Thứ Sáu, 04/12/2015, 05:55 (GMT+7)
.

Chuyến công tác của Thủ tướng tại châu Âu: Hiệu quả và thiết thực

Từ ngày 30-11 đến 2-12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tham dự Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về khí hậu (COP21) tại Paris và có chuyến thăm, làm việc tại Bỉ và Liên minh châu Âu (EU).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Phiên toàn thể của hội nghị COP21. Ảnh: Đức Tám/TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Phiên toàn thể của hội nghị COP21. Ảnh: Đức Tám/TTXVN

Ngày 2-12, trả lời phỏng vấn báo chí về chuyến thăm, làm việc này, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết ngoài việc tham dự Hội nghị COP21, chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu cấp cao chính phủ Việt Nam tới Pháp được coi như một chuyến thăm chính thức với các cuộc hội đàm, tiếp xúc, gặp gỡ lãnh đạo Chính phủ, Thượng viện và Hạ viện, Chủ tịch Đảng Cộng sản Pháp, Hội hữu nghị Pháp-Việt, các doanh nghiệp Pháp, cộng đồng người Việt Nam và cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp.

Tại Bỉ, đoàn cũng có một chuyến thăm làm việc hiệu quả. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp toàn bộ lãnh đạo của EU, Nhóm nghị sỹ hữu nghị EU-Việt Nam, hội đàm với Thủ tướng Bỉ, gặp Chủ tịch Thượng viện, Hạ viện Bỉ, cũng như có cuộc gặp gỡ với cộng đồng người Việt Nam và cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ.

Theo Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, đây là một chuyến thăm toàn diện, hiệu quả, thực chất. Ngoại giao chính trị gắn chặt với ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa.

Về chính trị, đây là bước tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với Pháp, Bỉ, Liên hợp quốc, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), EU. Đây là những đối tác rất quan trọng đối với Việt Nam cả về chính trị, kinh tế, an ninh, văn hóa.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tăng cường quan hệ với 26 đối tác lớn, quan trọng, truyền thống như Đức, Anh, Hà Lan, Phần Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Brazil, Chile, Cuba, Indonesia, Campuchia…

Ngoài ra, việc ký kết thỏa thuận tài chính với EU về tăng cường thực thi pháp luật và hiến pháp ở Việt Nam, đặc biệt lễ ký văn kiện chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới về thương mại, đầu tư đối với doanh nghiệp và người dân của hai bên.

Hiệp định này cùng với Hiệp định đối tác hợp tác toàn diện (PCA) đang được các nước EU phê chuẩn sẽ tạo ra một khuôn khổ rất quan trọng cho hợp tác lâu dài và bền vững giữa Việt Nam và EU, trên cơ sở cùng có lợi. Đây là một bước ngoặt rất quan trọng, tạo tiền đề nâng tầm quan hệ Việt Nam-EU trong thời gian tới.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ và đoàn cấp cao Việt Nam cũng gặp gỡ nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Pháp. Đó cũng là cơ hội mới trong hợp tác đầu tư về công nghệ với Pháp, một trong 5 đối tác chiến lược của Việt Nam ở châu Âu.

Với Bỉ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Bỉ Charles Michel đã trao đổi cụ thể danh mục 18 dự án hợp tác cho giai đoạn 2016-2018.

Về lĩnh vực văn hóa, lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã tới thăm trụ sở UNESCO đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm thành lập tổ chức này. Việc ký kết chương trình hợp tác giữa Việt Nam-UNESCO cho giai đoạn 2016-2020 diễn ra một thời gian ngắn sau khi Việt Nam được bầu vào Hội đồng chấp hành của UNESCO.

UNESCO thể hiện sự tin tưởng, coi trọng vị trí, vai trò của Việt Nam và mong muốn hợp tác với Việt Nam.

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cho rằng việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự COP21 là hoạt động đối ngoại đa phương quan trọng nhất năm 2015, năm có một chuỗi các sự kiện toàn cầu rất quan trọng liên quan đến vấn đề an ninh, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững. Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

Đặc biệt Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có một bài phát biểu quan trọng thể hiện 3 điểm: trách nhiệm, cam kết và nỗ lực của Việt Nam chung tay cùng cộng đồng thế giới ứng phó với vấn đề toàn cầu là biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, phát biểu của Thủ tướng cũng thể hiện nỗ lực của Việt Nam ​trong việc xây dựngmột khuôn khổ đáp ứng sự công bằng trong đóng góp, nhất là những nước đã phát triển phải có trách nhiệm đóng góp, giúp đỡ các nước đang phát triển thực hiện thỏa thuận này. Qua đó, chúng ta bảo vệ lợi ích của Việt Nam duy trì một không gian phát triển kinh tế-xã hội.

Ngoài ra, Việt Nam đã tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ của các đối tác trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cho biết Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), Giám đốc Quỹ môi trường toàn cầu đã cam kết giúp đỡ Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu như dự án trồng rừng ven biển chống xói lở và nước mặn xâm thực.

Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Bỉ, phía Bỉ cũng rất quan tâm tới danh mục dự án trồng rừng của Việt Nam và cam kết sẽ có sự hỗ trợ dành cho Việt Nam. Cả Pháp và Bỉ đều rất quan tâm tới lĩnh vực này và yêu cầu Việt Nam cung cấp danh mục các dự án để họ tài trợ.

Một điểm nổi bật khác tại hội nghị COP21, theo Thứ trưởng Hà Kim Ngọc​, là Việt Nam đã rất thành công khi đưa vấn đề biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long đến với hội nghị này.

Thông qua đối thoại cấp cao về các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu Đồng bằng sông Cửu Long do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng chủ trì với Thủ tướng Hà Lan và Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) cùng 30 quan chức cao cấp các nước, Việt Nam đã tìm ra giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu.

(Theo http://www.vietnamplus.vn/chuyen-cong-tac-cua-thu-tuong-tai-chau-au-hieu-qua-va-thiet-thuc/358782.vnp)

.
.
.