Phát triển sâu rộng, đa lĩnh vực quan hệ hợp tác Việt Nam-Iceland
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng thống Cộng hòa Iceland, ngài Ólafur Ragnar Grímsson đã thăm cấp nhà nước tới Việt Nam. Sáng 4-11, tại Phủ Chủ tịch đã diễn ra lễ đón chính thức ngài Tổng thống và Phu nhân cùng đoàn cấp cao Chính phủ Iceland.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Iceland Ólafur Ragnar Grímsson duyệt đội danh dự Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN |
Iceland là nước theo mô hình kinh tế Bắc Âu, kinh tế luôn duy trì được mức tăng trưởng cao với mũi nhọn là các ngành công nghiệp, dịch vụ, ngân hàng, phát triển phần mềm, công nghệ sinh học, du lịch, đánh bắt và chế biến hải sản, phát triển năng lượng đặc biệt là địa nhiệt điện. Hiện nay, Iceland ngày càng quan tâm mở rộng quan hệ thương mại với các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
Iceland thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ năm 1973, giữa hai nước luôn duy trì mối quan hệ song phương tích cực, đã trao đổi một số đoàn cấp cao và các cấp. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, kim ngạch thương mại hai nước vẫn còn ở mức rất khiêm tốn. Việt Nam chủ yếu xuất sang Iceland các mặt hàng chủ lực như sản phẩm gỗ, dệt may, rau quả và Iceland xuất sang Việt Nam nguyên liệu hải sản, máy móc chế biến…
Việt Nam và các nước trong khối thương mại tự do châu Âu (EFTA) trong đó có Iceland đang đàm phán Hiệp định thương mại tự do, phấn đấu hoàn tất trong năm 2015 để chuẩn bị thúc đẩy và mở rộng hợp tác, đầu tư. Hai nước đã ký kết một số hiệp định như “tránh đánh thuế hai lần” và “Tuyên bố các lợi ích tương hỗ tạo thuận lợi cho thương mại hai nước.” Cộng đồng người Việt tại Iceland hầu hết sống tại thủ đô, có cuộc sống và việc làm ổn định, hội nhập tốt với nước sở tại.
Ngay sau lễ đón, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Iceland đã cùng hội đàm.
Thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhiệt liệt chào mừng Tổng thống, Phu nhân và các thành viên đoàn cấp cao Iceland thăm Việt Nam, góp phần tạo khuôn khổ mới cho quan hệ hợp tác hai nước.
Thông báo với ngài Tổng thống một số nét về tình hình Việt Nam, Chủ tịch nước cho biết, Việt Nam đang nỗ lực triển khai chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việt Nam chủ trương hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực, tăng cường tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, đóng góp cho hòa bình ổn định ở khu vực và đưa quan hệ với tất cả các đối tác ở các châu lục đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn nữa.
Về quan hệ song phương hai nước, Chủ tịch nước đề nghị tăng cường trao đổi, tiếp xúc ở tất cả các cấp, hoan nghênh Bộ Ngoại giao Iceland và Bộ Công Thương Việt Nam ký hợp tác trong lĩnh vực địa nhiệt ngay trong chuyến thăm này, cần rà soát và ký kết nhiều hơn nữa các lĩnh vực hợp tác cụ thể.
Hai bên cần hỗ trợ các doanh nghiệp hai nước tìm hiểu cơ hội kinh doanh và kết nối nhất là trong các lĩnh vực Iceland có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu, như đánh bắt và chế biến hải sản, năng lượng tái tạo. Đề nghị các cơ quan xúc tiến thương mại của hai nước thiết lập quan hệ, thúc đẩy hợp tác kinh tế.
Chủ tịch nước cảm ơn Iceland và các nước khối mậu dịch tự do châu Âu công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường; mong Iceland thúc đẩy đàm phán hiệp định thương mại tự do giữa hai bên, có tính đến chênh lệch trình độ phát triển, và kết thúc đàm phán trong thời gian sớm nhất để doanh nghiệp hai nước có cơ hội tiếp cận thị trường của nhau. Với kinh nghiệm của mình, Iceland có thể giúp Việt Nam hội nhập nhanh vào nền kinh tế thế giới, thực thi tốt các hiệp định đã ký, hoạt động hiệu quả hơn nữa trong khuôn khổ tổ chức thương mại thế giới WTO.
Chủ tịch nước cũng đề nghị hai nước nghiên cứu khả năng đàm phán và ký kết các văn bản hợp tác về giáo dục-đào tạo, giúp Việt Nam đào tạo chuyên gia về thủy sản, năng lượng, môi trường; đồng thời trao đổi những kinh nghiệm về đẩy mạnh an sinh xã hội, bình đẳng giới, chăm sóc trẻ em và người khuyết tật Việt Nam.
Chủ tịch nước cảm ơn và mong muốn Chính phủ Iceland tiếp tục tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống ở Iceland hòa nhập, ổn định cuộc sống tốt hơn, phát huy vai trò cầu nối để tăng cường tình hữu nghị giữa hai quốc gia.
Tổng thống Ólafur Ragnar Grímsson cảm ơn sự đón tiếp trọng thị của Nhà nước Việt Nam dành cho đoàn Iceland và nhắc lại những kỷ niệm của cá nhân ngài từng tham gia biểu tình chống chiến tranh ở Việt Nam.
Tổng thống cho biết mục đích chuyến thăm Việt Nam lần này là để mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là để chia sẻ với Việt Nam những kinh nghiệm đánh bắt thủy sản bền vững, khai thác và sử dụng năng lượng sạch, thúc đẩy học thuật giữa các đại học của hai nước. Iceland thành công trên các lĩnh vực nói trên là do ứng dụng công nghệ hiện đại.
Trước tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu đang ngày càng gây ra những hậu quả xấu, Iceland đặc biệt quan tâm việc ký kết hiệp định khung về vấn đề này vừa diễn ra tại Paris vào tháng 10/2015, trong đó có đề cập đến hiện tượng tan băng làm nước biển dâng, gây ảnh hưởng đến nhiều nước trong đó có Việt Nam, mong Việt Nam cũng tích cực tham gia vào cơ chế đối thoại tích cực này. Iceland sẵn sàng giúp Việt Nam về phát triển năng lượng tái tạo như một trong những cách ứng phó với biến đổi khí hậu, vì môi trường.
Tổng thống cho biết, trong chuyến thăm sẽ tổ chức hai cuộc hội thảo tại Việt Nam về đánh bắt hải sản và năng lượng tái tạo, điện nhiệt, khẳng định sẽ cung cấp thêm học bổng cho sinh viên Việt Nam về các lĩnh vực này cùng với việc tận dụng các chương trình đào tạo hiện có của Liên hợp quốc tại Iceland về thủy sản và điện nhiệt.
Ngài Tổng thống cũng chia sẻ với tất cả các ý kiến của Chủ tịch nước về tăng cường các lĩnh vực hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, và cho rằng cần sớm kết thúc đàm phán hiệp định thương mại tự do với EU cũng như với khối mậu dịch tự do châu Âu và với Iceland; hoan nghênh và ủng hộ các chương trình của Việt Nam về an sinh xã hội, bình đẳng giới và chăm sóc người khuyết tật tại Việt Nam.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Iceland cũng đã trao đổi về một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Việt Nam cảm ơn Iceland ủng hộ tham gia Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc, Hội đồng kinh tế xã hội (ECOSOC) và mong Iceland ủng hộ Việt Nam tham gia Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Về vấn đề biển Đông, hai nhà lãnh đạo chia sẻ quan ngại về những diễn biến gần đây, nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hiệp quốc và đặc biệt là công ước Luật biển 1982, cũng như việc các bên liên quan cần sớm thỏa thuận Bộ quy tắc ứng xử (COC) có tính chất ràng buộc, coi đây là phương thức hữu hiệu để đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không và giao thương tại biển Đông.
Sau Hội đàm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Iceland Ólafur Ragnar Grímsson đã chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực địa nhiệt giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Ngoại giao Iceland, Bản ghi nhớ hợp tác giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Reykjavik.
Tại cuộc họp báo diễn ra cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Tổng thống Iceland đã vui mừng thông báo với các cơ quan truyền thông trong nước và quốc tế về tình hình mỗi nước, cùng các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương phát triển mạnh mẽ và hiệu quả. Hai bên tin tưởng sau chuyến thăm của ngài Tổng thống sẽ mở ra giai đoạn hợp tác tốt đẹp.
Tổng thống Iceland chân thành cảm ơn Chủ tịch nước, đánh giá cao kết quả đạt được tại hội đàm, hoan nghênh danh mục hợp tác gồm nhiều lĩnh vực hai bên cam kết thực hiện; tin tưởng quan hệ hai nước tiếp tục phát triển sâu rộng; đáp ứng nhu cầu mỗi nước, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước.
(Theo http://www.vietnamplus.vn/phat-trien-sau-rong-da-linh-vuc-quan-he-hop-tac-viet-namiceland/353409.vnp)