Tiền Giang trong dòng chảy hội nhập quốc tế
Có thể nói các hiệp định thương mại tự do đã ký kết cùng với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 đã mang lại cho Việt Nam nói chung, Tiền Giang nói riêng nhiều cơ hội lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời cũng mang đến nhiều thách thức mà chúng ta phải đối mặt trong thời gian tới.
Ký kết hợp tác về nông nghiệp và thủy sản giữa UBND tỉnh Tiền Giang và tỉnh Maputo, Mozambique. |
NỘI DUNG ĐỐI NGOẠI PHONG PHÚ
Trong dòng chảy của xu thế hội nhập quốc tế, hoạt động đối ngoại của tỉnh trong những năm qua đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả trên cả 3 kênh đối ngoại: Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân. Nội dung các hoạt động đối ngoại ngày càng đa dạng, phong phú, đi vào thực chất và chủ động lồng ghép với các nội dung phát triển kinh tế - xã hội; nghiên cứu, vận dụng các mô hình phát triển, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”, tỉnh không ngừng tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị với bạn bè quốc tế trên nhiều lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ... đưa quan hệ với các nước đi vào chiều sâu thực chất hơn.
Tính đến nay, ở cấp tỉnh đã ký kết 4 Biên bản ghi nhớ hợp tác cấp địa phương của tỉnh với phía nước ngoài đang còn hiệu lực như: Bộ Thủy sản Mozambique và Chính quyền tỉnh Maputo (Mozambique); tỉnh Pursat (Campuchia), tỉnh Khăm - Muộn (Lào).
Ở cấp cơ sở cũng đã xây dựng một số thỏa thuận hợp tác như: Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Hội Cựu chiến binh tỉnh Tiền Giang và Pursat (Campuchia); giữa thành phố Changwon (Hàn Quốc) và TP. Mỹ Tho; hay như các thỏa thuận đã ký giữa Trường Đại học Tiền Giang và Trường Đại học Picardie Jules Verne (Pháp), Trường Đại học Soongsil (Hàn Quốc), Trường Đại học Tokyo (Nhật Bản). Các thỏa thuận hợp tác đã được ký kết luôn bảo đảm tuân thủ đúng đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng và Nhà nước và góp phần tích cực vào quá trình phát triển của địa phương.
Song song đó, hàng năm các sở, ban, ngành tỉnh và các địa phương cũng đã đón tiếp hơn 200 đoàn khách, với hơn 1.500 khách nước ngoài đến tỉnh làm việc nhằm tìm hiểu về các tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, thực hiện các hợp tác nghiên cứu khoa học, giao lưu văn hóa, trao đổi kinh nghiệm phát triển, thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện…
Ngoài ra, hàng năm Tiền Giang cũng đón tiếp hơn 10 đoàn phóng viên báo chí nước ngoài từ các nước: Mỹ, Ý, Anh, Hàn Quốc, Úc, Nhật Bản… đến tỉnh ghi hình phong cảnh và các điểm du lịch của Tiền Giang, thực hiện phóng sự giới thiệu ẩm thực và văn hóa Việt Nam.
Trong dòng chảy hội nhập, công tác ngoại giao kinh tế luôn được tỉnh quan tâm chú trọng thông qua các nội dung: Tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2014; tăng cường cung cấp thông tin và giới thiệu cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước; tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm có yếu tố nước ngoài để quảng bá, tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm của tỉnh; gặp gỡ, trao đổi, giao lưu với các đoàn báo chí quốc tế, doanh nghiệp (DN) lữ hành nước ngoài…
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, tính đến nay trên địa bàn tỉnh có 77 dự án được cấp phép hoạt động, với tổng vốn đăng ký khoảng 1,3 tỷ USD, thu hút và tạo việc làm mới cho trên 58.000 lao động. Bên cạnh đó, trung bình hàng năm tỉnh cũng tiếp nhận khoảng 1 triệu USD từ các chương trình, dự án viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trên các lĩnh vực như: Giáo dục, y tế, xây dựng nhà ở, giảm tác hại do biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường…
CƠ HỘI ĐAN XEN KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC
Trong bối cảnh Việt Nam vừa kết thúc đàm phán Hiệp định TPP và trong quỹ đạo hướng đến Cộng đồng ASEAN năm 2015, tỉnh cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng đầy triển vọng để phát triển. Trước mắt, hội nhập quốc tế cũng mang đến nhiều triển vọng, cơ hội cho cả nước nói chung và Tiền Giang nói riêng.
Cụ thể, hội nhập sẽ giúp có nhiều điều kiện để tiếp tục hoàn thiện thể chế, gắn với cải cách hành chính và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI); tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế với các nước để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của tỉnh như nông sản, thủy sản, dệt may…; tăng khả năng thu hút khách du lịch đến tỉnh; mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, thêm sự lựa chọn môi trường làm việc và chế độ tiền lương tốt hơn; tăng lực hút vốn và công nghệ vào phát triển nền kinh tế của tỉnh, đặc biệt là nguồn vốn FDI, ODA…
Thương nhân nước ngoài đến Tiền Giang ngày càng nhiều. Ảnh: Sĩ Nguyên |
Thế nhưng, hội nhập không chỉ mang đến cơ hội mà còn có cả khó khăn, thách thức. Chẳng hạn, trong lĩnh vực kinh tế, theo nhận định chung: Năng lực tham gia hội nhập của các DN còn nhiều hạn chế do quy mô của hầu hết các DN trong tỉnh còn nhỏ, trình độ quản lý và tính chuyên nghiệp chưa cao; khả năng tiếp cận và đổi mới công nghệ, hiệu quả marketing chưa cao, chi phí đầu vào còn lớn nên làm giảm sức cạnh tranh của DN ngay trên thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, chất lượng các công trình hạ tầng giao thông thủy, bộ của tỉnh chưa đáp ứng tốt nhu cầu vận tải trong tỉnh và vùng; hành lang giao thông dọc biển, kết nối các tỉnh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh chưa phát triển tương xứng với tiềm năng; các dự án đầu tư lĩnh vực giao thông vận tải còn chậm triển khai do thiếu vốn, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh những khó khăn, hội nhập còn mang đến nhiều thách thức như: Cạnh tranh trở nên quyết liệt hơn ở cả thị trường nội địa và nước ngoài, điều đó gây sức ép không nhỏ đối với nhiều DN, nhất là những DN có tiềm lực tài chính và công nghệ còn yếu; gia tăng các rào cản thương mại dưới hình thức phi thuế quan, kiện bán phá giá, sở hữu trí tuệ, vệ sinh môi trường...; gia tăng mức cạnh tranh trên thị trường lao động, nhất là phân khúc thị trường lao động kỹ thuật cao do sự dịch chuyển tự do lực lượng lao động giữa các quốc gia; những vấn đề mới nảy sinh liên quan đến an ninh Quốc gia, nhất là nguy cơ an ninh phi truyền thống ngày càng phức tạp hơn... Nếu không có sự chuẩn bị phù hợp, thách thức này sẽ chuyển thành những khó khăn dài hạn trong tương lai...
NHÓM PVKT
Sở Ngoại vụ đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của hội nhập quốc tế trong giai đoạn 2016 - 2020 như sau: Một là, nâng cao nhận thức, xây dựng - hoàn thiện thể chế và chuẩn bị kịch bản ứng phó. Hai là, trên lĩnh vực chính trị, an ninh, cần tích cực, chủ động hơn trong việc mở rộng hợp tác quốc tế trên nguyên tắc làm sâu sắc thêm các quan hệ đã có, tăng cường mở rộng hợp tác với các quốc gia trong khối ASEAN và các nước có nền kinh tế phát triển như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc... Ba là, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tập trung vào cải thiện chỉ số PCI; chuẩn bị tốt các danh mục và đề cương dự án để thu hút các nguồn vốn đầu tư trong cũng như ngoài nước để phát triển các ngành, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm có nhiệm vụ dẫn dắt phát triển, gắn với tái cơ cấu các ngành kinh tế chủ yếu... Bốn là, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nguồn nhân lực, hỗ trợ các DN đổi mới công nghệ thông qua các đề tài nghiên cứu phát triển, hỗ trợ các dự án... |