa bình và tiến bộ chung của nhân loại.

Các mục tiêu và nguyên tắc hoạt động của Hiến chương LHQ mang tính phổ quát, phản ánh được mối quan tâm của các quốc gia, nhất là các nguyên tắc chủ đạo: Bình đẳng về chủ quyền quốc gia; Tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị quốc gia; Cấm đe doạ sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; Không can thiệp vào công việc nội bộ các nước; Tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế và luật pháp quốc tế; Giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hoà bình.

Trong 70 năm qua, LHQ luôn giữ vai trò hàng đầu trong ngăn ngừa, giải quyết các cuộc xung đột; đẩy lùi nguy cơ chiến tranh; duy trì hòa bình; xây dựng một thế giới phát triển và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên cả ba trụ cột hòa bình-an ninh, phát triển và bảo đảm quyền con người.

LHQ đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận là tổ chức toàn cầu có uy tín, quy mô rộng lớn nhất với 193 quốc gia thành viên và đảm nhiệm ngày càng tốt hơn vai trò trung tâm trong xây dựng hệ thống các quy định, chuẩn mực của luật pháp quốc tế trên tất cả các lĩnh vực, thúc đẩy giải quyết các thách thức toàn cầu, các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hoá và nhân đạo, hỗ trợ phát triển cho các nước nghèo và kém phát triển. 

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.